|
Bộ đội Việt Nam chiếm sở chỉ huy quân Pháp chiều 7/5/1954 (Ảnh: Sina). |
Sau chiến dịch biên giới ngày 16/9/1950, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng thủ của Pháp từ Cao Bằng đến Lạng Sơn và khai thông liên lạc giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Để mở rộng thành quả, từ tháng 11/1950, một loạt chiến dịch đã được phát động, buộc quân Pháp phải phân tán binh lực và dốc sức phòng thủ, kế hoạch chiếm đóng toàn bộ Việt Nam của chúng bị tan vỡ.
Mưu đồ của tướng Navarre ở Điện Biên Phủ
Trước tình hình đó, quân Pháp không còn cách nào khác là phải co cụm phòng ngự và duy trì quyền kiểm soát Việt Nam, thượng Lào, trung Lào bằng cách thành lập các tập đoàn cứ điểm. Lúc này, Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm lớn nhất của quân Pháp.
Điện Biên Phủ nằm ở phía bắc Việt Nam, liền kề Thượng Lào, dài khoảng 18 km từ bắc xuống nam và rộng 6-8 km từ đông sang tây, là một bình nguyên bồn địa.
Để thực hiện kế hoạch hành quân tiêu diệt chủ lực của quân đội Việt Nam và giành lại thế chủ động trên chiến trường trong vòng 18 tháng, tháng 11/1953, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương là Navarre đã huy động 5.000 lính dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, vị trí chiến lược ở Tây Bắc Việt Nam, sau đó tăng dần binh lực để xây dựng Điện Biên Phủ thành trung tâm phòng thủ gồm 49 cứ điểm, chia thành 8 cụm cứ điểm và 3 phân khu phòng ngự bắc, trung và nam với 2 sân bay là mấu chốt.
Phân khu trung tâm Mường Thanh là nơi đặt sở chỉ huy quân sự Pháp. Mỗi cứ điểm đều có hỏa lực nhiều lớp và giao thông hào kéo về mọi hướng. Xung quanh các cứ điểm có khu chướng ngại vật rộng 40-200 m với nhiều lớp dây thép gai và lưới điện. Ngoài ra còn có bãi mìn và vùng đất trống để cản trở bước tiến của quân đội Việt Nam.
Quân Pháp âm mưu lợi dụng nơi đây làm căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công vào vùng giải phóng ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, cắt đứt liên lạc giữa các lực lượng vũ trang chống Pháp của Việt Nam và Lào, đồng thời làm chỗ dựa hỗ trợ quân Pháp đóng tại Thượng Lào.
Tổng lực lượng của quân đội Pháp đóng tại Điện Biên Phủ là 17 tiểu đoàn bộ binh (bao gồm cả tiểu đoàn dù), 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng và 1 phi đội máy bay làm nhiệm vụ thường xuyên, tổng số 16.200 người. Quân đội Pháp thực hiện vận chuyển tiếp tế bằng đường hàng không để biến nó thành "Verdun của Đông Nam Á".
Để đập tan mưu đồ của quân Pháp, quân đội Việt Nam quyết định mở chiến dịch tấn công chiến lược vào Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy mặt trận. Sau khi quân đội Việt Nam giải phóng tỉnh lỵ Lai Châu vào tháng 12/1953, họ lần lượt tập kết 4 sư đoàn bộ binh (thiếu 1 trung đoàn), 1 sư đoàn công binh và các đơn vị binh chủng khác, tổng cộng hơn 40.000 người, hình thành thế hợp vây Điện Biên Phủ từ phía bắc và phía nam.
Quân đội Việt Nam thường xuyên đẩy lùi các cuộc tấn công của các nhóm nhỏ quân địch trú phòng và dựa vào công binh để rà phá bom mìn. Hai trung đoàn pháo binh cũng được điều động đến Điện Biên Phủ.
Ba giai đoạn của chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhận thấy quân Pháp đã xây dựng công sự kiên cố, quân đội Việt Nam áp dụng phương châm đánh chắc tiến chắc, tiêu diệt địch theo từng giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ 13-29/3/1954): Quân Việt Nam lần lượt chiếm được các cứ điểm của quân Pháp ở phân khu phía Bắc.
Giai đoạn thứ hai (từ 30/3 đến 30/4/1954): Quân Việt Nam tấn công vào trung tâm Mường Thanh của địch, lợi dụng đường hầm hoặc hào giao thông tiếp cận và tiêu diệt các cứ điểm của quân Pháp, chiếm các cao điểm chế ngự phía đông Điện Biên Phủ; đồng thời xen vào giữa phân khu trung tâm và phân khu nam, chia cắt và bao vây quân Pháp, dồn chúng vào một khu vực hẹp chưa đầy 2 km2, sử dụng pháo binh phá hủy sân bay, cắt đứt nguồn tiếp tế đường không của quân Pháp.
Giai đoạn thứ ba (từ ngày 1 đến 5/5/1954): phát động tổng tấn công, tiêu diệt hoàn toàn địch cố thủ, bắt sống Chuẩn tướng De Castries chỉ huy quân Pháp và toàn bộ bộ tham mưu của ông ta.
Một số diễn biến chính như sau: Ngày 13/3/1954, quân đội Việt Nam tấn công Điện Biên Phủ với quân số gấp 5 lần quân Pháp. Đêm hôm đó, với sự yểm trợ của pháo binh, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn bộ binh lê dương bảo vệ cứ điểm Him Lam. Ngày hôm sau, cứ điểm đồi Độc Lập bị chiếm, 1 tiểu đoàn bị tiêu diệt, 1 tiểu đoàn quân tiếp viện bị đẩy lùi, cứ điểm Bản Kéo đầu hàng, kết thúc trận chiến ở phân khu Bắc.
Tối ngày 30/3, Chiến dịch phân khu đông bắt đầu và kết thúc một tuần sau đó, 5 cứ điểm bị tiêu diệt. Quân đội Việt Nam kiểm soát được vùng cao nguyên phía đông, hình thành thế bao vây từ trên cao nhìn xuống sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, cuộc chiến đấu bước vào giai đoạn quyết liệt.
Quân đội Pháp sử dụng sự hỗ trợ của 100 máy bay ném bom Mỹ để oanh tạc và đưa một lực lượng lớn không quân vào các cuộc đổ bộ đường không. Tuy nhiên, do quân đội Việt Nam được trang bị số lượng lớn súng máy hạng nặng Marxim, hình thành lực lượng phòng không dày đặc nên quân nhảy dù Pháp bị tổn thất nặng nề và không thể hình thành được lực lượng chiến đấu.
Quân Pháp không nhận được yểm trợ trên không hiệu quả. Cuối tháng 4, quân đội Việt Nam đã dồn quân Pháp vào diện tích chưa đầy 2 km2, chia cắt và bao vây tập đoàn cứ điểm và chiếm được một nửa sân bay. Quân đội Việt Nam bao vây nhưng không đánh, biến Điện Biên Phủ thành nấm mồ của quân dù Pháp.
Tối 6/5, quân đội Việt Nam mở cuộc tổng tấn công vào trận địa cốt lõi của quân Pháp, sử dụng hỏa lực pháo binh trong đó có dàn phóng rocket 6 nòng để áp chế, đồng thời dùng phương pháp đào hầm nổ bộc phá để tấn công cứ điểm.
Hơn 500 cao điểm đã bị chiếm. Trung tâm chỉ huy Mường Thanh mất các bình phong. Ngày 7/5, quân Pháp hoàn toàn đầu hàng.
Ý nghĩa của chiến dịch
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, thành quả rực rỡ, quân Pháp chết hơn 5.000, bị bắt hơn 11.000, 62 máy bay các loại bị bắn rơi và phá hủy, 4 xe tăng bị tiêu diệt, 30 khẩu pháo hạng nặng và 6 xe tăng bị tịch thu, cuối cùng toàn bộ quân Pháp phải đầu hàng.
Được lấy làm chiến lệ, quân Pháp phòng thủ thụ động, dựa một chiều vào các cuộc thả dù, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua tác động của lực lượng phòng không Việt Nam dày đặc đối với lực lượng đổ bộ đường không trong một khu vực nhỏ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là lần đầu tiên quân đội Việt Nam tiến hành tác chiến tấn công vị trí địch (trận địa chiến). Thắng lợi của chiến dịch này đã đẩy nhanh tiến trình chiến tranh và có ý nghĩa quan trọng đối với việc ký kết “Hiệp định đình chiến Đông Dương”.
(Theo Sina)