'Chính phủ cần khuyến khích công ty tư nhân dẫn đầu trong kinh tế số'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Kinh tế số và chuyển đổi số đều là những lĩnh vực mới. Muốn tập trung phát triển, Việt Nam sẽ cần những kỹ năng mới và con người đủ năng lực thực hiện.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn là giảng viên Đại học Bristol, Anh. Ông từng nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy đầu tư tài chính và kinh tế học về thông tin và hành vi ở Anh cũng như Việt Nam. Ông là cộng tác viên của nhiều báo và tạp chí ở Việt Nam với các bài viết đề cập vấn đề kinh tế, xã hội.

Lựa chọn phát triển kinh tế trên nền tảng tri thức và tập trung vào kinh tế số là định hướng quan trọng của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ mới. Bởi kinh tế số dự kiến là lĩnh vực nhận được nhiều vốn đầu tư và có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.

Các báo cáo cho biết nền kinh tế số toàn cầu (bao gồm chuyển đổi số) có thể tăng trưởng khoảng 16-25% hàng năm cho tới 2025. Đây là một con số rất ấn tượng nếu xét đến dự báo tăng trưởng chung của GDP toàn cầu chỉ ở mức 4-5% cho giai đoạn 2021-2022.

Chúng ta không thể bỏ qua cơ hội đối với khu vực kinh tế dự kiến có tốc độ tăng trưởng cao như vậy.

Lĩnh vực mới sẽ cần những kỹ năng mới

Tuy nhiên, cần thấy rằng trước đây chúng ta cũng có nhiều định hướng đúng, như làm ôtô, làm công nghệ thông tin, rồi công nghệ sinh học ở những thập niên 1990-2000 nhưng rồi đều dang dở.

Nhiều bài học đã được rút ra, nhưng vấn đề chủ yếu là cơ chế và con người. Kinh tế số và chuyển đổi số là những lĩnh vực mới, nên sẽ cần những kỹ năng mới.

Ở các nền kinh tế trên thế giới, thiếu nhân lực có kỹ năng và những nhà quản lý có hiểu biết đúng về chuyển đổi số thường được xem là một trong những trở ngại chính. Làm thế nào để đào tạo nhân lực phù hợp với lĩnh vực mới này đã là một vấn đề.

Chúng ta không thể bỏ qua cơ hội đối với khu vực kinh tế dự kiến có tốc độ tăng trưởng cao như kinh tế số và chuyển đổi số

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn

Trong thời gian dịch bệnh, Singapore đã có những chương trình giúp hàng nghìn tiếp viên hàng không “đổi nghề” sang làm lập trình viên, nhà phân tích dữ liệu. Chính phủ nước này đang chi trên 5 tỷ đôla Singapore (SGD), sau khi đã chi 3 tỷ SGD năm ngoái, để đổi mới chất lượng nguồn nhân lực và tạo ra việc làm mới.

Ngoài ra, họ cũng dành ngân sách hơn 1 tỷ SGD để hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào các ứng dụng 5G, trí tuệ nhân tạo, và thực tế ảo.

Những câu chuyện này cho thấy muốn phát triển kinh tế số, phải xem việc chi tiền cho đổi mới kỹ năng của lực lượng lao động và khuyến khích ứng dụng chuyển đổi số là khoản chi đầu tư cơ bản buộc phải làm. Nhà nước cần cố gắng tài trợ các khoản đầu tư bằng cách giảm chi thường xuyên, nhưng cũng sẵn sàng vay nợ để đầu tư cho các dự án này.

Ngoài đầu tư cho con người, Chính phủ cũng cần tiếp tục đổi mới về cách quản lý nền kinh tế, cần có tư duy thị trường và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ giấy phép con, để các công ty công nghệ và mô hình kinh doanh mới được thử nghiệm.

Chính phủ cần thực hiện đúng vai trò kiến tạo, khuyến khích công ty tư nhân lớn mạnh và dẫn đầu trong kinh tế số. Những điều này nói thì dễ, và được khuyến nghị đã lâu, nhưng vẫn khó làm.

Một trong những cản trở lớn là vấn đề tư duy và mức độ được phân quyền, tự chịu trách nhiệm của người thực thi chính sách. Nếu người thực thi chính sách không được phân quyền đầy đủ thì rất khó thực thi.

Nghiên cứu mô hình quản lý tiền tệ của FED, ECB

Bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế số làm trọng tâm cho phát triển kinh tế giai đoạn mới, Chính phủ cũng cần tập trung vào việc củng cố và nâng cao năng lực thích nghi của hệ thống tài chính trong nước.

Hiện nay, thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam đã dần đi vào ổn định, cơ quan quản lý có thể tham khảo cách điều hành chính sách tiền tệ theo hướng minh bạch và định hướng trước của ngân hàng trung ương ở các nước phát triển như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Tuy nhiên, việc này cần tiến hành từng bước và mang tính thực chất thay vì chỉ để đối phó với những áp lực chúng ta có thể phải đối mặt như cáo buộc thao túng tiền tệ.

Một trong những tham khảo trước tiên về cách làm là cần tăng cường công bố nhiều loại thông tin về thị trường tiền tệ và vĩ mô để thị trường, nhà đầu tư có thể theo dõi.

Bằng việc gia tăng các công bố và dự báo định kỳ về kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm sự can thiệp vào thị trường. Ảnh: Quỳnh Trang.
Bằng việc gia tăng các công bố và dự báo định kỳ về kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm sự can thiệp vào thị trường. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ngoài ra, những tuyên bố định kỳ hàng tháng về đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô cũng như chính sách tiền tệ cũng sẽ tạo ra kim chỉ nam cho thị trường để các định chế tài chính và doanh nghiệp có thể dự đoán được trước diễn biến chính sách.

Khi chính sách duy trì được độ khả tín và dự đoán được thì thị trường tiền tệ của Việt Nam sẽ hoạt động nhịp nhàng hơn, và Ngân hàng Nhà nước không cần phải can thiệp quá nhiều.

Muốn làm được như vậy thì cần phải cung cấp nhiều thông tin hơn cho công chúng về các dữ liệu vĩ mô và Ngân hàng Nhà nước nên định kỳ công bố báo cáo đánh giá tình hình thị trường tiền tệ cũng như độ ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Khi thị trường hiểu rõ quan điểm và định hướng của Ngân hàng Nhà nước thì những tin đồn làm xáo trộn thị trường cũng sẽ ít đi.

Theo Zingnews