|
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr |
Theo lời ông Astafyev, chiến sĩ hải quân của các tàu đã thực hiện cuộc tấn công tên lửa với vũ khí chính xác vào các mục tiêu ven biển từ tổ hợp Kalibr-NK. Tên lửa đánh trúng các mục tiêu ven biển, trong khoảng cách bay 100 hải lý (180 km).
"Trong quá trình tập trận song phương của chỉ huy và tập thể chiến sĩ (KShU) dưới sự lãnh đạo chung của Đại tướng Alexandr Dvornikov, chỉ huy Quân khu Nam, hai tàu tên lửa Dagestan và Tatarstan hoàn thành nhiệm vụ đánh trúng các mục tiêu quan trọng của đối phương trên đảo Chechen",- ông Astafyev nói.
Ông Astafyev bổ sung rằng có gần 7.000 quân nhân và hơn 2,5 nghìn thiết bị quân sự tham gia tập trận, trong đó có khoảng 20 máy bay và hơn 60 trực thăng.
Khác với tên lửa cận âm Tomahawk, các 'chú bé vàng' Kalibr có một dải tốc độ rất rộng mà người dùng có thể thiết lập, từ cận âm đến gấp 3 lần siêu âm. Độ chính xác của tên lửa trên tầm bắn từ 300 km đến 2600 km tương tự như nhau – theo cách nói của nhà sản xuất là “ngắm đâu trúng đó”.
Các chuyên gia cho rằng, tên lửa Kalibr Nga đã vượt Tomahawk của Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Sức mạnh của nó có thể tưởng tượng: chỉ cần 3 quả đạn mang đầu nổ thông thường đánh trúng thì tàu sân bay lớp Nimiz cũng sẽ chìm. Chính vì vậy tổ hợp tên lửa Kalibr được NATO định danh là Sizzler nghĩa là “đốt thành tro bụi”.
Khác với Tomahawk, tổ hợp thiết bị dẫn đường trên tên lửa được thiết kế dựa trên cơ sở tự động dẫn đường quán tính, giai đoạn cuối của quỹ đạo đường bay được dẫn đường bằng radar chủ động lắp trong tên lửa có khả năng chống nhiễu rất cao. Tên lửa được lắp thiết bị đo cao radio, còn tên lửa trang bị cho không quân được lắp thiết bị dẫn đường định vị vệ tinh.
Một đặc điểm quan trọng là tên lửa lớp Kalibr – Club có thể chọc thủng bất cứ hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa nào. Kalibr bay ở độ cao từ 50 – 150 m, khi đến gần mục tiêu tên lửa hạ độ cao xuống còn 20 m và tấn công với tốc độ siêu âm. Quỹ đạo đường bay tên lửa rất phức tạp với sự thay đổi cả về độ cao và hướng bay. Điều đó cho phép nó có thể tiếp cận mục tiêu từ hướng bất ngờ nhất.
Trong cuộc chiến Syria, 26 quả tên lửa 3M14 phóng đi từ các chiến hạm của hạm đội Biển Caspian gây kinh hoàng cho IS không nhiều hơn bom xuyên bê tông phá hầm ngầm có điều khiển từ những máy bay Su-34. Nhưng nó gây lên những cơn đau đầu kinh khủng cho các nhà lãnh đạo khối quân sự NATO và đồng minh Mỹ.
Từ nay, ngoài tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander, phương Tây đã có thêm một nguy cơ mới mang tên Kalibr và cũng là thời điểm chấm dứt quyền thống trị tầm xa của vũ khí răn đe phi hạt nhân Tomahawk.