Chiến lược Liên minh Mỹ, Nhật, Hàn chống A2/AD Trung Quốc thế nào?

VietTimes -- Trung Quốc, trong tham vọng nỗ lực giành quyền thống trị các vùng biển gần, không đơn thuần sử dụng “hạm đội pháo đài” và sức mạnh quân sự nhằm cưỡng bức giành quyền thống trị vùng nước Tây Thái Bình Dương, biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu sân bay USS Dright Eisignhower

Tiếp theo bài viết của giáo sư James Holmes

Trung Quốc và chính sách phân chia để thống trị

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc không chỉ sử dụng lực lượng tên lửa chiến lược, lực lượng hải quân và không quân để ngăn chặn và ép buộc các quốc gia trong khu vực.Trung Quốc rất thành thạo sử dụng chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và những hành động quân sự ngày càng quyết đoán hơn -  được gọi là đấu tranh đồng thời trên 3 mặt trận.

Bắc Kinh tiến hành các hoạt động đấu tranh trên 3 mặt trận thường xuyên liên tục 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày trong năm để hình thành trong khu vực và trên thế giới những quan điểm lợi ích có lợi mình. Trung Quốc tiến hành các hoạt động đấu tranh với mục đích làm các đối thủ tiềm năng phải nản lòng hoặc thuyết phục các quốc gia láng giềng hiểu được, nếu đi ngược lại ý chí của Trung Quốc thì cái giá phải trả sẽ không thể chịu đựng nổi.

Có một sự khôn ngoan Đông phương đáng sợ trong các phương pháp của Trung Quốc, nhưng thực sự rất tiếc về những mục đích đặt ra của Trung Quốc. Mỹ và đồng minh phải đáp trả, sử dụng tiềm lực của tất cả các nguồn lực, các quốc gia liên quan có thể hành động như một liên minh, không chỉ là đơn thuần là lực lượng quân sự.

Trong biệt ngữ của Kissinger, đây là tất cả các yếu tố của năng lực. Cần phải đấu tranh không phân biệt bất cứ phương tiện nào - ngoại giao, kinh tế hay quân sự trong cuộc chiến mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng này.

Sự hợp nhất , đó là thuật ngữ mà Kissinger cho đó cũng một trong những phương tiện. Sự hợp nhất của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực chính là yếu tố quan trọng đe dọa mưu đồ thống trị biển khơi của Trung Quốc. Carl von Clausewitz, nhà lý luận lớn trong lĩnh vực quân sự, đã từng phát biểu: " lợi ích cộng đồng" cấu thành "trung tâm lực hấp dẫn" lôi kéo các quốc gia. Phá vỡ những lợi ích cộng đồng bằng một đòn quân sự hiệu quả, đe dọa tấn công bằng một một đòn quân sự hoặc tấn công bằng phương tiện chính trị, có thể phân tách các liên minh thành các thành phần có thể kiểm soát và khống chế được.

Cách tiếp cận của Trung Quốc trong  ngoại giao là phương pháp “chia để thống trị”, tương tự như Tần Thủy hoàng trước đây, thuyết phục các nước láng giềng không liên minh với nhau, sau đó diệt từng nước một.

Kết quả ngoại giao này chắc chắn làm hài lòng Bắc Kinh khi các nhà ngoại giao từ các nước láng giềng nhỏ hơn có ý kiến: "Khi con rồng gầm lên giận dữ, các nước nhỏ cần phải tránh xa ngọn lửa phun ra từ miệng nó".  Đó là cách một nhà ngoại giao ASEAN giải thích sự nhượng bộ của ASEAN trong một dự thảo tuyên bố chung chống lại Trung Quốc hành xử phi pháp trên biển Đông.

Có thể nhận thấy, bằng việc củng cố vững chắc sự hợp nhất hành động của Liên minh, Mỹ và các quốc gia đồng minh có khả năng ngăn chặn không cho phép Trung Quốc giành chiến thắng nhờ chiến lược bành trướng bá quyền “chia để thống trị” của Bắc Kinh.

Nếu liên minh Mỹ và các đồng minh củng cố và duy trì sự gắn kết trong khi triển khai sức mạnh đáng sợ của các phương tiện ngoại giao, kinh tế và quân sự, Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu sẽ có cơ hội loại bỏ sự tự tin của Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động quyết đoán trên vùng nước Tây Thái Bình Dương, biển Đông và biển Hoa Đông.

Chắc chắn Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ mục tiêu địa chính trị với Đài Loan, quần đảo Senkaku, hoặc tuyên bố phi pháp về chủ quyền trên biển và bầu trời vùng nước Biển Đông. Không bao giờ Trung Quốc từ bỏ chiến lược “pháo đài hạm đội”  lực lượng hải quân hoạt động dưới chiếc ô che chắn của các khẩu đội tên lửa đạn đạo chống tàu.

Nhưng Liên minh Mỹ và đồng minh sẽ giành được thời gian nếu ngăn chặn Trung Quốc. Nếu liên minh Mỹ và đồng minh có đủ thời gian, những điều thuận lợi có thể xảy ra. Bắc Kinh có thể xuống nước, trì hoãn một tuyên bố về những vấn đề gây tranh cãi trong một tương lai không xác định. Chiến lược cạnh tranh không hồi kết là điều tốt nhất có thể đạt được trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng.

Tổng quan về sức mạnh và mục đích của liên minh

Chiến lược là gì? Bằng cách nào các đồng minh Mỹ có thể duy trì và tăng cường ý thức về mục đích chung – lợi ích của cộng đồng? Đây chính là nguyên nhân cơ bản của nỗ lực ngoại giao này. Làm thế nào có thể vô hiệu hóa chiến lược pháo đài hạm đội của Trung quốc?

Trong tổng quan chiến lược, có thể chia tách hạm đội của Trung Quốc ra khỏi hình thái chiến lược “pháo đài hạm đội” bằng cách đánh thiệt hại hạm đội Trung Quốc. PLA có thể sử dụng các tên lửa đạn đạo chống tàu ASBM để tăng cường sức năng cho các tuyên bố phi pháp, nhưng các nước đồng minh cũng có khả năng chống tàu của riêng mình.

Mỹ và đồng minh cần triển khai hệ thống vũ khí trang bị nhằm mở rộng tấn công đến các vùng biển then chốt mà Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu quan tâm. Tầm hoạt động của hệ thống sẽ phát triển trong những năm tới, khi tất cả các lực lượng tác chiến được biên chế các loại vũ khí hiện đại này.

Liên minh quân sự cũng có thể triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không chống tên lửa đạn đạo và chống tàu dọc theo chuỗi đảo, sử dụng các lợi thế địa lý. Lực lượng tên lửa mặt đất này có thể tấn công hành lang vận chuyển theo hướng đông-tây từ các vùng biển gần Trung Quốc vào vùng biển Tây Thái Bình Dương và ngược lại. Đảo Ryukyu và các đảo khác sẽ trở thành những trận tuyến tên lửa cứng rắn loại bỏ tận gốc mọi cuộc tấn công đổ bộ.

Chiến lược phong tỏa biển của Mỹ và Liên minh quân sự châu Á Thái Bình Dương

 Các thủy lôi tấn công triển khai trên các eo biển sẽ dựng thành hàng rào phong tỏa đường ra biển khơi, những tàu ngầm tấn công ẩn sau những chuỗi đảo sẽ hình thành lực lượng công kích bịt mọi lỗ hổng phòng ngự trên chuỗi đảo thứ nhất, không cho lực lượng chiến hạm nổi hoặc các tàu ngầm của Hải quân PLA khả năng đột phá tuyến phòng thủ.

Trong khi đó, một số tàu ngầm đồng minh có thể bí mật tiến vào biển Hoàng Hải và Hoa Đông, tấn công các đoàn tàu và tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ dưới biển. Điều đó có nghĩa là Hải quân Hàn Quốc, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, Hải quân Mỹ có thể phong tỏa lực lượng hải quân Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên và biến các vùng biển này trở thành vùng nguy hiểm thực sự.

Nếu chiến lược A2/ AD của Trung Quốc là thách thức của Bắc Kinh đối với các quốc gia có lợi ích ở châu Á Thái Bình Dương, chiến tuyến chuỗi đảo phòng thủ trong chiến tranh hay trong thời bình hình thành lên các mối đe dọa chính sách của Bắc Kinh, đây sẽ là đòn đáp trả của lực lượng Liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Mục đích của chiến lược này là hình thành hệ thống phòng thủ và ngăn chặn, phong tỏa đường không, đường biển. Một hình thức A2/AD mới trên vùng biển gần Trung Quốc, nói cách khác đây chính là hình thức răn đe thông thường.

Hành lang vận tải xuất nhập khẩu của Trung Quốc

Nếu xét đến sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào vấn đề nhập khẩu bằng đường biển tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu hàng thành phẩm, chiến lược phong tỏa tầm xa sẽ gây tổn thương cho Bắc Kinh nhiều hơn về kinh tế và quân sự hơn là Trung Quốc có thể làm tổn thương các nước trong Liên minh.

Đây chỉ là một phần của chiến lược phòng thủ phong tỏa Trung Quốc. Trong quan điểm này, các quốc gia đồng minh có thể đàm phán sử dụng một phần địa lý của mình để triển khai chiến lược phong tỏa đường biển.

Nhật Bản sẽ triển khai các lực lượng phòng vệ biển dọc theo trục phía Tây Nam, kiểm soát các đảo và eo biển giữa các đảo và Đài Loan. Hàn Quốc triển khai lực lượng kiểm soát phía đông và phía bắc, đóng cửa eo biển Tsushima ngăn chặn các hoạt động theo hướng Bắc -Nam và kiểm soát biển Nhật Bản nhằm ngăn chặn khả năng đột phá của hải quân Trung Quốc.

Phương pháp phân vùng  nhiệm vụ như vậy sẽ giúp cho mỗi quốc gia đồng minh khai thác tối đa ưu thế của mình, tiến hành những chiến dịch trên bộ theo phương án tối ưu nhất. Đặc biệt là Nhật Bản, đang tổ chức và xây dựng lực lượng quân sự năng động để có thể phòng thủ hoặc tái chiếm lại đảo Ryukyu.

Nhật Bản và Hàn Quốc, trong quá trình thực hiện các hoạt động ngăn chặn Trung Quốc và phòng thủ biển đảo của mình trên thực tế đã hỗ trợ tối đa cho Mỹ. Khi Tokyo và Seoul có thể kiểm soát được mọi tình huống chiến trường ở Đông Bắc Á, lực lượng liên quân Mỹ được giải phóng cho các hoạt động tác chiến ở phía nam. Quân đội Mỹ có thể siết chặt hàng rào xung quanh Biển Đông, phong tỏa và vô hiệu hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc hoặc những hoạt động chiến thuật khác như ngăn chặn các tuyến đường vận tải của Trung Quốc trên Thái Bình Dương hoặc ra Ấn Độ Dương. Tư tưởng chiến lược này sẽ có được ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn hoặc một cuộc chiến tranh.

Hình thành một chiến lược cứng rắn đáp trả A2/AD sẽ là một tín hiệu cảnh báo đối với Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia lớn và có sự tự tin đến mức ngạo mạn, có niềm tự hào đến mức trở thành tự phụ. Bắc Kinh tin rằng trong lịch sử Trung Quốc là trung tâm của thế giới và họ sẽ duy trì vị thế này.

Nhưng nếu các quốc gia đồng minh có được một chiến lược phản công, những phương tiện cần thiết để thực hiện chiến lược và có quyết tâm thực hiện chiến lược. Điều đó sẽ gây cảm giác hoài nghi trong tư duy của Trung Quốc.

Các quốc gia đồng minh có thể ngăn chặn sự kiêu căng tự mãn về sức mạnh quân sự của pháo đài hạm đội Trung Quốc và nhắc nhở Bắc Kinh về mối quan hệ nhân quả phương Đông.

Khi tiến hành một chiến lược như vậy, các quốc gia đồng minh sẽ làm suy giảm sự tự tin của Trung Quốc trong chiến lược “pháo đài hạm đội”. Kenobi, Kissinger và Mahan, những chiến lược gia chính trị và hải quân sẽ đồng tình ủng hộ.

* Tác giả James Holmes, giáo sư lĩnh vực chiến lược tại Trường đại học Chiến tranh Hải quân (Naval War College). Bài viết là bản sửa đổi những nhận xét tại Cuộc tọa đàm đối thoại ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế, Washington, DC, ngày 17.06.2016.

TTB