Theo người phụ trách chuyên mục kinh tế của báo The Daily Reckoning của Hoa Kỳ, chiến tranh tiền tệ đã trở nên khốc liệt hơn tại trung tâm của cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán toàn cầu giai đoạn cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Nga khi đó đã tuyên bố, chỉ chấp nhận vàng chứ không chấp nhận đồng USD của Mỹ trong các giao dịch dầu và khí đốt của họ. Tương tự, Trung Quốc sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm loại bỏ đồng USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, đồng tiền dự trữ này (USD) trở thành hiểm họa đối với nền kinh tế thế giới. Theo Putin, cuộc chiến tiền tệ thực sự bùng phát từ đầu năm 2010 và được gọi là Chiến tranh tiền tệ thứ ba.
Các cuộc chiến tranh tiền tệ đều nổí ra ở tất cả các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, diễn ra liên tục 24/24h, trong đó các bên tham chiến là các ngân hàng, doanh nghiệp, chính khách và các hệ thống tự động. Khi đó, số phận của các nền kinh tế và người dân các nước chịu tác động của cuộc chiến này bị đặt trong tình thế nguy hiểm.
Chiến tranh tiền tệ thứ nhất và thứ hai diễn ra vào thế kỷ XX. Năm 1921, Chiến tranh tiền tệ thứ nhất bùng phát từ tàn dư của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, khi đó Đức bắt đầu phá giá đồng mark. Người ta không bao giờ quên hình ảnh ghi lại cảnh những chiếc xe cút kít nhỏ chở đầy tiền giấy mark mà giá trị không đủ để mua một chiếc bánh mì. Tương tự, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã hăng hái phá giá đồng tiền của họ nhằm tăng nhanh sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa và cải thiện cán cân thanh toán vãng lai. Năm 1925, Pháp đã phá giá đồng franc. Năm 1931, Anh đã từ bỏ chế độ tiền tệ bản vị vàng. Hai năm sau, Mỹ đã phá giá đồng USD so với vàng, từ 20,67 USD/ounce lên 35 USD/ounce. Pháp và Anh sau đó tiếp tục phá giá thêm một lần nữa. Sau nhiều lần phá giá đồng tiền và mắc sai lầm, các nền kinh tế lớn của thế giới lao dốc, thương mại bị đảo lộn, sản xuất hàng hóa bị đình trệ và buôn bán bị thua lỗ nặng nề. Năm 1936, Chiến tranh tiền tệ thứ nhất chấm dứt kèm theo một bản hiệp ước ba bên gồm Mỹ - Anh - Pháp. Nước Đức khi đó đã lâm vào tình trạng phát triển chậm chạp, phiến diện và chỉ sau đó 3 năm đại chiến thế giới đã bùng nổ. Năm 1967, Chiến tranh tiền tệ thứ hai đã diễn ra khi Anh phá giá đồng bảng so với USD. Đồng USD đã nhanh chóng phải chịu sức ép. Tình hình trở nên phức tạp khi đồng USD vẫn có sự liên quan tới vàng trong hoạt động thương mại quốc tế. Rất nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, sau đó đã đổi vô số USD để lấy vàng của Mỹ. Do vậy, dự trữ vàng của nước Mỹ đã giảm từ con số 20.000 tấn trong năm 1950 xuống còn 9.000 tấn vào năm 1971, và Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phải ra lệnh hạn chế mua bán vàng.
Kể từ đó, cả thế giới đã phải dựa vào một chế độ bản vị của một đồng tiền bấp bênh. USD đã ở trong tình trạng lao đao vào những năm 70 của thế kỷ trước, sau đó phục hồi và mạnh lên trong thập niên tiếp theo. Thời kỳ này, những đồng tiền mạnh khác như yen của Nhật và mark của Tây Đức luôn trong tình trạng không ổn định. Hiệp định Plaza 1985 tiếp tục làm cho đồng USD bị giảm giá và sau đó hiệp định Louvre 1987 đã giúp đồng USD ổn định hơn. Trong lĩnh vực tiền tệ quốc tế, từng có thời kỳ hòa bình tương đối, tuy nhiên nền hòa bình này được tạo dựng từ một điều duy nhất là sự tin tưởng rằng đồng USD của Mỹ là đồng tiền dự trữ có giá trị, dựa trên nền kinh tế Mỹ phát triển và chính sách tiền tệ ổn định theo sự điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đầu năm 2010, sự tin tưởng nêu trên bị tan vỡ trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2007 - 2009 và đến nay chưa được khôi phục.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế trên, Mỹ đã giảm lãi suất và tăng cung tiền, giúp giá hàng xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn và các nước nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ phải chi nhiều hơn. Các nước đang phát triển chỉ trích các chính sách này bởi nó đã làm tổn hại đến nền kinh tế khác. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega từng gọi đó là chiến tranh tiền tệ.
Trong bối cảnh Mỹ đang đẩy lãi suất cao hơn và giảm mua trái phiếu nước ngoài, nhiều quốc gia đang phát triển lo ngại rằng luồng vốn quốc tế sẽ chảy trở lại nước Mỹ. Tuy nhiên, chừng nào USD vẫn còn là đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới thì Washington vẫn còn có thể thao túng hệ thống tài chính toàn cầu và ngăn chặn các nước khác (như Iran) giao dịch bằng đồng USD. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ sớm chấm dứt khi đồng Nhân dân của Trung Quốc dần thay thế đồng USD trong hệ thống thanh toán toàn cầu.
Trung Quốc đã vận động theo hướng bỏ qua New York (vốn được coi như một trung tâm tài chính của thế giới), thay vào đó, họ định hướng các luồng tài chính thông qua Hong Kong và London. Ông Alastair Macleod thuộc GoldMoney, một hãng hàng đầu trên thị trường kim loại quý nhận xét, các động thái gần đây cho thấy dường như Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của đồng USD, ít nhất là với tư cách đồng tiền dự trữ của thế giới.
Bắc Kinh đang công khai tìm cách thúc đẩy đồng Nhân dân như một đồng tiền dự trữ thay thế đồng USD. Việc giành được quy chế này sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các thị trường vốn thế giới và chi phí giao dịch rẻ hơn cho ngoại thương, chứ chưa nói đến ảnh hưởng ngày càng tăng của một cường quốc kinh tế. Trong 3 năm qua, số thương vụ ngoại thương của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng Nhân dân đã tăng gần 6 lần, lên gần 12% tổng kim ngạch thương mại của nước này. Một số nước khác cũng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng Nhân dân. Lãnh đạo các nước mới nổi có nền kinh tế tăng trưởng nhanh BRICS đã ký kết thỏa thuận khung về thành lập Quỹ dự trữ ngoại hối và Ngân hàng phát triển mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không thể giảm sự phụ thuộc vào đồng USD ngay lập tức vì hiện nay, đồng USD vẫn chiếm hơn 70% các thanh toán trên thế giới, và đồng Nhân dân chiếm vị trí thứ bảy trên thế giới về tần suất sử dụng.
Dù sao, thế giới cũng đã bắt đầu thấy một cuộc chiến đang ấp ủ và thật sự nổí ra khi đồng Nhân dân đang bắt đầu lấn sân USD.
Theo daibieunhandan