|
Ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc. |
Trang Worldjournal ngày 28/7 dẫn tạp chí "Chính sách ngoại giao" (Foreign Policy) kỳ mới nhất cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền đã 3 năm, Trung Quốc đã bị thất bại trong "một loạt chính sách ngoại giao", đã giúp được Mỹ rất nhiều, tạo thuận lợi cho Mỹ quay trở lại châu Á; trong khi đó, kết quả vụ kiện trọng tài Biển Đông chỉ là một thất bại mới nhất mà ông Tập phải tiếp nhận.
Bài viết này đăng trên tạp chí Foreign Policy có tên là "Làm thế nào để giải thích sai lầm chính sách ngoại giao to lớn của Tập Cận Bình".
Bài viết còn nghi ngờ, nếu ông Tập Cận Bình tính sai toàn bộ các nguồn lực ngoại giao thì sẽ ảnh hưởng đến vị thế lãnh đạo của ông trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là quyết định theo “đa số”.
Bài viết khẳng định, Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đưa ra phán quyết nhấn mạnh "đường chín đoạn" do Trung Quốc chủ trương, đòi hỏi không hề có căn cứ pháp lý. Đây là một "đòn đánh nặng nề", là một trụ cột quan trọng đã làm tan rã chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đối với châu Á.
Trước đây, Bắc Kinh từng bày tỏ phản đối mạnh mẽ, thậm chí răn đe Hàn Quốc không cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mục đích là có ý đồ tạo ra mâu thuẫn giữa Mỹ và Hàn Quốc, nhưng thủ pháo chính trị này đã phản tác dụng.
Đến nay, Hàn Quốc đã cho phép Mỹ triển khai THAAD, không những xích lại gần hơn với Mỹ, mà còn có thể thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Mỹ-Hàn-Nhật. Đây là cục diện không được vui nhất của Bắc Kinh. Nguyên nhân là do Bắc Kinh đã không thể "quản lý tốt" đối với Bắc Triều Tiên.
Bài viết cho rằng trong vấn đề đảo Senkaku, Bắc Kinh từng chất vấn Mỹ rằng nếu Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra xung đột ở đảo Senkaku, Mỹ có thể duy trì trung lập hay không.
Một câu trả lời làm cho Bắc Kinh hết sức tức giận là: Tháng 4/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Nhật Bản, công khai cho biết căn cứ vào Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, ô bảo hộ của Mỹ đối với Nhật Bản bao trùm cả đảo Senkaku.
Đồng thời, Trung Quốc liên tục tiến hành tuần tra trên biển, trên không đối với đảo Senkaku và biển Hoa Đông khiến cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, thực hiện quyền tự vệ tập thể, giúp cho Nhật Bản có không gian chủ động, linh hoạt hơn trong chính sách quốc phòng.
Ngoài châu Á, sai lầm ngoại giao của Bắc Kinh còn mở rộng tới châu Âu. Mặc dù Trung Quốc nhiều lần gây sức ép, EU vẫn từ chối dành "vị thế kinh tế thị trường" cho Bắc Kinh. Trong khi đó, năng lực sản xuất thép của Trung Quốc quá dư thừa, điều này lại thúc đẩy EU và Mỹ đề xuất trưng thu thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc.
Bài viết cho rằng sau khi ông Tập Cận Bình từ bỏ phương châm nhất quán "giấu mình chờ thời" của cựu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chiến lược của Bắc Kinh "hoàn toàn dựa trên các tính toán sai lầm", tức là cho rằng dựa vào ưu thế địa lý, Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh, còn một nước Mỹ suy yếu cuối cùng sẽ rút khỏi Đông Á, các nước trong khu vực không có sự lựa chọn khác, chỉ có thể phục tùng Trung Quốc.
Nhưng, chính sách ngoại giao của Tập Cận Bình trái lại đã giúp được Mỹ rất nhiều việc, giúp cho Tổng thống Barack Obama thực thi chiến lược quay trở lại châu Á một cách hết sức thuận lợi.
Đây là "thu hoạch ngoài sức tưởng tượng mà trong mơ cũng không nghĩ tới" của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc Mỹ.