Chiêm ngưỡng dự án thành phố không ô nhiễm trị giá 14 tỷ USD của Philippines

VietTimes -- Dự án  khu đô thị 14 tỉ USD của Philippines sẽ lớn hơn cả Manhattan ở Mỹ. Thành phố mới sẽ tận dụng máy bay không người lái, xe hơi không người lái, công nghệ để giảm lượng nước và năng lượng được sử dụng cho các tòa nhà, xây dựng các khu phức hợp thể thao khổng lồ với nhiều không gian xanh.

Manila - thủ đô của Philippines nổi tiếng là ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong một cuộc khảo sát năm 2016 Manila còn bị xếp vào danh sách "nơi tồi tệ nhất trên thế giới để lái xe”. Mật độ ô tô đông đúc đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Manila đang lên kế hoạch xây dựng một thành phố mới, bền vững hơn mang tên New Clark. Thành phố này cách thủ đô Manila khoảng 120 km, sẽ được xây dựng trong 3 thập kỷ tới.

 

Theo kế hoạch phát triển, thành phố sẽ chiếm gần 100 km2 - một diện tích lớn hơn cả Manhattan (trung tâm kinh tế của New York, Mỹ) - và sẽ là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người.

 

New Clark sẽ được chia thành năm quận, mỗi quận có một chức năng cụ thể: chính trị, kinh doanh, giáo dục, nông nghiệp và giải trí.

 

Thiết kế chính xác của New Clark vẫn chưa được công bố, tuy nhiên các nhà phát triển cho hay kế hoạch đô thị sẽ ưu tiên môi trường bền vững và khả năng phục hồi khí hậu.

 

Với độ cao tối thiểu 56 m so với mực nước biển, thành phố có thể sẽ không bị ngập lụt nhiều.

 

Để giảm lượng khí thải carbon, hai phần ba của New Clark sẽ được dành riêng cho đất nông nghiệp, công viên và không gian xanh khác.

 

Các tòa nhà cũng sẽ tích hợp công nghệ làm giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và nước.

 

Ôtô không người lái chạy bằng điện, ít phát thải CO2, sẽ lưu thông nhiều trên đường phố.

 

Ngoài ra, thành phố sẽ có một sân vận động thể thao khổng lồ và một khu công nghiệp chế biến.

 

Các nhà phát triển của New Clark, BCDA Group và Surbana Jurong, dự tính khởi công xây dựng thành phố mới vào năm 2022.

 

Thành phố mới sẽ có vai trò như "thành phố sinh đôi" của Manila nhằm giảm bớt áp lực tắc nghẽn ở thủ đô.

 

Viễn cảnh về New Clark giống như một địa đàng nhân gian.

 

Tuy nhiên kế hoạch đầy tham vọng của Philippines đang phải đối mặt với một vài thách thức, trong đó có việc thuyết phục cư dân Manila sang thành phố mới.

 

Tuyến đường sắt mới có thể giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố.

 

Vào cuối tháng 5, BCDA bắt đầu quá trình đấu thầu cho các công ty thiết kế, xây dựng, tài chính, vận hành và duy trì hệ thống điện và nước ở thành phố New Clark.

 

Ngoài ra, Philippines cũng đang chật vật để giải quyết bài toán phát triển kinh tế. Việc xây dựng một thành phố sinh thái từ đầu sẽ đi kèm với chi phí khổng lồ.

 

Trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới - điển hình là Trung Quốc - đã công bố các kế hoạch phát triển đô thị. Một số dự án đã được thực hiện song thất bại trong việc thu hút một số lượng lớn dân cư đến ở, cuối cùng đành biến thành những thành phố ma.

 
Yujiapu và Xiangluo Bay, một khu vực đô thị được mệnh danh là "Manhattan của Trung Quốc", đã xây dựng được một nửa nhưng đáng buồn là phần lớn đều trống rỗng và không có cư dân. 
 

Theo Business Insider