|
Ấn Độ cho rằng việc Trung Quốc ban hành Luật Biên giới trên bộ sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện những thỏa thuận đã có giữa hai nước (Ảnh: Deutsche Welle). |
Theo hãng tin Mỹ AP, ngày 27/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi đã lên tiếng về việc Trung Quốc thông qua Luật Biên giới trên bộ vào tuần trước. Ông nói, Ấn Độ mong Trung Quốc tránh lấy cớ đạo luật mới này để hành động, tránh đơn phương thay đổi tình trạng ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
Vào đầu tháng 10 năm nay, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 về vấn đề rút quân khỏi khu vực biên giới hiện đang đối đầu. Cho đến nay, cuộc đối đầu giữa Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới đã kéo dài 17 tháng và đã xuất hiện xu hướng ngày càng nóng lên. Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ "vẫn khăng khăng kiên trì những yêu cầu bất hợp lý và không thực tế, điều này đã gây thêm khó khăn cho các cuộc đàm phán".
Tuy nhiên, phía quân đội Ấn Độ đã phản bác lại rằng Ấn Độ đã đưa ra các đề xuất mang tính xây dựng để giải quyết tranh chấp, "nhưng Trung Quốc đã không chấp nhận và cũng không đưa ra bất kỳ đề xuất mang tính hướng tới tương lai nào".
|
Năm ngoái, tại biên giới Trung - Ấn đã xảy ra xung đột đẫm máu, nhiều binh sĩ hai bên thương vong (Ảnh: Dwnews). |
Ngày 23/10, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua Luật Biên giới trên bộ (Lục địa quốc giới pháp). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, một đạo luật chuyên biệt được xây dựng nhằm quy định cách thức quản lý và bảo vệ đường biên giới trên bộ dài 22.000 km tiếp giáp với 14 quốc gia láng giềng.
Theo các quy định của luật mới này, quân đội Trung Quốc cần "kiên quyết ngăn ngừa, chặn đứng và chiến đấu chống lại các hành vi xâm lược, lấn chiếm, xâm nhập, khiêu khích, v.v." ở biên giới, và "khi xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang ở các khu vực xung quanh có thể ảnh hưởng đến an ninh và ổn định phòng thủ biên giới của đất nước, nhà nước có thể phong tỏa biên giới, đóng cửa các cửa khẩu".
Ông Arindam Bagchi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc trước đây đã đồng ý cùng nhau tìm kiếm một giải pháp công bằng và được cả hai bên chấp nhận cho tranh chấp biên giới. Ông mong Luật Biên giới trên bộ của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến thỏa thuận trước đây giữa hai bên về việc xử lý các tranh chấp biên giới, cũng sẽ không đe dọa hòa bình và yên tĩnh của khu vực biên giới. Trong khi giới quan sát cho rằng động thái này của Trung Quốc thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn hơn trong vấn đề biên giới với Ấn Độ.
|
Ông Arindam Bagchi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ (Ảnh: Thehindu). |
Trước những lo ngại và chỉ trích của Ấn Độ, chiều 28/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã giải thích những cân nhắc của Trung Quốc trong việc ban hành luật này tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh. Ông nói, mục đích chính của việc ban hành luật này là nhằm thống nhất quy phạm và tăng cường quản lý biên giới, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan.
"Luật này có quy định rõ ràng về việc Trung Quốc tuân thủ các hiệp ước liên quan đến biên giới trên bộ, hợp tác quốc tế với các nước láng giềng và giải quyết các vấn đề biên giới trên bộ theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Nó sẽ không thay đổi cách Trung Quốc quản lý biên giới và hợp tác với các nước láng giềng, cũng sẽ không thay đổi lập trường và chủ trương của Trung Quốc liên quan đến vấn đề biên giới đã có”, ông nói.
Đáp trả tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Uông Văn Bân đã trả lời mà không nêu rõ tên Ấn Độ: "Tôi hy vọng các nước có liên quan sẽ tuân thủ các chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế, không nên suy đoán bừa về việc lập pháp bình thường trong nước của Trung Quốc".
Bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu của chính phủ Trung Quốc dẫn lời Vương Húc, Phó Viện trưởng Học viện Luật thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết, "Luật này sẽ trở thành kim chỉ nam pháp lý của Trung Quốc để giải quyết tất cả các vấn đề tranh chấp biên giới trên bộ có thể xảy ra, bao gồm xung đột lãnh thổ cụ thể ở biên giới Trung - Ấn hiện nay”.
|
Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Ảnh: Xinhua). |
Các nhà quan sát cho rằng luật mới cho thấy tình trạng bế tắc quân sự trên dãy Himalaya có thể tiếp tục. Một bài bình luận trên tờ The Times of India hôm 26/10 viết rằng luật mới là dấu hiệu cho thấy sự thiếu linh hoạt của Trung Quốc, có nghĩa là bế tắc ở biên giới hiện nay “ít có khả năng được giải quyết ổn thỏa”. Khi các địa phương thiết lập cơ sở hạ tầng và hệ thống kiểm soát để chính thức hóa các yêu sách biên giới của họ một cách hợp pháp, Trung Quốc sẽ không nhân nhượng đối với các yêu sách biên giới của mình.
Bài bình luận của The Times of India cảnh báo: “Tới đây có khả năng xuất hiện càng nhiều sự thù địch lạnh lùng. Một Trung Quốc ép người khác, thiếu linh hoạt và hiếu chiến sẽ tiếp tục tồn tại”.
Trung Quốc có biên giới trên bộ với 14 quốc gia láng giềng, hiện nay họ còn tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ và Bhutan. Mới đây, Trung Quốc và Bhutan đã ký được biên bản ghi nhớ về đàm phán biên giới.
Kể từ tháng 5/2020, Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu có một cuộc đối đầu căng thẳng ở biên giới tranh chấp. Vào tháng 6 năm ngoái, hai bên đã đụng độ ác liệt ở Thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh, các binh lính đã đánh nhau bằng vũ khí lạnh, khoảng 20 lính Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc bị thiệt mạng.
Cùng với việc lên tiếng chỉ trích Trung Quốc thông qua Luật biên giới trên bộ, Ấn Độ thông báo đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo được tuyên truyền “có thể tấn công toàn bộ Trung Quốc”.
|
Ấn Độ tuyên bố phóng thử thành công tên lửa liên lục địa Agni-5 hôm 27/10 (Ảnh: Guancha). |
Ngày 27/10, Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa đạn đạo Agni-5 từ đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển bang Orissa. Truyền thông Ấn Độ cho biết, tên lửa này sử dụng động cơ nhiên liệu rắn ba tầng và có thể tấn công mục tiêu cách xa 5.000 km với độ chính xác rất cao.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ thẳng thừng nói trong một tuyên bố: "Vụ bắn thử thành công tên lửa Agni-5 có thể tấn công miền Bắc Trung Quốc là phù hợp với chính sách của Ấn Độ về đảm bảo khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy dựa trên nguyên tắc không sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt trước".
Hãng tin AP cho biết, kho vũ khí hùng hậu của Trung Quốc đã khiến chính quyền New Delhi trong những năm gần đây liên tục cải tiến hệ thống vũ khí, người ta tin rằng tên lửa đạn đạo Agni-5 có thể tấn công hầu như toàn bộ Trung Quốc.
Trong cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt với Trung Quốc, Ấn Độ đã và đang phát triển các hệ thống tên lửa và hệ thống hạt nhân tầm trung và tầm xa kể từ những năm 1990 nhằm thúc đẩy việc nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước.
Truyền thông Ấn Độ India Express cho biết giữa lúc căng thẳng ở biên giới với Trung Quốc leo thang, Ấn Độ đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng hạt nhân với tầm bắn 5.000 km từ một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này vào ngày 27/10. Do đó, tờ India Express nhấn mạnh tên lửa này có thể tấn công "hầu như toàn bộ Trung Quốc", AP cũng sử dụng tuyên bố này.
Tờ India Express đề cập rằng nói đúng ra, Agni-5 vẫn chưa đạt đến tiêu chuẩn của tên lửa liên lục địa (ICBM). Tên lửa liên lục địa có tầm bắn ít nhất là 5500 km, nhưng Agni-5 là tên lửa gần nhất với tiêu chuẩn này và có khả năng tấn công liên lục địa, với tầm bắn bao phủ các khu vực của châu Phi và châu Âu.
Hãng tin AP cho biết kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã tham gia ba cuộc chiến tranh với Pakistan, hiện tại Ấn Độ có khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ Pakistan. Kể từ những năm 1990, Ấn Độ đã và đang phát triển các hệ thống tên lửa hạt nhân. Tên lửa tầm trung và tầm xa, đồng thời gia tăng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tên lửa đạn đạo đất đối đất Agni-5 do Ấn Độ tự chủ nghiên cứu phát triển có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 5.000 km, tên lửa này có chiều dài khoảng 17 m, đường kính khoảng 2m, có trọng lượng phóng khoảng 50 tấn, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Cả ba tầng của tên lửa đều được đẩy bằng nhiên liệu rắn.
|
Cận cảnh tên lửa liên lục địa Agni-5 được Ấn Độ cho là có thể bắn tới mọi nơi trên lãnh thổ Trung Quốc (Ảnh: Guancha). |
Theo hãng truyền thông Ấn Độ Mint, không giống như các tên lửa khác trong dòng Agni, tên lửa Agni-5 mới nhất được trang bị nhiều công nghệ mũi nhọn về dẫn đường, đầu đạn và động lực, nhiều công nghệ đã được kiểm chứng trong quá trình phóng thử. .
Một quan chức nói với Mint, hệ thống dẫn đường, hệ thống dẫn đường quán tính laser có độ chính xác cao (RINS) và hệ thống dẫn đường vi mô hiện đại và chính xác nhất (MINS) đảm bảo rằng tên lửa đạt được điểm chính xác đánh trúng mục tiêu chỉ với sai lệch vài mét. Ngoài ra, máy tính tốc độ cao và phần mềm sửa lỗi được cài đặt trên tên lửa, cũng như một tuyến đường mạnh mẽ và đáng tin cậy, có thể dẫn đường cho tên lửa một cách hoàn hảo.
Mint cho biết, mặc dù chính phủ nói tầm hoạt động tối đa là 5.000 km, nhưng một số thông tin cho thấy Agni-5 có tầm bắn tối đa 8.000 km. Tên lửa cũng có khả năng hạt nhân, có thể mang đầu đạn nặng khoảng 1.500 kg và trọng lượng phóng tối đa là 5 tấn.
Ấn Độ hiện có loạt Agni-1 với tầm bắn 700 km, Agni-2 với tầm bắn 2.000 km, Agni-3 và Agni-4 với tầm bắn từ 2.500 đến 3.500 km trở lên.