|
Máy bay Su-34 do Nga sản xuất. |
Chinatimes Đài Loan ngày 16/5 đăng bài viết sặc mùi kích động với tiêu đề “Việt Nam cho biết 3 ngày có thể tiêu diệt Không quân Trung Quốc, đúng là dựa vào nó… (tức loại máy bay mua của Nga)”.
Bài viết dẫn một đoạn thông tin rất bình thường từ trang Rusnews Nga cho hay, Nga đang đàm phán việc cung cấp máy bay chiến đấu ném bom Su-34 cho "một nước". Trưởng đoàn đại biểu Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga cho hay, “một quốc gia Đông Nam Á” bày tỏ rất quan tâm đến loại máy bay này. Đến nay, Nga vẫn chưa từng xuất khẩu máy bay chiến đấu ném bom Su-34.
Trưởng đoàn đại biểu công ty này cho hay: "Đang cùng với ‘rất nhiều nước trong khu vực’ tiến hành đàm phán về loại máy bay này. Cơ quan phụ trách khu vực này luôn nỗ lực cho vấn đề này, hơn nữa đang tiến hành đàm phán trước khi ký kết hợp đồng, nếu không, chúng tôi sẽ không xuất hiện ở đây".
Trước đó, có một số tờ báo dẫn lời hai giám đốc cấp cao của doanh nghiệp công nghiệp hàng không Nga cho hay “Việt Nam muốn mua một lô máy bay ném bom Su-34 Nga”.
Mặc dù Chinatimes Đài Loan viết như vậy, nhưng trên tờ Sputniknews Nga lại viết rõ là "Nga đang đàm phán với một loạt quốc gia Trung Đông cung cấp máy bay ném bom Su-32, phiên bản xuất khẩu của Su-34".
Đồng thời, Sputniknews cho biết, Trưởng đoàn đại biểu Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga Valeri Varlamov phát biểu như trên tại Triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2016 tổ chức ở Oman, Jordan vào ngày 11/5. Hơn nữa, ông Valeri Varlamov phát biểu như trên là khi ông đang ở khu vực Trung Đông, chứ không phải ở khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Sputniknews cho rằng hai giám đốc cao cấp của doanh nghiệp công nghiệp hàng không Nga cho biết, Jordan muốn mua một lô máy bay ném bom Su-32 Nga (phiên bản xuất khẩu của Su-34), chứ không phải là Việt Nam.
Chinatimes tiếp tục cho rằng trong chiến đấu tập kích đường không của Nga, chói sáng nhất chính là máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 được những người đam mê quân sự gọi là "thú mỏ vịt".
Theo Chinatimes, "Việt Nam nói nếu sở hữu 24 máy bay chiến đấu Su-34, có thể đánh bại lực lượng J-11 Trung Quốc trong 3 ngày."
Như vậy, trong thời điểm Trung Quốc đang ra sức bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hiện nay, Chinatimes bịa chuyện Việt Nam mua một lô máy bay ném bom Su-34 và cho rằng có thể đánh bại lực lượng J-11 Trung Quốc không hiểu họ đang tung tin đồn nhảm vì mục đích gì?
Trên thực tế, thông tin của báo chí Nga nói Việt Nam có thể mua Su-34 từ nước này là có, tuy nhiên, những gì Chinatimes thêm thắt, bịa đặt là không có.
Trước đó, năm 2015 có nguồn tin dẫn báo cáo của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Ukroboronprom, Ukraine cho biết, Việt Nam có thể sẽ mua máy bay cường kích Su-34 Nga để thay thế cho phi đội Su-22 già cỗi. Tháng 8/2013, hãng tin Itar Tass Nga cũng đã đưa tin như vậy.
Trước đó, năm 2012, báo chí Trung Quốc cũng đồn đoán cho rằng, bất cứ khi nào Nga đồng ý xuất khẩu máy bay ném bom Su-34, Việt Nam sẽ là khách hàng đầu tiên.
Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng tự vệ, mọi hoạt động mua sắm quốc phòng nếu có đều vì mục đích bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quốc gia khác, trong đó có bảo vệ chủ quyền biển đảo - PV.
Chinatimes Đài Loan tiếp tục đặt ra các câu hỏi: Máy bay ném bom tiền tuyến tiên tiến nhất Su-34 sẽ đóng vai trò như thế nào sau khi gia nhập Không quân Việt Nam? Sức chiến đấu của Su-34 mạnh cỡ nào? Su-34 có xuất khẩu cho Việt Nam hay không? Tuy nhiên, bài báo này chỉ trả lời câu hỏi thứ hai.
Theo Chinatimes, máy bay chiến đấu ném bom Su-34 có thể phóng tên lửa hành trình, có thể tấn công đối đất cự ly gần, còn có thể ném bom xe tải. Khi tranh luận về Su-34, những người đam mê quân sự thường đề cập nhiều nhất đến vấn đề định vị của loại máy bay này.
Mặc dù về danh nghĩa, máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 được dùng để thay thế cho máy bay Su-24 khá cũ, nhưng phạm vi nhiệm vụ của Su-34 tuyệt đối không chỉ là ném bom xe tải như F-15E, nó phụ trách nhiệm vụ tấn công đường không tiền tuyến quy mô lớn.
Trước tiên, một số đặc trưng cơ bản của Su-34 bao gồm bán kính tác chiến ở tầng trời thấp là 1.000 km, có thể mang theo 12 tấn đạn dược, tổ lái hai người, tải trọng treo có thể đạt 1,6 tấn, trang bị tên lửa hành trình KH-65SE tầm bắn 650 km...
Những đặc điểm trên cho thấy, Su-34 là một loại máy bay có thể mang theo lượng lớn đạn dược đột phá phòng thủ ở tầng trời thấp, hoặc trở thành phương tiện bắn tên lửa hành trình tầm trung và ngắn, thậm chí có thể bắn các tên lửa tầm ngắn như KH-29, KH-38 để tiến hành yểm trợ đối đất cự ly gần. Đồng thời, Su-34 còn có khả năng không chiến nhất định.
Tư duy này có nguồn gốc từ khái niệm giai đoạn cuối của thời kỳ Liên Xô, khi đó, Liên Xô cân nhắc đến cường độ cao của chiến tranh thập niên 1990, phi đội gồm những máy bay bay có công dụng đơn nhất rất yếu ớt khi đối mặt với tổn thất cao.
Vì vậy, trong nghiên cứu phát triển Su-27IB, tiền thân của Su-34, yêu cầu máy bay ném bom tiền tuyến mới cần có tính linh hoạt rất lớn về nhiệm vụ, nó có thể đảm đương nhiệm vụ và phối hợp tác chiến với máy bay tấn công cự ly gần Su-25, máy bay ném bom xe tải Su-24, và cả máy bay ném bom Tu-22M.
Trong khi đó, theo Chinanews, tháng 1/2016, Công ty Sukhoi Nga đang tiến hành công tác cải tiến máy bay ném bom tiền tuyến Su-34, tiếp tục nâng cao hiệu quả tác chiến. Tất cả công tác cải tiến dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, khi đó máy bay này sẽ được gọi là Su-34M.
Do đó, trong tương lai, Su-34M sẽ được sử dụng những vũ khí hàng không mới, đồng thời sẽ các thiết bị trên máy bay sẽ được hoàn thiện.
Căn cứ vào hợp đồng mua sắm quốc gia Nga đã ký, trước năm 2020 cần sản xuất 124 máy bay ném bom tiền tuyến Su-34. Dự kiến, bước tiếp theo sẽ ký kết hợp đồng bàn giao Su-34M.
Được biết, năm 2015, máy bay ném bom Su-34 Nga cũng đã tham gia không kích lực lượng cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria và đã khẳng định hiệu quả tác chiến của nó, trong đó, đáng chú ý, Su-34 đã tiến hành không kích có hiệu quả đối với các đoàn xe chở hàng của IS.