|
Chiếc máy bay không người lái Ryan thực hiện một chuyến bay trinh sát |
Tình huống khủng hoảng này đã gây lên những sự kiện đáng ghi nhớ trong chiến tranh. Một tướng lĩnh cao cấp Mỹ vô cùng giận dữ, một nhóm điệp viên NSA được thành lập và tiến hành một chương trình khẩn cấp để đảm bảo phòng không Việt Nam không thể theo dõi được hệ thống thông tin liên lạc của các máy bay không người lái Mỹ khi đó.
Trong bản điều tra nội bộ On Wach thuộc Hồ sơ của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA trong 40 năm, văn bản lưu trữ lịch sử điều tra nội bộ đã nhận xét: "Những kinh nghiệm trong chương trình do thám bằng máy bay không người lái của không quân cho thấy một minh chứng rõ nét về nguy cơ dễ bị tổn thương của hệ thống thông tin liên lạc Mỹ và một đối thủ thông minh ngay lập tức có thể khai thác nhược điểm này".
NSA công bố một bản copy bộ hồ sơ được kiểm duyệt về sự cố lịch sử này năm 2007, đáp ứng một yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin.
Từ năm 1964, Bộ tư lệnh Lực lượng Không quân chiến lược Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay không người lái nguyên mẫu Ryan 147 do thám thường xuyên trên bầu trời Miền Bắc Việt Nam.
Lầu Năm Góc lần đầu tiên nhận thấy nguy cơ rò rỉ thông tin tiềm năng của UAV gián điệp vào năm 1967. Một năm trước đó, các nhà phân tích NSA suy đoán rằng Miền Bắc Việt Nam với sự giúp đỡ của các chuyên gia khối XHCN có thể đã bẻ khóa mật mã thông tin liên lạc Mỹ và thu toàn bộ các cuộc trao đổi của lực lượng không quân Mỹ trên sóng vô tuyến.
Kết quả thật tồi tệ, Hà Nội nắm được hoàn toàn thông tin về các cuộc do thám đường không của Mỹ. Những chiếc máy bay UAV không mang vũ khí được không quân Mỹ sử dụng để trinh sát các mục tiêu không kích tiềm năng. Lực lượng phòng không Miền Bắc Việt Nam đã sử dụng những thông tin tình báo thu thập được để tổ chức các ổ phục kích phối kết hợp pháo tên lửa phòng không, xác định tọa độ của những chiếc UAV và bắn hạ.
Sự cố hệ thống an ninh bảo mật thông tin bị chọc thủng khiến Tướng Earle Wheeler - sau đó giữ chức Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân nổi điên. Khi tham gia cuộc họp cùng các tướng lĩnh về vấn đề này, ông ta đã buông lời nguyền rủa.
"Phản ứng tức thời của tướng Wheeler là giáng nắm đấm trên mặt bàn và hét: “Đồ chết tiệt, chúng ta đã bị thâm nhập!" Tình tiết này cũng được nêu trong một chuyên khảo hồ sơ lịch sử các hoạt động NSA ở Việt Nam, phát hành năm 2007 theo Luật Tự do Thông tin.
Để tìm nguồn gốc của lỗ hổng bảo mật này và sửa chữa, tướng Wheeler triển khai Chiến dịch Rồng Tím (Purple Dragon), lực lượng tham gia gồm một đội các nhân viên từ NSA, Cơ quan Tình báo Quốc phòng và một số đơn vị tình báo quân sự khác .
Nhóm đặc biệt Rồng Tím được giao toàn quyền thẩm tra khai thác và điều nghiên bất kỳ và tất cả các hoạt động quân sự đang diễn ra trên vùng biển Thái Bình Dương, bao gồm cả những hoạt động của máy bay UAV không quân Mỹ.
Như đã biết, các máy bay không người lái Mỹ, sử dụng trên không phận Việt Nam đơn sơ hơn nhiều so với các máy bay không người lái công nghệ cao mà quân đội Mỹ sử dụng ngày nay.
Thay vì cất cánh từ một đường băng mặt đất, một máy bay vận tải đặc biệt DC-130, được gọi chung là "tàu mẹ" sẽ mang các UAV Ryan vào không trung. Khi đã đến độ cao và địa điểm tập kết, DC-130 sẽ thả các UAV Ryan, những chiếc máy bay này tự động bay đến mục tiêu bằng chế độ autopilot.
Các máy bay không người lái thường thực hiện nhiệm vụ do thám bằng phương pháp chụp ảnh mục tiêu từ nhiều độ cao hoặc quét địa hình bằng các sóng radio khác nhau, tùy thuộc vào nhiệm vụ trinh sát cụ thể. Một số chiếc drone được sửa đổi đặc chủng làm nhiệm vụ gây hỏng hóc điện từ cho radar đối phương và thả truyền đơn tuyên truyền.
Theo tài liệu chính thức về lịch sử không quân ghi lại: “Các trắc thủ máy bay UAV điều khiển drone bằng hệ thống giám sát và điều khiển bay, được bố trí trên máy bay mẹ. Trắc thủ phi công sẽ điều khiển khi drone bay lệch khỏi quỹ đạo lập trình”, “thông thường, drone được lập trình để bay qua các khu vực của một số mục tiêu định trước, sau đó quay trở về khu vực thu hồi.
Các UAV không hạ cánh giống như một chiếc máy bay thông thường. Khi UAV Ryan bay đến khu vực thu hồi, động cơ máy bay tự ngắt và một chiếc dù bung ra khỏi máy bay.
Khi chiếc UAV bắt đầu trôi lơ lửng trong không trung, một máy bay trực thăng cải tiến CH-3 bay đến và sử dụng chiếc khung vợt theo đúng nghĩa đen vợt chiếc drone trong không trung, dây dù quấn vào chiếc vợt đó. Chiếc trực thăng bay trở về căn cứ với chiếc drone mà họ bắt được.
Một điều đáng tiếc là nguyên mẫu UAV Ryan rất dễ bị bắn hạ bởi tất cả các phương tiện phòng không Miền Bắc Việt Nam như tên lửa, pháo phòng không và máy bay tiêm kích. Chiếc Ryan không người lái nhỏ bay với tốc độ tương đối chậm, trở thành con mồi dễ dàng cho các phi công Miền Bắc Việt Nam tính thành tích nếu không gặp các mục tiêu có giá trị hơn.
Theo bút lục của một nhà phân tích NSA. Các sĩ quan chỉ huy cao cấp của Mỹ tin rằng, các đơn vị phòng không miền Bắc Việt Nam không thể nào có được những thành tích liên tiếp như vậy nếu họ không biết được chính xác thời gian bay của các UAV và độ cao hoạt động.
Trong miền Nam Việt Nam, một nhóm điệp viên Mỹ đã phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy Hà Nội đã bẻ khóa mật mã thông tin liên lạc của đơn vị trắc thủ phi công không người lái. Nhóm Purple Dragons - các chuyên gia bảo mật trở lên nổi tiếng, đề xuất một thiết bị đặc biệt để tăng cường bảo mật thông tin liên lạc.
Hồ sơ của NSA có đoạn ghi lại: "Trước sự ngạc nhiên của hầu như tất cả mọi người trong nhóm Rồng Tím, những ngày tiếp theo tỷ lệ tổn thất máy bay không người lái giảm mạnh và dừng lại trong một thời gian khá dài". Trong khi NSA kiểm tra rất nhiều các chi tiết khác nhau, sự cố máy bay không người lái bị bắn hạ lại tăng lên. Lực lượng không quân yêu cầu nhóm Rồng Tím quay trở lại làm việc.
Các điệp viên phát hiện ra rằng trong khi hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến được bảo mật an toàn trên mặt đất rất tốt, thì trên chiếc “tàu mẹ” DC-130, hệ thống thông tin liên lạc hoàn toàn không bảo mật. Những chiếc máy bay vận tải được đề xuất lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc mới có thiết bị bảo mật.
"Khi tất cả các biện pháp được thực hiện, số lượng máy bay không người lái bị đối phương bắn hạ nhanh chóng giảm xuống, chỉ còn 1 hoặc 2 chiếc trong năm, khác hẳn với số lượng 2 hoặc 3 chiếc trong tuần, vào thời gian trước khi nhóm bảo mật Rồng Tím đưa ra những biện pháp đảm bảo an toàn thông tin". Trích bút lục hồ sơ của NSA.
Không quân cũng nỗ lực hết sức để bảo mật các chương trình hành động. Trong 8 năm liên tiếp, các đơn vị không quân thay đổi mật danh cho những nhiệm vụ do thám miền Bắc Việt Nam bằng UAV bốn lần, những mật danh được sử dụng là Blue Spring, Bumble Bug, Bumpy Action và cuối cùng là Buffalo Hunter.
Nhưng từ năm 1970 đến năm 1972, theo một báo cáo chính thức, Không quân Mỹ vẫn mất hơn 100 chiếc máy bay không người lái. Mặc dù vây, Lầu Năm Góc cho rằng lực lượng phòng không Miền Bắc Việt Nam chỉ bắn rơi có 15 chiếc.
"Rất nhiều lần các máy bay không người lái đã bị rơi vì lý do không rõ ràng," đây là câu giải thích có tính kỷ lục lặp đi lặp lại. "Những tổn thất này là có thể là do lực lượng phòng không Miền Bắc Việt Nam bắn hạ, nhưng có nhiều khả năng hệ thống dẫn đường bay gặp sự cố hay do lỗi kỹ thuật trong điều kiện tác chiến thực tế."
Những giải thích trên khẳng định, đây không phải là công việc của Rồng Tím. Chiến dịch bảo mật thông tin thực sự đã rất thành công, Lầu Năm Góc ra lệnh tiến hành áp dụng các giải pháp tương tự cho quân đội trên toàn thế giới, trong tất cả các lĩnh vực quân sự và các quân binh chủng.
Nhưng chiến tranh Việt Nam cho một bài học lớn. Bất cứ khi nào các lực lượng đặc biệt sử dụng máy bay không người lái để do thám một nước khác, quốc gia đó cũng sẽ cố gắng tiến hành các hoạt động phản gián chống lại.
Cách đây 4 năm, một trong những chiếc UAV tàng hình gián điệp RQ-170 của CIA bị hạ ở Iran, đây chính là kết quả của công tác phản gián. Lực lượng tác chiến điện tử Tehran đột nhập vào hệ thống điều khiển và thông tin liên lạc của chiếc máy bay này và hạ nó xuống sân bay Iran. Lịch sử cho thấy, thực sự Miền Bắc Việt Nam đi trước trong công tác phản gián tác chiến điện tử này hơn 40 năm về trước.
TTB