Đây là dịp để cảm nhận chứng kiến rõ ràng về một thứ tình cảm về chủ nghĩa dân tộc, giá trị truyền thống đã giúp đất nước chống chọi lại sự đồng hóa, giữ được bản sắc và chiến thắng trong các cuộc chiến ngoại xâm.
Nhưng để đất nước phát triển ngày nay, tạo lập mối quan hệ thương mại với các nước, tôi cho rằng người Việt chúng ta cần tiết giảm tinh thần chủ nghĩa dân tộc và nêu cao một thứ là chủ nghĩa thực dụng [Pragmatism].
Thực dụng không xấu
Khi còn là học sinh vào những năm 1990s, tôi nhớ là mỗi khi cần phê phán người Mỹ, thầy cô thường nói với học sinh là người Mỹ rất thực dụng, tính cách trái ngược với lối sống coi trọng lý tưởng khi ấy của người Việt.
Để thấy được đường lối giáo dục con người sống có lý tưởng khi ấy, có thể thấy qua một hoạt động là mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần, lứa học sinh trung học cơ sở chúng tôi đều có tiết chào cờ đầu tuần, xếp hàng ở sân trường hát quốc ca và hô vang câu khẩu hiệu như một lời tuyên thệ như sau:
“Vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì Bác Hồ vĩ đại. Thiếu niên hãy Sẵn Sàng”.
Với môi trường giáo dục đậm tính lý tưởng khi ấy, từ thực dụng theo đó cũng trở thành một nét xấu khi đánh giá tính cách của một người.
Trẻ em Việt Nam được lớn lên trong môi trường giáo dục đậm tính lý tưởng. |
Trong khi đó, theo từ điển giải nghĩa khoa học về chủ nghĩa thực dụng hiện nay, chân lý của một lý thuyết được đánh giá bởi thành công thực tế của nó, kết quả được coi trọng, cho nên hành động thực dụng không gắn liền với nguyên tắc bất biến.
Chủ nghĩa thực dụng chủ trương con đường thứ ba trong triết học, vượt qua cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm, bác bỏ nhiều vấn đề cơ bản của triết học vốn được đặt ra suốt nhiều thế kỷ trước đó.
Chủ nghĩa thực dụng gắn các vấn đề của triết học với các vấn đề cụ thể của khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm, trở thành trường phái triết học có tầm ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống xã hội Mỹ và trở thành học thuyết triết học đặc trưng của Mỹ trong thời kỳ dài.
Việt Nam hiện nay
Sau 35 năm đổi mới, tính từ năm 1986, đất nước đã hội nhập sâu vào môi trường quốc tế, phát triển kinh tế thị trường, mọi mặt đời sống đã có sự biến đổi.
Quá trình làm ăn với người Mỹ nhiều năm, nhiều người đã học tập được thói quen thực dụng, và thực tế là chúng ta đã ngày càng trở nên thực dụng, theo nghĩa đã tiết giảm đi sự coi trọng những sắc thái tình cảm lý tưởng trong các hoạt động.
Những sự thực dụng nhất có thể kể đến là việc phát triển kinh tế thị trường, coi trọng nguồn vốn đầu tư tư bản, trái ngược hoàn toàn với quan niệm về chủ nghĩa tư bản bóc lột trước đó. Hoặc như việc phát triển gắn kết quan hệ kinh tế ngoại giao với Mỹ, quốc gia mà một thời chiến tranh bị coi là kẻ thù không đội trời chung.
Tiến trình phát triển như vậy đường lối chính sách đã gác bỏ nhiều vấn đề quá khứ, gác bỏ nhiều vấn đề lý thuyết, coi trọng thực tại và tính hiệu quả. Nhưng vấn đề là nhiều người vẫn không nhận ra sự biến đổi nơi bản thân mình, không nhận ra là mình đã đang ngày càng thực dụng.
Điều cần làm hiện nay là nhận diện gọi đúng tên sự vật hiện tượng, để từ đó thấy được những việc cần làm để đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai.
Nhìn sang Trung Quốc thì thấy, họ cũng đã phát triển theo chủ nghĩa thực dụng. Đặng Tiểu Bình, người chịu trách nhiệm trong việc phát động cuộc chiến tấn công Việt Nam năm 1979, từng có câu phát ngôn rằng “bất kể mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột”.
Câu nói đó phản ánh một tín điều sâu sắc về sự thực dụng.
Hoặc ví như nhà lãnh đạo Singapore là ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore và giữ cương vị suốt 30 năm. Mặc dù bị nhiều người chỉ trích là đã có những hành xử thiếu tính dân chủ, nhưng ông Lý cho biết suốt quá trình lãnh đạo đất nước ông không theo một thứ chủ nghĩa lý tưởng nào, ông là người gốc Hoa nhưng cũng không theo chủ nghĩa dân tộc, trong khi Singapore có nhiều dân gốc Mã Lai.
Ông Lý cho biết ông chỉ thấy những việc nào đúng đắn cần làm thì làm mà thôi. Về bản chất ông Lý Quang Diệu cũng là người theo chủ nghĩa thực dụng.
Khi Đặng Tiểu Bình sang thăm Singapore vào năm 1978, ông Lý đã nói với Đặng rằng: “Tôi luôn làm việc dựa trên giả định là mọi người đều làm việc trước hết vì bản thân họ và gia đình, và chỉ sau đó họ mới chia sẻ một phần họ có cho những người kém may mắn hơn. Đó là nền tảng tư duy của tôi”.
Như thế, chính những quan niệm và chính sách thực dụng đã đưa đến sự phát triển mau chóng cho những đất nước như Trung Quốc và Singapore, đây là điều không còn có thể bàn cãi, lãnh đạo các nước họ công khai về điều đó.
Cần nêu cao
Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, tôn trọng tuân theo các định chế thiết chế quốc tế, mời gọi đầu tư nước ngoài, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Về bản chất là đang theo chủ nghĩa thực dụng, lấy kết quả phát triển làm mục tiêu.
Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. |
Đường lối đó đang đem lại những bước phát triển đáng phấn khởi, nhưng chưa được định rõ tên gọi để gia tăng tính hiệu quả, trong khi đó thách thức hiện nay phải đối mặt là những chính sách của Trung Quốc về Giấc Mộng Trung Hoa.
Theo đó, Trung Quốc trỗi dậy muốn chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh trên trường thế giới, đòi quyền quản lý đối với cả vùng Biển Đông rộng lớn, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hải, xâm phạm ngư trường đời sống của hàng chục triệu dân ven biển và những mỏ dầu khí giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù Trung Quốc theo chủ nghĩa thực dụng, nhưng trong quan hệ với nước ta, lãnh đạo phía Trung Quốc lại muốn duy trì những sắc thái tình cảm của lý tưởng về chủ nghĩa xã hội, có ý trói buộc bất biến khi nói về vận mệnh tương đồng, để kiềm chế những hành động phản kháng có thể có của Việt Nam.
Thêm vào đó Trung Quốc lại cũng là thị trường kinh tế lớn mà một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam muốn làm ăn cùng, mà trong đó những sắc thái tình cảm về chủ nghĩa dân tộc sẽ chỉ gây hại.
Đứng trước thực tế đó, với những mối lợi ích và mâu thuẫn đan xen, việc đúng đắn nhất cần làm là phát triển hơn nữa chủ nghĩa thực dụng, trong hoạt động quản lý nhà nước các cán bộ cần có tinh thần thực dụng trong mọi việc làm.
Những việc gì đúng đắn có lợi thì làm, vấn đề sắc thái tình cảm lý tưởng chỉ còn được coi trọng trong việc đánh giá cán bộ và nắm giữ sử dụng quyền lực mà thôi. Nhưng ngay cả trong việc đó cũng nên lồng vào đó yếu tố về chủ nghĩa thực dụng.
Chủ nghĩa thực dụng [Pragmatism] cần được nêu cao, và với tính cách cá nhân, sự thực dụng cũng không còn là điều xấu nữa.