Chi tiêu quân sự thế giới năm 2020: Mỹ chi nhiều nhất, Trung Quốc tăng nhanh nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2020, chi tiêu quân sự của Mỹ gấp ba lần tổng chi của các đối thủ của họ là Trung Quốc và Nga. Một báo cáo mới công bố cho thấy bất chấp đại dịch COVID-19, chi tiêu quân sự của thế giới vẫn lập kỷ lục mới.
Mỹ vẫn là quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất trong năm 2020 (Ảnh: Dwnews).
Mỹ vẫn là quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất trong năm 2020 (Ảnh: Dwnews).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 27/2, năm 2020, chi tiêu quân sự của Mỹ là 738 tỉ USD, nhiều gần gấp 4 lần so với Trung Quốc (193,3 tỉ USD) và 12 lần so với Nga (60,6 tỉ USD), chiếm 40% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Đây là dữ liệu mới nhất do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một tổ chức tư vấn của Anh công bố

Đức chi cho quân sự đứng thứ ba ở châu Âu

Theo báo cáo này, trong số các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu, Vương quốc Anh đứng đầu về chi tiêu quân sự với tổng số 61,5 tỉ USD, Pháp đứng thứ hai với tổng số 55 tỉ USD và Đức đứng thứ ba với 51,3 tỉ USD. Tổng mức chi tiêu quân sự của 3 nước này tương đương 3 lần của Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cũng cho rằng không nên lấy số liệu trên làm lý do để cắt giảm bớt chi tiêu quân sự của các nước châu Âu. Các chuyên gia cho rằng do Nga có một hệ thống giá khác nên nó có thể có được sức mạnh quân sự lớn hơn với cùng một khoản chi.

Trung Quốc là nước có mức chi cho quân sự tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2020 (Ảnh: zhihu).

Trung Quốc là nước có mức chi cho quân sự tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2020 (Ảnh: zhihu).

Chi phí quân sự toàn cầu đạt mức cao mới

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 trong năm 2020 không có tác động đáng kể đến chi tiêu quân sự toàn cầu, và tổng chi tiêu quân sự của tất cả các quốc gia trên thế giới đã lập kỷ lục mới là 1,83 nghìn tỉ USD, tăng 3,9%. Trong số đó, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 5,2%, trong khi mức tăng chi tiêu quân sự của các nước thành viên NATO châu Âu chỉ khoảng 2%.

Trong năm 2020, tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc là 193,3 tỉ USD, tăng 5.2% là quốc gia có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất, chiếm 10,6% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu và chiếm hơn một phần tư chi tiêu quân sự của cả châu Á. Chi tiêu quân sự ở châu Á tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm ngoái với 4,3%, nhưng mức độ tăng thấp hơn một chút so với năm 2019 (4,9%).

Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: “Để giành được nguồn vốn ứng phó với khủng hoảng hoặc kích thích thị trường phát triển, nhiều quốc gia đã điều chỉnh chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, một số quốc gia chỉ điều chỉnh giảm mức tăng chi tiêu quân sự của mình, chứ không giảm chi tiêu quân sự của họ”. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhấn mạnh, Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy sự bành trướng quân sự, đặc biệt là liên tục mở rộng quy mô của hạm đội hải quân, nhằm củng cố tham vọng của nước này ở Biển Đông.

IISS: Trung Quốc liên tục mở rộng quy mô của hạm đội hải quân, nhằm củng cố tham vọng ở Biển Đông (Ảnh: zhihu).

IISS: Trung Quốc liên tục mở rộng quy mô của hạm đội hải quân, nhằm củng cố tham vọng ở Biển Đông (Ảnh: zhihu).

Trung Quốc là nhân tố khiến các nước châu Á tăng chi tiêu quân sự

Les Echos của Pháp ngày 28/2 đưa tin, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh (IISS) xuất bản "So sánh sức mạnh quân sự" hàng năm cho thấy bất chấp đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2020 vẫn đạt mức kỷ lục với 1,830 tỉ USD, cao hơn 3,9% so với năm 2019.

Les Echos cho rằng, điều này chủ yếu là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là sự mở rộng của hải quân Trung Quốc dẫn đến sự chi tiêu quân sự cao của các nước khác. Các nước như Indonesia và Malaysia đã tăng cường mua vũ khí. Thị trường châu Á hiện chiếm một phần tư chi tiêu quốc phòng của cả thế giới, vượt qua tổng số của cả châu Âu và Nga cộng lại.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhấn mạnh rằng việc mở rộng quân sự và tăng trưởng hạm đội hải quân của Trung Quốc làm nổi bật tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đang đóng chiếc tàu sân bay thứ ba; đặc biệt họ có căn cứ quân sự ở Djibuti tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân Trung Quốc hoạt động vươn xa, giúp họ tăng cường sức mạnh quân sự trong tương lai ở Thái Bình Dương, buộc Australia, Nhật Bản và Ấn Độ cũng phải nâng cấp khả năng quân sự của mình.