|
Du khách đến tham quan, du lịch tại Hội An |
Từ ngày 15/8, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày, với số lần nhập, xuất cảnh không giới hạn. Công dân của các nước được Việt Nam miễn thị thực sẽ tăng thời gian tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Đây là tin vui đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Để hiểu rõ hơn những tác động từ chính sách này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng.
- Chính sách thị thực (visa) của Việt Nam kể từ ngày 15/8 được xem là tháo “nút thắt” trong việc thu hút du khách của ngành du lịch Việt Nam. Xin ông cho biết quan điểm về chính sách này?
Ông Cao Trí Dũng: Đây có thể coi là một trong những chính sách đột phá, giúp du lịch Việt Nam cất cánh và thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch.
Chính sách này sẽ không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn bắt kịp xu hướng thay đổi về nhu cầu, thị hiếu, thói quen… của du khách. Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và tự tin vào khả năng bứt phá của du lịch Việt Nam trong những năm tới.
- Ông kỳ vọng gì về chính sách này đối với du lịch Đà Nẵng? Liệu đây có là cú hích đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch của thành phố này hay không, thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ đón khách quốc tế, một trong những cực tăng trưởng khách, nên chính sách này sẽ giúp du lịch Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại, bên cạnh những chính sách về phát triển sản phẩm, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến… đã được triển khai rất tốt trong thời gian vừa qua.
- Theo ông, các cơ sở lưu trú, lữ hành cần làm gì để tận dụng chính sách này?
Ông Cao Trí Dũng: Trước hết, Đà Nẵng cần nhanh chóng triển khai chính sách này đến cộng đồng doanh nghiệp, tạo nhận thức chung và huy động nhiều nguồn lực để tận dụng cơ hội đẩy nhanh khai thác các nguồn khách quốc tế về Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cũng cần nhanh chóng thông báo, trao đổi, chia sẻ với các đối tác cả trong và ngoài nước về chính sách này; lựa chọn các thị trường có độ nhạy về chính sách cao, để triển khai ngay các hoạt động xúc tiến; mặt khác phải nâng cao sự sẵn sàng của hệ thống dịch vụ, để đủ sức đón các lượng khách lớn hơn đến Đà Nẵng với chất lượng phục vụ ở mức chất lượng cao.
- Dẫu biết là tín hiệu mừng, nhưng không có nghĩa là hết nỗi lo. Theo ông, còn những lo lắng gì sau sự bùng nổ từ chính sách này?
Ông Cao Trí Dũng: Vẫn còn đó 2 nỗi lo. Một là, chính sách về những hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, sự sẵn sàng của các địa phương chưa cao, chưa tạo ra các sản phẩm đột phá đủ sức giữ chân du khách trong dài hạn thì khó đạt được sự bật tăng bền vững của lượng khách.
Hai là có thể có sự gia tăng ồ ạt của một số thị trường khách, tạo áp lực lên hệ thống dịch vụ khi mà độ sẵn sàng chưa cao, sẽ làm suy giảm chất lượng điểm đến, khó duy trì được sự tăng trưởng.
- Xin cảm ơn ông!