|
Tàu ngầm lớp Kilo được Nga chuyển giao cho Việt Nam trên vịnh Cam Ranh |
Trong một giai đoạn nhất định, tuy có sự suy giảm nào đó trong quan hệ Nga-Việt, nhìn chung thực tế phát phát triển quan hệ là tích cực. Và hiệp định sử dụng chung căn cứ ở Cam Ranh chỉ là một trong nhiều bằng chứng khẳng định điều đó. Ngày nay, sự hợp tác giữa hai nước có tính chất đối tác chiến lược với triển vọng tiếp tục mở rộng.
Có tầm quan trọng đặc biệt là sự hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp vũ khí và trang bị. Nếu như trong những năm 2008-2011, tỷ trọng của Nga trên thị trường vũ khí Việt Nam là 92,5%, thì trong những năm 2012-2015, chỉ số này sẽ là 97,6%.
Trong giai đoạn 2008-2011, trong số các nước nhập khẩu vũ khí Nga, Việt Nam đứng thứ 5 với 1,88 tỷ USD. Năm 2015, xét về tổng khối lượng các đơn đặt hàng, Việt Nam có thể dịch chuyển lên vị trí thứ 4 với khối lượng xuất khẩu vũ khí Nga sang Việt Nam dự báo đạt 2,46 tỷ USD.
|
Ngày nay, Việt Nam là một trong những khách hàng lớn nhất của vũ khí trang bị hải quân Nga mà tổng khối lượng có thể sánh với các hợp đồng hiện nay của Ấn Độ. Lớn nhất là hợp đồng mua bán 6 tàu ngầm điện-diesel Projekt 636 Kilo trang bị hệ thống tên lửa Club-S.
Cùng với các tàu ngầm thông thường, Hải quân Việt Nam đang được Nga cung cấp các tàu tuần tra lớp Projekt 10412 Svetlyak và tàu tên lửa lớp Projekt 1241RE Molnya trang bị hệ thống tên lửa Termit vốn đang được đóng theo giấy phép.
Hải quân Việt Nam cũng đã nhận được 2 frigate lớp Projekt 11661 Geprard-3.9 đóng theo công nghệ tàng hình tại Nga. Dự kiến, một số tàu cùng loại nữa cũng sẽ được Nga đóng cho Việt Nam.
|
Hồ sơ
Cam Ranh là căn cứ quân sự với cảng của Việt Nam ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trên vịnh Cam Ranh trên bờ Biển Đông. Xét tổng hợp các điều kiện thiên nhiên, cảng này được coi là một trong những cảng nước sâu tốt nhất thế giới.
Trong Chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh từng là căn cứ hậu cần lớn của Mỹ với một sân bay và một hải cảng hiện đại. Chính tại đây, người Mỹ đã huấn luyện cá heo tác chiến chống tàu nổi và người nhái đối phương.
Năm 1979, sau khi chiến tranh biên giới phía bắc Việt Nam kết thúc, Liên Xô và Việt Nam đã ký hiệp định sử dụng cảng Cam Ranh làm trạm bảo đảm vật chất kỹ thuật (PMTO) của Hải quân Liên Xô trong 25 năm.
|
Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài với tổng diện tích 100 km2. Tại căn cứ có thể cùng lúc có mặt 8-10 tàu nổi, 4-8 tàu ngầm với một căn cứ nổi, đến 6 tàu khác, còn trên sân bay có thể triển khai 14-16 máy hay mang tên lửa, 6-9 máy bay trinh sát và 2-3 máy bay vận tải. Tổng số tàu và máy bay có thể tăng lên theo nhu cầu.
PMTO ở Cam Ranh đã bảo đảm cho các tàu bè khi đậu, tiến hành liên lạc trung gian với Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh Hải quân Nga, bảo đảm về không quân chống ngầm và không quân trinh sát. Cùng với việc bắt đầu trú đóng của binh đoàn tác chiến 17, Cam Ranh đã trở thành căn cứ hải quân miễn phí của Hải quân Liên Xô. Năm 2001, vì các lý do kinh tế, ban lãnh đạo nước Nga đã rút Hải quân Nga khỏi căn cứ trước thời hạn.
Tháng 11/2013, trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch nước Việt Nam, hai bên đã ký kết hiệp định về việc mở căn cứ chung để bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm tại Cam Ranh. Các tàu chiến Nga đã được quyền sử dụng căn cứ theo thủ tục đơn giản hóa.
Để phòng thủ bờ biển, Việt Nam đã được chuyển giao một hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion, cho phép bảo vệ một khu vực trải dài hơn 600 km chống hoạt động đổ bộ của đối phương. Với sự trợ giúp kỹ thuật của Nga, Việt Nam đang sản xuất các loại tên lửa chống hạm, các tàu tuần tra và tàu đổ bộ.
|
Nga còn đang cùng với Việt Nam thực hiện các dự án lớn trong lĩnh vực không quân. Không quân Việt Nam đang được trang bị các tiêm kích Su-30MK2. Hai bên cũng đang đàm phán mở trên lãnh thổ Việt Nam trung tâm bảo dưỡng khu vực cho máy bay Sukhoi.
Không quân Việt Nam cũng đang tỏ ra quan tâm đến tiêm kích MiG-29SMT, máy bay vận tải quân sự Il-76 và máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.
Việt Nam đang đặc biệt chú trọng hiện đại hóa hệ thống phòng không quốc gia, chính vì vậy họ đang rất quan tâm đến các hệ thống tên lửa phòng không Tor, Buk và S-300 của Nga.
|
Năm 2002, bộ đội phòng không Việt Nam đã nhận được một lô gồm 50 tên lửa dành cho hệ thống tên lửa phòng không mang vác Igla-S. Năm 2005, Nga chuyển giao cho Việt Nam 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU-1. Dự kiến sẽ hiện đại hóa 40 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-125 đã chuyển giao trước đó.
Hiện nay, Ấn Độ cũng đang xem xét khả năng bán tên lửa hành trình siêu âm BrahMos (sản phẩm hợp tác với Nga) và các loại vũ khí khác cho Việt Nam. Việc mua sắm tên lửa BrahMos sẽ có ý nghĩa lớn đối với quân đội Việt Nam và sẽ làm tăng mạnh sức chiến đấu của quân đội Việt Nam.
Như vậy, việc khôi phục hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt đang giúp nâng cao khả năng quốc phòng của cả hai quốc gia.
Chuẩn đô đốc dự bị Ivan Rusanov, chuyên gia tàu ngầm, cho rằng, việc khôi phục quan hệ đối tác với Việt Nam là “có lợi cho Hải quân Nga”. Theo ông, điều đó được khẳng định bởi kinh nghiệm của Binh đoàn tác chiến 17 “vốn đã có hàng loạt ưu thế khi trú đóng tại Cam Ranh”. Việc triển khai trú đóng ở tuyến trước các lực lượng của Hải quân Nga tại khu vực này của thế giới “có lợi hơn nhiều so với sử dụng các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương từ các vị trí trú đóng thường xuyên”.
“Tôi cho rằng, việc khôi phục quan hệ hữu nghị là rất có lợi đối với cả hai bên, còn căn cứ ở Cam Ranh là rất quan trọng đối với Hải quân Nga. Việc xây dựng ở đây hệ thống bảo dưỡng tàu ngầm cũng sẽ giúp sử dụng hiệu quả lớn các lực lượng tàu ngầm Nga”, ông Rusanov nhận định.
Theo VND