Ngày 14/02/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 126-KL/TW, đề ra nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025. Một trong những nội dung quan trọng là nghiên cứu định hướng bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
iHanoi kết nối chính quyền Thủ đô với người dân
Trước đó, sáng 13/02/2025, phát biểu tại buổi thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và sửa các luật tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành tới 40 phút để nói về vấn đề tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư cho biết: “Bây giờ mới chỉ là sắp xếp bước đầu, còn lại vẫn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về bộ máy chính quyền hiệu năng, hiệu quả thế nào”. Điều đáng lưu ý là trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư cho hay mô hình tổ chức chính quyền quốc gia 4 cấp hay 3 cấp cũng sẽ được xem xét, nghiên cứu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, phục vụ nhân dân tốt hơn. Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “80% các nước hiện nay có chính quyền 3 cấp.”
Như vậy, chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 3 cấp để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước đã được Bộ Chính trị cụ thể hóa bằng Kết luận 126-KL/TW.
Việc loại bỏ cấp huyện nhằm giảm bớt tầng nấc trung gian, tinh giản bộ máy và tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước. Mô hình ba cấp giúp đảm bảo quản lý hiệu quả, duy trì sự thống nhất trong cả nước, đồng thời linh hoạt đáp ứng nhu cầu từng khu vực.
Mô hình này giúp Trung ương giảm tải áp lực quản lý, đồng thời trao quyền chủ động hơn cho địa phương trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh. Cấp tỉnh/thành phố là cầu nối, giúp chính sách từ Trung ương không quá xa rời thực tế địa phương. Người dân có thể tham gia và phản ánh ý kiến trực tiếp qua cấp xã/phường.
Chính quyền Trung ương tập trung vào hoạch định chính sách, chiến lược dài hạn, còn các cấp địa phương chịu trách nhiệm thực thi phù hợp với tình hình thực tế. Giảm tải áp lực cho Trung ương, tạo điều kiện để địa phương phát huy tính chủ động và linh hoạt trong điều hành.
Có sự kiểm soát chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, tránh tình trạng cát cứ địa phương hoặc phân tán quyền lực quá mức. Trung ương có thể điều phối và giám sát các cấp dưới, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Cấp chính quyền gần dân hơn (cấp xã/phường) có thể nhanh chóng tiếp nhận phản hồi và giải quyết vấn đề một cách kịp thời. Điều này giúp địa phương phát triển theo đặc thù kinh tế - xã hội của mình mà không bị rập khuôn theo Trung ương.
Tạo động lực cạnh tranh giữa các địa phương, từ đó thúc đẩy cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.
Mặc dù mô hình tổ chức Nhà nước ba cấp có nhiều ưu điểm trong việc phân cấp quyền lực, đảm bảo quản lý hiệu quả và nâng cao khả năng phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, để tối ưu mô hình này, cần có các biện pháp như cải cách hành chính, minh bạch hóa tài chính, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp, ứng dụng công nghệ số để tăng cường giám sát, đánh giá hoạt động của chính quyền các cấp, đồng thời tạo cầu nối giữa chính quyền các cấp với nhân dân.
Một ví dụ như việc Hà Nội đưa vào sử dụng ứng dụng iHanoi, với ứng dụng này, người dân có thể phản ánh công khai mọi vấn đề của cuộc sống và chính quyền phường, xã có trách nhiệm xử lý, phản hồi công khai trên ứng dụng. Qua ứng dụng này, Hà Nội đã xóa bỏ mọi khoảng cách giữa chính quyền cấp thành phố và người dân các xã phường. Chính quyền thành phố vừa nắm bắt được vấn đề người dân phản ánh, lại vừa có thể cùng người dân giám sát trực tiếp cách thức giải quyết, xử lý các vấn đề của chính quyền cấp xã phường, qua đó đánh giá bộ máy chính quyền cấp cơ sở hoạt động có hiệu quả hay không?
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP Hà Nội xử lý thông tin người dân phản ánh trên iHanoi để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý
Về nội dung sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, nếu được triển khai sẽ giúp các tỉnh mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý. Việc làm này có thể tạo ra những đơn vị hành chính với quy mô lớn hơn, giúp tập trung nguồn lực và khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế - xã hội của vùng. Điều này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, giảm thiểu chênh lệch giữa các địa phương.
Sáp nhập giúp hợp nhất các nguồn lực về con người, tài chính và cơ sở hạ tầng, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư và phát triển. Việc bỏ cấp huyện và sáp nhập các tỉnh giúp giảm bớt các cấp trung gian, từ đó tinh gọn bộ máy quản lý, giảm chi phí hành chính và tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Khi bộ máy quản lý được tinh gọn, quy trình ra quyết định và triển khai chính sách sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Dần định hình công nghệ số là một phương thức sản xuất mới. Người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng ít phải đến trực tiếp trụ sở cơ quan công quyền để giải quyết công việc, thay vào đó họ chỉ cần lên mạng làm các thủ tục từ khai sinh, lấy biển số xe, cấp đổi giấy phép lái xe, làm thủ tục đăng ký mở doanh nghiệp…
Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc quản lý dân cư và các hoạt động của xã hội sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Đây là cơ hội chín muồi để Việt Nam thực hiện tinh gọn hệ thống chính quyền các cấp, phát triển Nhà nước nhỏ, xã hội to.