Chính sách zero-Covid của Trung Quốc buộc Apple tăng sản xuất iPhone tại Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính sách zero-Covid của Trung Quốc buộc Apple phải chuyển hướng sang Ấn Độ, chọn Pegatron Corp là nhà cung cấp các sản phẩm, thiết bị cầm tay ở Ấn Độ, khởi động chiến lược đa dạng hóa nguồn cung ứng sản phẩm.
Chính quyền địa phương Trung Quốc phong tỏa cách ly khu vực xung quanh "thành phố iPhone" của Foxconn. Ảnh The Star
Chính quyền địa phương Trung Quốc phong tỏa cách ly khu vực xung quanh "thành phố iPhone" của Foxconn. Ảnh The Star

Hãng sản xuất theo hợp đồng Đài Loan Pegatron Corp của Apple Inc. đã bắt đầu lắp ráp mẫu iPhone 14 của Apple tại Ấn Độ do nhà máy lớn nhất sản xuất iPhone Pro lớn của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc đã bị phong tỏa do Covid-19.

Không lâu sau khi ra mắt dòng sản phẩm iPhone 14, Apple Inc bắt đầu sản xuất thiết bị ở Ấn Độ thông qua nhà lắp ráp chính Foxconn Technology Group. Mặc dù phần lớn iPhone vẫn được sản xuất ở Trung Quốc, động thái dịch chuyển này được coi là một phần trong tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sự dịch chuyển dần Apple khỏi Trung Quốc. Mục đích then chốt của chiến lược này là nhằm giảm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng xuất phát từ chính sách zero-Covid nghiêm ngặt của Bắc Kinh và cuộc chiến công nghệ ngày càng gia tăng căng thẳng với Mỹ.

Đến thời điểm này, tình hình ở Trung Quốc không tốt hơn khi chính quyền địa phương gần đây thông báo cách ly khu vực xung quanh nhà máy sản xuất chủ lực của Foxconn ở Trịnh Châu 7 ngày. Động thái này sẽ cắt giảm nghiêm trọng các chuyến hàng ra vào nhà máy iPhone lớn nhất thế giới.

Tình huống Covid -1 19 cho thấy sự phụ thuộc sâu sắc của Apple vào Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược đa dạng hóa các cơ sở cung ứng của hãng như mở rộng cơ sở sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam.

Truyền thông đại chúng cho biết, Apple đã chọn một nhà sản xuất theo hợp đồng Đài Loan khác là Pegatron Corp làm nhà cung cấp thứ hai tại Ấn Độ. Trong một bản tin của Bloomberg, Pegatron đã bắt đầu lắp ráp mẫu iPhone 14 mới nhất của công ty tại nhà máy ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Cơ sở sản xuất này, với tổng số 7.000 nhân viên tính đến cuối tháng 9, bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh iPhone 12 đầu năm nay.

Pegatron thường nhận được các đơn đặt hàng sản xuất các mẫu đầu tiên của Apple. Nhìn chung, với chương trình ưu đãi tài chính của Thủ tướng Narendra Modi, tất cả các nhà cung cấp Đài Loan lớn nhất của Apple là Foxconn, Pegatron và Wistron Corp. đều tăng cường lắp ráp iPhone tại Ấn Độ. Sự gia tăng sản xuất làm gia tăng số lượng iPhone xuất khẩu từ quốc gia Nam Á này.

Nhưng nhà phân tích cấp cao của Counterpoint, Ivan Lam cho rằng có một trở ngại lớn đối với kế hoạch tăng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Đó là phần lớn các thành phần, bộ phận và chi tiết iPhone vẫn được sản xuất Trung Quốc và phải được vận chuyển đến bất cứ quốc gia nào thiết bị được lắp ráp.

Theo diễn biến tình hình, các chuyên gia cho rằng phương pháp tiếp cận zero Covid của Bắc Kinh có khả năng phá vỡ thêm cơ sở hoạt động chủ lực của Foxconn, ước tính sản xuất 4/5 số lượng thiết bị cầm tay mới nhất của Apple.

Hãng Foxconn, có chi nhánh được niêm yết chính là Hon Hai Precision Industry Co., phải vật lộn với vụ bùng phát dịch Covid-19, buộc một số lượng lớn trong tổng số 200.000 nhân viên phải kiểm dịch, sự cách ly ngặt nghèo khiến nhiều nhân công rút chạy khỏi cơ sở.

Ngay cả với Ấn Độ, Apple dự kiến ​​sản xuất chậm hơn.

Mới tuần trước, một bản tin trên trang Tech Wire Asia thông báo khả năng Apple giảm tốc độ sản xuất trong kỳ nghỉ lễ. Không lâu sau đó, Apple, có trụ sở tại Cupertino, California tái khẳng định trong một tuyên bố ngày 6/11, nhấn mạnh rằng “khách hàng sẽ phải chờ đợi lâu hơn để có được sản phẩm mới”. Tuyên bố này đưa ra bất chấp nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng với các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.

Theo bản tin đăng trên trang web chính thức của Apple, khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, sản phẩm iPhone 14 Pro mới có thể đến tay người tiêu dùng. Apple cho biết, cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đang hoạt động với “công suất giảm đáng kể”. Foxconn trong một tuyên bố riêng lưu ý, doanh nghiệp hạ triển vọng doanh số quý 4 xuống mức thấp nhất do tình trạng bị phong tỏa và cách ly.

Thông báo của công ty Đài Loan cho biết: “Foxconn hiện đang phối hợp với chính quyền địa phương trong nỗ lực chung dập dịch và tiếp tục sản xuất với công suất tối đa càng nhanh càng tốt”. Trong điều kiện bất lợi về sản xuất, dù hoạt động hiệu quả hơn những nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, nhưng Apple đã từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng iPhone mới trong năm 2022 sau khi không thể đáp ứng được nhu cầu tăng cao trên thế giới, Bloomberg đưa tin.

Mặc dù Apple báo cáo kết quả tốt hơn mong đợi, nhưng doanh nghiệp vẫn cảnh báo về sự suy giảm số lượng iPhone bán ra trong kỳ nghỉ lễ.

Theo Tech Wire Asia