Chiến dịch Anadyr - phần tiếp theo

Chiến dịch Anadyr: chuyến hải hành thần kỳ của quân đội Liên xô

Ngày 20 tháng 5 năm 1962 Tổng bí thư N.S. Khrushchev trình bầy ý định tăng cường sự hiển diện của lực lượng vũ trang CCCP ở Cuba, đồng thời triển khai trên hòn đảo Tự do tên lửa tầm trung với đầu đạn hạt nhân chiến thuật.  
Tầu vận tải của Liên xô dưới tầm kiểm soát của không quân Mỹ

 Ngày 20 tháng 5 năm 1962 N.S. Khrushchev, sau khi quay trờ về từ chuyến công tác ở Bungaria, tại điện Kremlin đã diễn ra một cuộc họp quan trọng với Bộ trưởng Bộ ngoại giao A.A. Gromyko, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên xô ông A.I. Mikoyan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyên soái Liên bang Xô viết R.Y. Malinowski. Trong buổi họp, Tổng bí thư trình bầy ý định tăng cường sự hiển diện của lực lượng vũ trang CCCP ở Cuba, đồng thời triển khai trên hòn đảo Tự do tên lửa tầm trung với đầu đạn hạt nhân chiến thuật.   

Ngày 24 tháng 5 trong Hội nghị mở rộng của Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên xô với sự tham gia của các thành viên ủy ban Quốc phòng Liên bang. N.S. Khrushchev đưa vấn đề thảo luận ra trước hội nghị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên bang Malinowski phát biểu với đề nghị tăng cường sự hiển diện của lực lượng vũ trang, tổ chức Cụm quân lực trên Cuba và chuyển tên lửa tầm trung lên đảo Tự do.

Phát biểu chống lại đề nghị này chỉ có ủy viên A.I.Mikoyan, nhưng các ủy viên Ban chấp hành TW, thuộc Ủy ban Quốc phòng đã ủng hộ Khrushchev và bỏ phiếu đồng thuận với quyết định triển khai tên lửa tầm trung trên đất nước Cuba.

Sự nhất trí với đề nghị của CCCP từ phía Cuba được ký kết trong chuyến thăm của Phái đoàn ngoại giao nhà nước Liên bang Xô viết tại Cuba vào ngày 29 tháng 5 năm 1962. Đoàn ngoại giao bao gồm có Bí thư thứ nhất nước cộng hòa Uzbekistan Sh.R. Rashidov, ủy viên Bộ chính trị Liên xô, đại sứ Liên bang Xô viết tại Cuba, ông A.I.Alexseiev, tư lệnh trưởng lực lượng tên lửa chiến lược Liên bang - Nguyên soái Liên xô S.S. Biryuzov, phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Xô viết Trung tướng Không quân S.I. Ushakov, đại diện chính thức của Cục tham mưu điều hành tác chiến lực lượng Không quân Thiếu tướng P.A. Ageev.

Ngày 29 tháng 5, phái đoàn được gặp Raul Castro và Fidel Castro và trình bày đề nghị của Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Liên xô. Đề xuất của phái đoàn gây một sự hiểu lầm và ngạc nhiên lớn đối với Fidel Castro, nhưng những thông tin cung cấp về ý đồ chiến lược của chính phủ Mỹ đã gây sự quan tâm chú ý của Fidel. Fidel yêu cầu có một thời gian để thảo luận với các đồng chí trong Đảng cộng sản Cuba và nhà nước Cuba.  

Như đã biết, ngày 30 tháng 5 , Fidel hội đàm với nhà cách mạng Ernesto Che Guevara. Nội dung cuộc hội đàm được giữ hoàn toàn bí mật. Trong ngày, Fidel Castro đưa ra sự đồng thuận cho Phái đoàn của chính phủ Liên xô. Đồng thời, cũng đưa ra quyết định, trong tháng 7, Ông Raul Castro sẽ có chuyến viếng thăm chính thức Matxcova và thống nhất các chi tiết của kế hoạch.  

Nhiệm vụ phát triển dự án kế hoạch triển khai lực lượng quân sự CCCP lên Cuba được giao cho Phó tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Xô viết – Tư lệnh trưởng Cục điều hành tác chiến chiến lược của Bộ tổng tham mưu Quân đội Liên xô, Thượng tướng S.P.Ivanov.

Trong Cục điều hành tác chiến chiến lược hình thành Tiểu ban đặc nhiệm, chỉ huy trưởng là Đại tá I.G.Nhicolaiev, biên chế trong ban là các tướng lĩnh và sĩ quan điều hành cao cấp của Bộ Tổng tham mưu thuộc các cơ quan điều hành tác nghiệp khác nhau, bao gồm cả Cục điều hành tổ chức cán bộ, các Trung tâm điều hành – thông tin và Cục tài chính Bộ quốc phòng.  

Kết quả là, ngày 10 tháng 6 năm 1962, đã hoàn thành các văn bản – kế hoạch chuẩn bị và tiến hành các hoạt động cho phương án triển khai lực lượng quân sự tại Cuba với tên gọi là Chiến dịch Anadyr, do thời gian đặc biệt ngắn, kế hoạch được quyết định ngay không có phê chuẩn, và có phương án triển khai tức khắc sau khi nhận được sự nhất trí của Chủ tịch Fidel Castro.  

Chiến dịch được mã hóa dưới kế hoạch diễn tập với nhiệm vụ chuyển quân lực và binh khí kỹ thuật bằng đường biển đến các địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Liên bang Xô viết. Để đảm bảo chiến dịch được tiến hành thuận lợi, Bộ hải quân Liên bang được yêu cầu tham gia chiến dịch.

Theo những tính toán ban đầu của Cục điều hành tác chiến Bộ tổng tham mưu, để thực hiện kế hoạch vận chuyển tên lửa, lực lượng theo biên chế, vũ khí trang bị, khí tài và cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật cần 4 tháng. Quân số theo yêu cầu nhiệm vụ là 44 000 cán bộ chiến sĩ. Để vận chuyển lực lượng theo dự toán cần không dưới 70 tầu vận tải biển.

Theo ý kiến của các kiến trúc sư kế hoạch của chiến dịch. Điều đó dẫn đền cần nghi binh đánh lừa quân đội Mỹ về vị trí đến và loại hàng vận tải. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch cũng như lực lượng vận tải, hộ tống được thông báo, họ sẽ cơ động về hướng Chukotka.

Để tăng cường thêm độ tin cậy của thông tin, các toa tầu chở đầy áo lót lông và quần áo da được đưa đến các cảng vận tải. Nhưng dù được ngụy trang kỹ càng và trên diện rộng, bản thân chiến dịch vẫn có một yếu điểm: không thể che đậy được tên lửa dưới tầm quan sát của máy bay trinh sát U-2, thường xuyên bay lượn trên bầu trời Cuba. 

Chính vì vậy, kế hoạch được phát triển với dự kiến, Mỹ sẽ phát hiện ra tên lửa trước khi các bệ phóng được lắp đặt, và tên lửa được đưa vào bệ phóng. Chỉ có một giải pháp duy nhất mà các chuyên gia quân sự có thể tìm ra – có kế hoạch lắp đặt các bệ phóng tên lửa phòng không SAM-2 đã có sẵn tại Cuba tại những điểm lắp đặt tên lửa chiến lược.

Ngày 10 tháng 6 trong hội nghị của Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Liên xô đã thảo luận những kết quả đạt được của phái đoàn ngoại giao tại Cuba. Sau báo cáo của Sh.R. Rashidov, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên xô Nguyên soái R.Y. Malinowski dã trình bày trước hội nghị toàn bộ kế hoạch đã được chuẩn bị cho chiến dịch và những hoạt động đã được triển khai cho vận chuyển tên lửa.

Đề nghị triển khai tại Cuba hai loại tên lửa đạn đạo: R-12 (bán kính tầm bắn hiệu quả là 2000 km) và R-14 (bán kính tầm bắn hiệu quả là 4000km). Cả hai loại tên lửa này đều được lắp đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ là 1 MT.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định chính xác số tên lửa được dự kiến lắp đặt là 40 tên lửa, trong đó có 24 tên lửa R-12 và 16 tên lửa R-14. Tên lửa sẽ được lấy từ các trận địa ở Ucraina và một phần ở nước Nga vùng biên giới với Châu Âu. Sau khi lắp đặt được tên lửa tại Cuba, số lượng đầu đạn hạt nhân có thể tiếp cận lãnh thổ nước Mỹ tăng lên gấp đôi.  

Đến ngày 20 tháng 6 để tham gia vào chiến dịch Anadyr, đã tổ chức một Cụm lực lượng hỗn hợp quân đội Xô viết tại Cuba. Tư lệnh trưởng Cụm quân lực hỗn hợp là Đại tướng I.A. Pliev, phó Tư lệnh Cụm quân lực hỗn hợp là tướng P.B. Dankevich.

Biên chế vào Cụm quân lực hỗn hợp: sư đoàn tên lửa chiến lược số 51. Sư đoàn trưởng – thiếu tướng I. Statsenko, trong biên chế của sư đoàn có tên lửa tầm trung R-12 và R-14, 4 trung đoàn BBCG tăng cường, mỗi trung đoàn có biên chế quân số và trang bị tương đương một lữ đoàn chiến thuật, 2 sư đoàn tên lửa phòng không, hai căn cứ trạm xưởng kỹ thuật tên lửa, một trung đoàn không quân tiêm kích (40 máy bay MiG 21), một phi đội độc lập (11 máy bay), một trung đoàn máy bay trực thăng chiến đấu Mi - 4 (33 chiếc) và hai trung đoàn tên lửa hành trình chiến trường (mỗi trung đoàn 8 bệ phóng tên lửa chiến thuật).

Lực lượng hải quân bao gồm một liên đội chiến hạm mặt nước và một lữ đoàn tầu ngầm (biên chế 11 tầu ngầm), liên đội theo biên chế có 2 tầu tuần dương, hai tầu khu trục tên lửa và hai tầu khu trục pháo hạm, lữ đoàn tầu tên lửa hạng nhẹ có 12 tầu phóng tên lửa.

Một trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển (8 bệ phóng tên lửa Sopka – hệ thống tên lửa chống tầu); trung đoàn không quân ngư – thủy lôi (33 máy bay IL-28), phân đội đảm bảo kỹ thuật tầu (hai tầu chở dầu, 2 tầu vận tải biển và 1 ụ nổi).

Theo kế hoạch đã được phê chuẩn, tất cả các đơn vị đều được biên chế vũ khí, khí tài mới nhất và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất lúc đó.  
Cuối tháng 6 năm 1962, Bộ trường Bộ quốc phòng Raul Castro đến thăm chính thức và làm việc tại Matxcova, R.Castro cùng làm việc với người đồng cấp ông R.Y. Malinowskivà ký một hiệp ước bí mật giữa hai Nhà nước Cộng hòa Cu ba và Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết về việc triển khai lực lượng quân sự của Liên xô trên lãnh thổ nước Cộng hòa Cuba.  

Ngày 27 tháng 8 năm 1962. Tổng bí thư N.S. Khrushchev tiếp nhận những sửa đổi và bổ xung dự thảo Hiệp ước ban đầu của Chủ tịch Fidel Castro. Bản cuối cùng của Hiệp ước có nêu rõ rằng: Liên bang Xô viết, nhằm tăng cừng khả năng phòng thủ, đối mặt với những nguy cơ gây chiến của các thế lực đế quốc từ bên ngoài, sẽ đưa lực lượng quân sự của mình đến Cuba, nhằm mục đích: ``Bảo vệ Hòa bình trên toàn Thế giới``.

Trong trường hợp các thế lực phản động gây chiến tranh chống lại nước Cộng hòa Cuba hoặc tấn công Lực lượng quân đội Xô viết trên lãnh thổ Cuba, nhà nước Cuba và CCCP, sử dung quyền tự vệ độc lập hoặc liên kết để tự vệ, theo điều 51 của Hiến chương Liên hiệp quốc, sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hoạt động gây chiến xâm lược. 

Triển khai các hoạt động theo kế hoạch Chiến dich Anadyr, một mô hình đỉnh cao của nghệ thuật quân sự.

Đến thời điểm này, các hoạt động chuẩn bị cho cơ động vận chuyển khí tài, vũ khí trang bị, binh lực đang triển khai hết tốc lực. Do đường vận tải hàng không giữa CCCP và Cuba chỉ mới được mở (chuyến bay đầu tiên được tiến hành vào tháng 7 năm 1962). Do đó, phương tiện vận tải duy nhất lúc này để chuyển quân là các đoàn tầu biển.

Để chuyển quân, Bộ hải quân Liên bang Xô viết tiếp nhận 85 tầu vận tải biển. Ban lãnh đạo Bộ phải tập hợp, bổ xung trang thiết bị đồng thời lựa chọn các thủy thủ đoàn để chuyển quân và khí tài, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất quân sự. Nhiệm vụ nói chung không những vô cùng khó khăn, có trách nhiệm rất cao, mà còn đặc biệt phức tạp và nguy hiểm.

Các đơn vị của Cụm quân lực hỗn hợp phải cơ động trên chặng đường dài 10 – 11 nghìn ki lô mét đường biển. Trên phần lớn hải trình, các tầu vận tải của liên đội sẽ là mục tiêu theo dõi chặt chẽ của các lực lượng trinh sát đối phương, đặc biệt trong vùng Biển Đen, Địa Trung hải và Biển Ban tích.

Là lực lượng tác chiến đa nhiệm, các đơn vị quân binh chủng hỗn hợp, thực hiện nhiệm vụ quốc tế vô sản tại Cuba, được tổ chức và biên chế từ nhiều quân khu khác nhau, Các trung đoàn BBCG được lấy từ Quân khu Leningrad (một trong những trung đoàn đó, Trung đoàn trưởng là đại tá D.T. Yazov, sau này là Bộ trưởng Bộ quốc phòng liên bang Xô viết), các đơn vị tăng thiết giáp được biên chế từ Quân khu Kiev.

Để lựa chọn các ứng viên ở quân khu Leningrad, trực tiếp Tư lệnh trưởng Lực lượng bộ binh Nguyên soái Liên bang Xô viết V.I Chuikov đến gặp và nói chuyện với từng sĩ quan được lựa chọn. 

Trong hội nghị tại điện Kremlin ngày 7 tháng 7 năm 1962, với sự có mặt của toàn thể ủy viên ban chấp hành TW Đảng cộng sản Liên xô. N.S. Khrushchev với cách nói thông thường, điềm đạm của mình đã thông báo: Bộ Chính trị quyết định dành cho Mỹ một sự bất ngờ khó chịu: Triển khai trên đất nước Cuba tên lửa đạn đạo, để Mỹ không thể tiến hành chiến trang xâm lược đất nước Cuba. Đã có sự đồng thuận từ phía Đảng và Nhà nước Cuba. Mục đích chủ yếu – giúp đỡ Cách mạng Cuba dành thắng lợi trước âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ”.

Toàn bộ cơ quan lãnh đạo của Liên bang Xô viết về chính trị và quân sự đều không tìm được một phướng pháp nào tốt hơn khác ngăn chặn khả năng xâm lược của đế quốc Mỹ với hòn đảo Tự do, theo những nguồn thông tin mà chúng ta có được, cuộc xâm lược đó đang được Mỹ tích cực chuẩn bị. Khi các tên lửa được triển khai trên đất Cuba, người Mỹ sẽ nhanh chóng hiểu, nếu họ muốn tính sổ với Cuba, họ sẽ buộc phải đối mặt với chúng ta.

Cũng trong hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương, N.S. Khrushchev hiểu rất rõ rằng, triển khai lực lượng quân sự trên đất nước Cuba bí mật là điều hoàn toàn không thể. Đây là một sự thật khó chấp nhận được – bởi điều kiện tiên quyết để thành công – đó là yếu tố bí mật. Đặt Oasinhton trước một sự thật đã rồi, N.S. Khrushchev dự định sau đó sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại tại Liên hiệp quốc nhằm đạt được sự đối thoại, tránh được xung đột vũ trang có thể diễn biến thành chiến tranh..

Những giải pháp chắc chắn cho vấn đề đảm bảo bí mật tuyệt đối hoàn toàn không tồn tại. Bộ máy quân sự khổng lồ của Liên bang đã khởi động, phương pháp cuối cùng có thể làm được là thay đổi trình tự triển khai quân đội trên đất nước Cuba: Thê đội vận tải số 1 là các lực lượng quân lực, thê đội vận tải số 2 là chuyên chở hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung. 

Bắt đầu tiến trình vận chuyển binh lực, vũ khí, khí tài và tên lửa từ các cảng vận tải (Kronstadt, Liepaja, Baltiysk, Sevastopol, Feodosia, Nikolaev, Poti, Murmansk). Để chuyển đổi căn cứ đóng quân của một trung đoàn tên lửa đạn đạo lên tầu cần từ 17 – 18 thê đội tầu hỏa, phụ thuộc vào loại tên lửa được biên chế. Lực lượng hành quân tiền phương – trinh sát vận tải do đại tướng I.A. Pliev ngụy trang thành các chuyên gia nông nghiệp của Liên xô, kỹ sư và các kỹ thuật viên ngành thủy lợi và cải tạo đất, vào ngày 10 tháng 7 năm 1962, lên đường đến Cuba.

Đồng thời, các hải cảng vận tải của biển Ban tích, Biển Đen và Biển Baren cũng cùng lúc triển khai các hoạt động đưa trang thiết bị, khí tài và phương tiện chiến đấu lên tầu. Để xếp đủ hàng lên một chiếc tầu vận tải biển, sử dụng cần cẩu của hải cảng và của tầu, cần tới 2-3 ngày xếp hàng liên tục. Xe tăng, pháo tự hàng, các xe đặc chủng được đưa lên tầu vào ban đêm – nằm ở khoang dưới hầm tầu, ô tô và máy kéo, xe ủi được xếp lên tầu ban ngày, trên boong tầu – dưới hình thức máy móc nông nghiệp.

Các xuồng phóng tên lửa được xếp trên boong tầu do kích thước và khả năng sử dụng, sau đó được đóng xung quanh thành thùng gỗ và bịt tôn tấm bên ngoài, do đó các thiết bị trinh sát hồng ngoại hoàn toàn không có khả năng quan sát phát hiện được. Để chuyên chở binh lực một trung đoàn BBCG cần 3 tầu vận tải biển và hai tầu khách. 

Đưa hàng lên tầu vận tải được tiến hành trong điều kiện bí mật cao độ. Các điểm đến của cuộc hành quân không được thông báo với ngay cả sĩ quan chỉ huy cao cấp. Khi đã có mặt trong khu vực tập kết, đưa hàng lên tầu, các đơn vị không một người nào được phép bước ra khỏi khu vực quy định. Không có một phương tiện thông tin liên lạc nào với bên ngoài, không thư, không điện báo, không điện thoại. Các biện pháp bảo mật được áp dụng cả với thủy thủ đoàn và thuyền trưởng của các tầu vận tải.

 Để chống trả các nguy cơ bị phát hiện và tấn công bằng không quân hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển, trên các tầu vận tải được lắp các khẩu súng máy phòng không hạng nặng, ngụy trang bằng các thùng gỗ chụp lên, khi cần thiết có thể bỏ ra nhanh chóng. Đồng thời cũng tổ chức một số phân đội tác chiến đặc biệt, được trang bị súng tiểu liên và súng máy cá nhân. Đặc biệt khó khăn khi đưa binh lực xuống tầu. Hầm tầu chật người, cán bộ chiến sĩ bắt buộc phải sống trong một cái hộp sắt vô cùng nóng nực, bị lèn chặt và kín bưng trong vòng gần một tháng.

Các tầu vận tải đầu tiên ở các hải cảng khác nhau hầu như cùng một lúc xếp xong hàng và đống loạt ra khơi. Trên biển Danish xuất hiện một lượng  tầu vận tải lớn di chuyển, đồng thời trên biển Bosporus và Dardanelles cũng xuất hiện rất nhiều tầu cùng hoạt động. Cảnh tượng chưa bao giờ có, các tầu chở hàng của Xô viết đồng loạt ra khơi trên biển Đen và biển Ban tích. Mới đầu, cảnh tượng chỉ làm cho người xem ngỡ ngàng, sau đó là vô cùng ngạc nhiên, và cuối cùng là những nghi ngờ, suy đoán.

Các thuyền trưởng và chỉ huy trưởng thê đội được giao 3 phong bì dán kín với những chỉ lệnh bí mật bên trong về các nội dung nhiệm vụ phải thực hiện trong các tình huống khác nhau. Phong bì thứ nhất có ghi “ Mở sau khi đã ra khỏi hải giới Liên bang Xô viết” . Trên hai phong bì còn lại hoàn toàn không ghi bất cứ nội dung gì.

Khi mở phong bì thứ nhất, có chỉ lệnh mở phong bì số 2 sau khi đi qua biển Bosporus và Dardanelles. Trong phong bì thứ 2 có chỉ lệnh; Mở phong bì số 3 khi đi qua biển Gibraltar. Và chỉ khi được mở phong bì thứ 3 mới có mệnh lệnh chính thức: Nhằm hướng Cuba thẳng tiến.

Toàn bộ chuyến hải hành diễn ra trong điều kiện vô cùng khắc nghiệp, nhiệt độ trong hầm tầu thỉnh thoảng lại lên đến hơn +50°С. Thức ăn được đưa 2 lần trong một ngày vào ban đêm. Rất nhiều thực phẩm: Pho mát, thịt và rau quả dưới nhiệt độ quá cao đã nhanh chóng bị hư thối và buộc phải đổ đi.

Trong điều kiện khắc nghiệp và chật chội đó, đã xuất hiện bệnh tật và một vài chiến sĩ hy sinh do không chịu đựng nổi. Các liệt sĩ được chôn theo phong cách Hải quân – Quấn vào vải bạt và thả xuống đại dương.

Những gian nan cực khổ mà cán bộ, chiến sĩ Hồng quân phải chịu đựng trong chuyến hải hành bí mật lớn nhất trong lịch sử được thuật lại trong một đoạn ngắn từ hồi ký của Đại tá A.F. Shorokhova, chỉ huy trưởng thê đội hải hành trên tầu Khabarovsk: “ Ngày 20 tháng 8, tầu tiến đến gần các hòn đảo trên biển Azor, có bão lớn, biển động dữ dội, tầu lắc rất mạnh. Bệnh trên biển quật ngã tất cả chúng tôi, cả binh sĩ và sĩ quan…đã đi được hơn chục ngày.

Xung quanh biển trời mênh mông. Nóng kinh khủng, cởi hết quần áo chỉ còn quần lót. Ban đêm tất cả mọi người trèo lên tìm một chỗ trên boong tầu, ban ngày máy bay Mỹ quần đảo trên con tầu vận tải. Một tầu quân sự nào đó bám đuổi theo và yêu cầu được kiểm tra.

Tầu đi trong im lặng, lắng nghe và không phản hồi. Mờ sáng, chúng tôi tỉnh giấc vì tiếng rít của máy bay. Một chiếc máy bay tiêm kích của Mỹ lượn sát cột cờ tín hiệu trên boong tầu. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy bờ biển của Cuba.

Tính từ ngày 18 tháng 9 năm 1962, các tầu chiến của Mỹ liên tục bám đuổi và truy hỏi tầu Xô viết về hàng hóa đang chở trên boong tầu. Để cặp bờ các tầu chở hàng quân sự, vũ khí trang bị, khí tài chiến đấu, đã lựa chọn 11 hải cảng của Cuba, đó là các cảng Havana, Mariel, Cabanas, Bahia Honda, Matanzas, La Isabela ….

Ngày 19 tháng 7 các nhóm tầu tiền phương của các trung đoàn tên lửa cập cảng Cuba. Các tầu vận tải chở quân và binh khí khí tài chiến đấu bắt đầu cập cảng từ ngày 26 tháng 7. Các tiểu đoàn tên lửa đạn đạo được triển khai ở phía tây đảo Tự do gần với làng San Cristobal và trung tâm của Cuba – bến cảng Casild.

Xem tiếp

Theo QPAN