Chiến đấu cơ siêu việt song sinh với Su-30MK2 Việt Nam (video)

VietTimes -- Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ tên lửa hành trình tấn công tầm xa , để ngăn chặn các loại tên lửa này và thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất, không quân Nga cần máy bay tiêm kích đa nhiệm tầm xa hai phi công. Điều kiện chiến trường hiện đại đòi hỏi một sự sáng tạo mới.
Máy bay Su-30SM trong đội bay biểu diễn Tráng sĩ Nga - ảnh Sputnik

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới,  Văn phòng thiết kế Sukhoi quyết định sử dụng máy bay Su-27UB hai phi công làm cơ sở căn bản để phát triển một thế hệ tiêm kích đa nhiệm mới. Tiêm kích đa nhiệm Su – 30 được phát triển và sản xuất hàng loạt tại nhà máy Irkutsk. 

Những phát triển cho dòng máy bay mới bắt đầu vào năm 1986. Khi các kỹ sư tiến hành thử nghiệm Su-27UB, máy bay được lắp đặt hệ thống tiếp nhiên liệu không. Bộ phận tiếp nhiên liệu hình L được lắp ở mạn phải, dưới mức tấm chắn của buồng. Ngoài ra, buồng lái cũng được hiện đại hóa để phi công có thể có cảm giác thoái mái hơn khi bay đường dài. Máy bay được đặt tên là Su-27PU.

Chiếc tiêm kích đa nhiệm 2 phi công có được hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, hệ thống định vị mới tích hợp GLONASS và GPS, hệ thống điều khiển từ xa hiện đại trong khoang lái hoa tiêu và hệ thống vũ khí hoàn toàn mới.

Lô máy bay đầu tiên gồm 2 chiếc Su-27PU (T10PU-5) tiền sản xuất hàng loạt cất cánh lần đầu tiên ngày 31.12.1989 từ sân bay nhà máy Irkutsk. Căn cứ vào kết quả những thử nghiệm bay khắc nghiệt cấp nhà nước của Su – 27 hiện đại hóa, nhà máy đã nhận được quyết định sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu 2 phi công, được định danh Su-30.

Từ hình dáng bên ngoài, Su-30 khác với Su-27UB là bộ phận tiếp nhiên liệu trên không nằm bên trái buồng lái, bên phải là đầu thu của trạm radar quang điện tử. Ngày 14.04.1992, Su-30 hoàn thiện thiết kế thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Văn phòng thiết kế Sukhoi phối hợp với nhà máy sản xuất máy bay Irkutsk đồng phát triển phiên bản xuất khẩu tiêm kích đã nhiệm Su-30K ("K" - thương mại) nhằm thay thế những dòng Su đã lỗi thời trong lực lượng không quân của các nước sử dụng máy bay chiến đấu Liên Xô, tăng cường thêm năng lực tấn công các mục tiêu bề mặt (mặt đất và mặt nước).

Sự phát triển tiếp của dòng máy bay chiến đấu thương mại là Su-30MK , tăng cường năng lực kỹ chiến thuật là radar mảng pha và mở rộng đáng kể danh mục các loại vũ khí trang bị. Sự phát triển này là tiền đề, kinh nghiệm cho sự phát triển tiếp theo dòng tiêm kích siêu cơ động Su-35.

Su-30MK được thiết kế nhằm mục đích chiếm ưu thế trên không trong vùng tác chiến, tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền và trên biển, tác chiến điện tử EW và chống lại hỏa lực phòng không đối phương, tác chiến ngày/đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Quá trình phát triển Su-30MK bắt đầu năm 1991, nguyên mẫu đầu tiên của tiêm kích đa nhiệm MK cất cánh lần đầu tiên ngày 14.04 .1992 (phi công nhà máy G.E.Bulanov và V.B. Maksimenkov).

Hình dáng bên ngoài, Su-30MK không khác gì Su-30. Nhưng trong cabin phía sau của hoa tiêu có một màn hình tinh thể lỏng, thu thập thông tin video về mục tiêu từ đầu tự dẫn các loại vũ khí có điều khiển.

Su-30MK có khả năng siêu cơ động, có những tính năng kỹ chiến thuật độc đáo khiến Su - 30MK trở thành máy bay tiêm kích đa nhiệm hạng nặng hàng đầu thế giới, có khả năng chiến đấu trong mọi môi trường tác chiến, mọi điều kiện thời tiết.

Máy bay tiêm kích Su-30, phiên bản đầu tiên cải tiến từ Su-27UB - video tư liệu không quân Nga
Máy bay tiêm kích Su-30MKM biểu diễn trong triển lãm hàng không Singapore - Video Airshow 2016

Su-30SM là anh em song sinh của phiên bản máy bay Su-30MK, là nền tảng cho máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng được thiết kế dành riêng cho không quân Nga.

Su-30MK nổi bật trong số các loại máy bay tương đương nhờ đặc trưng linh hoạt trong thiết kế, ứng dụng công nghệ “mở”, được thực hiện trong công nghệ "mở rộng kiến trúc máy bay", cho phép tích hợp các hệ thống mới vào hệ thống vô tuyến điện tử của máy bay tiêm kích và lắp đặt, khai thác sử dụng các loại vũ khí có điều khiển sản xuất từ các nước khác ngoài Nga.

Sự phát triển của Su-30SM thế hệ 4++ hướng đến tính đặc thù của không quân Nga, lực lượng không quân đứng hàng thứ 2 thế giới. Chính vì vậy máy bay được điều chỉnh thiết kế cho các hệ thống radar, thông tin liên lạc radio, hệ thống nhận dạng “địch - ta”, ghế phóng nhảy dù và những hệ thống hỗ trợ khác

Tiêm kích Su-30SM được trang bị radar ăng-ten mảng pha, động cơ điểu khiển vector lực đẩy và cánh nhỏ trục ngang phía trước. Nhờ những đặc điểm công nghệ “mở” mà máy bay có khả năng sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện đại  “không đối không” “không đối đất” có trong biên chế và tương lai.

Danh sách những nhiệm vụ mà Su-30SM có thể giải quyết rất lớn: Không chiến chống các máy bay tiêm kích hiện đại, bao gồm cả máy bay tàng hình thế hệ 5; chiếm ưu thế trên công không; đánh trả các cuộc tập kích đường không ồ ạt của đối phương, có sử dụng tên lửa hành trình trong nhiệm vụ phòng không bảo vệ các đơn vị mặt đất, mặt nước và cơ sở hạ tầng.

Su-30MK còn thực hiện nhiệm vụ hộ tống và bảo vệ các cụm không quân tấn công đường không trong điều kiện đối phương thực hiện tác chiến điện tử cường độ cao và có hỏa lực phản kích mạnh.

Su-30SM có khả năng tấn công tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không gian chiến trường bị cách ly không có thông tin liên lạc, có khả năng tấn công tiêu diệt các mục tiêu ở sâu trong hậu phương đối phương.

Ngoài ra, Su-30SM có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công tàu mặt nước trên đại dương và trên biển, chống lại các hệ thống tác chiến điện tử. Sử dụng radar anten mảng pha, hệ thống thông tin liên lạc và hoa tiêu, Su-30SM có thể trở thành đài chỉ huy trên không, điều hành tác chiến một cụm máy bay chiến đấu các loại cùng thực hiện một nhiệm vụ chung.

Thú vị hơn là nhờ có 2 người lái, trong điều kiện thời bình Su-30SM còn là máy bay huấn luyện chuyển loại tốt nhất với khả năng sử dụng tất cả các loại vũ khí theo biên chế.

Su-30SM là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới có tính năng kỹ thuật bay siêu cơ động dành cho phi công Nga. Máy bay được thiết kế theo sơ đồ khí động học "vật thể bay không ổn định theo trục dọc". Để tăng cường lực đẩy máy bay và tăng khả năng cơ động, máy bay được trang bị thêm cánh nhỏ phía trước cánh nâng chính, tự động xoay duy trì sự ổn định của máy bay khi ở trạng thái góc tấn lớn (kỹ thuật bay Rắn hổ mang).

Su-30SM được trang bị hai động cơ AL-31FP, có hai trục lệch nhau 1 góc 32o. Độ lệch góc của trục ống phụt theo chiều thắng đứng lên đến ± 16 ° và ± 15 ° theo bất kỳ hướng nào của hai trục ống phụt động cơ, cho phép điều khiển vector lực đẩy theo độ cao và góc nghiêng.

Tùy thuộc kỹ năng bay siêu cơ động được thực hiện, các ống phun có thể lệch hướng đồng bộ với cánh lái đuôi hoặc tách biệt khỏi cánh lái đuôi.

Hệ thống radar ngắm bắn mục tiêu, trên cơ sở radar ănten pha, có khả năng phát hiện và đeo bám theo dõi 15 mục tiêu bay, đồng thời tấn công bằng tên lửa có điều khiển đến 4 mục tiêu.

Máy bay có khả năng năng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu mặt đất kích thước nhỏ nhờ được tăng cường bằng thùng container chứa với thiết bị quan sát quang hồng ngoại và laser. Hệ thống chỉ thị mục tiêu trên mũ lái, các thông số mục tiêu được hiện trên kính chắn gió, các màn hình quan sát tinh thể lỏng đa chức năng cho phép phi công có thể theo dõi và nắm chắc mọi tình huống đang diễn ra trên không gian chiến trường.

Hệ thống tích hợp tổ hợp thiết bị kính ngắm quang điện tử, dẫn đường quán tính với hệ thống dẫn đường quán tính laser và đầu thu tín hiệu định vị vệ tinh (GLONASS) đảm bảo quá trình bay có độ chính xác cao dọc theo đường bay quy định thâm nhập vùng chiến sự và thoát ly khu vực mục tiêu tấn công.

Máy bay có khả năng bay tự động ở nhiều chế độ khác nhau, bao gồm chế độ bay tầm thấp; chiến đấu độc lập hoặc trong đội hình cụm máy bay chiến đấu tiến công tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt đất và mặt nước.

Hệ thống autopilot, kết nối với hệ thống dẫn đường đa kênh, đảm bảo duy trì chuyến bay đúng đường bay theo kế hoạch, thâm nhập khu vực mục tiêu, quay trở về căn cứ sân bay và hạ cánh hoàn toàn tự động.

Máy bay tiêm kích Su-30SM mang 8 tấn vũ khí trên 12 mấu treo dưới thân máy bay. Trong biên chế vũ khí trang bị còn có hệ thống tác chiến điện tử, đặt trong thùng container. Máy bay có thể tham gia hầu hết các hoạt động tác chiến trên không, trên biển và trên mặt đất, đánh chặn tầm xa và không chiến tầm gần, chiến đấu sâu trong hậu phương chiến trường của đối phương bằng các loại vũ khí có điều khiển và không điều khiển với độ chính xác cao. Những tính năng kỹ chiến thuật này được minh chứng bằng chiến dịch không kích chống IS trên chiến trường Syria.

Tính năng kỹ chiến thuật vượt sức tưởng tượng của Su-30SM - video Bộ quốc phòng Nga
TTB