Cuộc tấn công giải phóng Wadi Barada nhằm giải quyết khủng hoảng nguồn nước cho Damascus - đang bị các tay súng thánh chiến al-Qaeda Syria phá hoại - đã có tiến triển rõ rệt khi các lực lượng thiện chiến của quân đội Syria tiếp cận. Đối mặt với nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, lực lượng Jabhat Fateh al Sham buộc phải tìm đến một thỏa thuận hòa bình với chính quyền Syria.
Sự cố khủng hoảng nguồn cung cấp nước cho Damascus đã kéo dài gần 15 ngày, hơn 5 triệu người dân vô cùng khốn khổ vì không còn nước sạch.
Trong ngày 06.01.2017, các tay súng Hồi giáo cực đoan đã chấp nhận cho phái đoàn Nga làm trung gian hòa giải vào bên trong khu vực chiếm giữ, các bên đã tiến hành một cuộc đàm phán hòa bình kéo dài hơn 2 giờ. Trước sức ép bị tiêu diệt từ phía quân đội Syria và tin tưởng vào độ tin cậy của phái đoàn Nga, một lệnh ngừng bắn tạm thời được cả hai bên tham chiến cùng chấp thuận.
Thỏa thuận ngừng bắn hoàn chỉnh hơn sẽ có hiệu lực lúc 9 giờ sáng ngày 07.01.2017, theo thỏa thuận này, một nhóm kỹ sư và công nhân kỹ thuật sẽ được phép vào khu vực cung cấp nguồn nước để sửa chữa các hư hỏng, chấm dứt cuộc khủng hoảng nước 15 ngày ở thủ đô Damascus.
Cũng theo thỏa thuận này, những chiến binh thánh chiến còn lại phải giao nộp vũ khí có khả năng sát thương cao và ghi danh tại ủy ban quân quản địa phương, phối hợp cùng quân đội Syria đảm bảo an ninh trong các thị trấn và làng mạc ở khu vực Wadi Barada.
Các chiến binh, không xuất thân từ các thị trấn và làng mạc Wadi Barada, cùng những tay súng không chấp nhận hạ súng đầu hàng và giải quyết tình trạng pháp lý bản thân theo luật ân xá của chính quyền Syria, sẽ được sơ tán đến tỉnh Idlib miền Tây Bắc Syria.
Trên thực tế, đây chính là một thỏa thuận đầu hàng mới, các chiến binh thánh chiến buộc phải giao nộp địa bàn, vũ khí hạng nặng và hoặc giải giáp vũ khí trở thành người dân bình thường, hoặc phải di tản về tỉnh Idlib theo các điều kiện của chính quyền Syria.
Một điểm đặc biệt trong cuộc chiến giải tỏa nguồn nước cho Damascus là phái đoàn Nga trực tiếp tham gia đàm phán với lực lượng Hồi giáo thánh chiến Al Qaeda Syria, không phải là các nhóm trung gian hòa giải nào khác. Điều đó cho thấy, Nga đang từng bước trở thành một lực lượng kiến tạo hòa bình giữa các bên xung đột, ngay cả trong tình huống các nhóm chiến binh Jabhat Fateh al- Sham và Harakat Ahrar Al-Sham, vốn theo tư tưởng thánh chiến của Al Qaeda.
NT