Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bùng nổ. |
Ngoài 50 tỷ hàng hóa Trung Quốc bị áp mức thuế 25% nói trên, ông Donald Trump còn nói thẳng: “Chúng ta hãy còn 200 tỷ USD tạm thời để đó; sau 200 tỷ này chúng ta vẫn còn 300 tỷ nữa”. Điều đó có nghĩa là, mức hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ có thể gia tăng mức thuế nhập khẩu lên tới 550 tỷ USD. Donald Trump nói thêm: “Đó chỉ là cách dùng để đối phó Trung Quốc”.
Trước đây, Trung Quốc đã nhấn mạnh, họ quyết không là bên nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến tranh thương mại, nhưng Tổng cục Hải quan Trung Quốc nói rõ: nếu Mỹ thực hiện việc áp thuế suất mới đối với hàng hóa Trung Quốc thì biện pháp thuế quan trả đũa có cùng quy mô đối với hàng hóa Mỹ cũng sẽ lập tức có hiệu lực.
Danh mục các mặt hàng Trung Quốc bị áp mức thuế mới do Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố gồm 1.102 hạng mục, các hàng hóa bao gồm: người máy công nghiệp, sắt thép vật liệu, nhôm, chế phẩm hóa học, vaccine, thiết bị nha khoa, máy rửa bát, lò nướng, máy vắt sữa và thiết bị nhũ hóa…nhưng không bao gồm các sản phẩm người tiêu dùng Mỹ thường mua như smartphone, tivi. Việc áp thuế được chia làm hai đợt, đợt đầu gồm 818 hạng mục với tổng trị giá 34 tỷ USD; đợt 2 có hiệu lực sau 2 tuần gồm 284 mục tổng trị giá 16 tỷ USD.
Sau khi phía Mỹ tuyên bố áp dụng thuế suất mới đối với hàng hóa Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố đáp trả bằng việc áp thuế suất tương tự đối với 34 tỷ hàng Mỹ nhập khẩu; trong đó bao gồm hạt đậu – được coi là ảnh hưởng lớn nhất đến bang Iowa quê hương ông Donald Trump. Danh mục hàng hóa Mỹ bị áp thuế gồm 545 loại, trong đó bao gồm: xe hơi (xe điện và xe hybird – dùng động cơ hỗn hợp); đậu tương, đại mạch, tiểu mạch, cao lương; thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm; chế phẩm sữa; rau, nấm…Xem xét các mặt hàng Mỹ bị áp thuế suất mới thì quy mô lớn nhất là xe hơi với mức thuế cũ 15% nay cộng thêm 25% nữa lên tới 40%, năm ngoái Trung Quốc chỉ nhập từ Mỹ 45 ngàn xe nên về số lượng không nhiều, ảnh hưởng không lớn tới thị trường.
Đậu tương mới là mặt hàng quan trọng nhất bị ảnh hưởng. Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu tương lớn thứ 2 và là nước nhập khẩu đậu nhiều nhất thế giới, 86% nhu cầu của Trung Quốc dựa vào nhập khẩu; năm ngoái nhập 32,86 triệu tấn. Sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập đối với đậu Mỹ, nhiều nhà máy chế biến phải quay sang nhập của Brazil – nước đã “đục nước béo cò” bằng cách tăng giá đậu ngay sau khi những va chạm thương mại Mỹ - Trung bắt đầu. Riêng tháng 5 Trung Quốc đã đặt mua tới 19 chuyến tàu chở đậu từ Brazil.
Chuyên gia nghiên cứu về thương mại Trung Quốc Tạ Á Hiên cho rằng: việc Trung Quốc áp thuế suất mới với hạt đậu Mỹ e rằng là “tự vác đá ghè chân mình” vì việc nhập khẩu hạt đậu là không thể dừng, nếu giá đậu trên thị trường quốc tế tăng thêm 30% thì chỉ số CPI của Trung Quốc cũng tăng thêm 0,5%, gây nên nguy cơ lạm phát và làm không gian thao tác chính sách tiền tệ bị hẹp lại, gây nên biến số cho thị trường vốn.
Đậu tương là mặt hàng khiến Trung Quốc chịu thiệt nhiều nhất khi trả đũa Mỹ
|
Danh mục các mặt hàng Trung Quốc trả đũa đợt 2 bao gồm 114 loại tổng trị giá 16 tỷ USD bao gồm: than; dầu thô, xăng, dầu diezen, khí đốt; khí tài y khoa.
Trước giờ G, Tân Hoa xã đã đăng tải 2 bài bình luận phê phán vệc Mỹ cáo buộc Trung Quốc xâm lược kinh tế là “tư duy kiểu chiến tranh lạnh”, chỉ trích Mỹ chạy theo chính sách ưu tiên nước Mỹ, giương chiêu bài thâm hụt mậu dịch và an ninh quốc gia, phá hoại các thỏa thuận, dùng thủ đoạn thuế quan để xâm phạm lợi ích nước khác. Một bài khác chỉ trích Mỹ là cường quốc có sức mạnh tổng hợp lớn nhất thế giới, nhưng lại rêu rao bị bắt nạt trong thương mại quốc tế, chịu thiệt thòi, không đúng với thực tế khiến người ta ngỡ ngàng.
Đông Phương cho biết, một cơ quan truyền thông chính thức khác cũng đăng bình luận cho rằng việc ông Donald Trump đe dọa sẽ tăng mức thuế đánh vào 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa là “đỉnh cao của sự đe dọa”, “Trung Quốc phải trả đũa mạnh mẽ” và phê phán hành vi của Mỹ đã đi ngược quy tắc của WTO, phá hoại kinh tế toàn cầu. Bài báo cho rằng: Trung Quốc không thể không ứng chiến mà sẽ đánh lui Mỹ trong từng “chiến dịch”, đồng thời trấn an “phải chịu nỗi đau ngắn hạn để mưu cầu lợi ích lâu dài”.