Chi ngàn tỷ để đảm bảo sức khỏe người uống bia - liệu có đáng?

Thực tế cho thấy, hiện nay ở Việt Nam có không ít các cơ sở sản xuất bia giả bằng “công nghệ địa phương” rồi sau đó phù phép thành những chai bia thượng thặng. Hàng năm, có hàng ngàn người ngộ độc khi dùng phải bia, rượu giả, nhái và hàng lậu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của bộ Y tế, hàng năm, có hàng ngàn người ngộ độc khi dùng phải bia, rượu giả, nhái và hàng lậu. Hàng ngày, hàng giờ, tại các cửa khẩu, bia lậu vẫn ùn ùn “chảy” vào trong nước gây thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và thị phần của các doanh nghiệp (DN).

Vấn đề đặt ra là cần có một công cụ để các cơ quan chức năng kiểm soát bia rượu lậu, giả. Theo các chuyên gia kinh tế, với việc dán tem bia, các DN sẽ tự bảo vệ được mình và Nhà nước có thể lấy lại nhiều tỷ đồng tiền thuế thất thoát.

“Tốp đầu” về mặt hàng bị làm giả

Chỉ cần dạo qua các đại lý kinh doanh bia tại các thành phố lớn, dân sành nhậu chắc hẳn sẽ khó phân biệt được đâu là bia giả, đâu là hàng “xịn”. Nói thế để thấy được rằng, hiện nay, tình trạng buôn bán, kinh doanh bia lậu, giả, hàng nhái đang phổ biến như thế nào trên thị trường trong nước. Nhất là thời điểm nắng nóng như hiện tại, bia lậu sẽ ùn ùn đổ về các thành phố từ cửa khẩu.

Xin nhắc lại một lần nữa lời phát biểu của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), trong số hơn 30 nhóm hàng bị làm giả, làm nhái mà VATAP thống kê được thì rượu - bia là một trong những nhóm nằm trong “top đầu”...

Vị này còn cho rằng, trong cuộc đấu tranh chống bia lậu, giả đang hết sức cam go và phức tạp, ngoài các lực lượng như công an, quản lý thị trường, hải quan... thì các doanh nghiệp cũng cần phải tự bảo vệ lấy mình.

Một số DN đã thiết lập hẳn bộ phận chuyên theo dõi hàng giả, hàng nhái trên thị trường và phối hợp rất tốt với các lực lượng thực thi tổ chức phá nhiều vụ làm giả. Tuy nhiên, so với số lượng bia nhái, giả trên thị trường thì các vụ việc bị phát hiện không thấm vào đâu.

Theo khảo sát của PV, mặt hàng bia được nhập lậu về TP.HCM “nóng” nhất là khu vực tuyến quốc lộ 22 (huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12). Trong dịp Tết Nguyên đán và những ngày nắng nóng, nhiều loại xe gắn máy, xe tải, xe khách, xe buýt đã tham gia vận chuyển số lượng lớn bia do các đối tượng thu mua gom từ những người mua hàng miễn thuế tại chợ biên giới Mộc Bài – Tây Ninh đem về TP.HCM tiêu thụ.

Theo đánh giá của một số cán bộ quản lý thị trường, hoạt động này xảy ra quanh năm nhưng mạnh nhất là trong những ngày giáp Tết. Khi hàng hóa bị lực lượng kiểm tra phát hiện, thường, các đối tượng “bỏ của chạy lấy người”.

Nhiều chuyên gia lý giải, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bia nhập lậu, bia giả thời gian qua là do tâm lý chuộng hàng ngoại và sức tiêu thụ bia rất mạnh ở Việt Nam. Lượng bia có nguồn gốc từ nước ngoài được bán khá tốt tại các cửa hàng kinh doanh hoặc nhà hàng lớn.

Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng bia tăng cao. Lợi nhuận từ việc làm bia giả lớn, nên các đối tượng làm giả đã bất chấp mọi thủ đoạn. Bên cạnh đó, cũng do một số bất cập trong chính sách nên các đối tượng đã lợi dụng “kẽ hở” này để buôn lậu, làm giả.

Một chuyên gia ngành xuất nhập khẩu (đề nghị giấu danh tính – PV) cho hay, thời gian qua, sở dĩ bia nhập lậu dễ dàng thâm nhập vào thị trường, qua mặt các nhà quản lý một phần là do các quy định hiện hành còn bộc lộ nhiều bất cập.

Cụ thể, theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 về nhãn hàng hóa, các sản phẩm bia ngoại nhập khẩu vào Việt Nam chỉ phải dán tem trên vỏ thùng bên ngoài. Chính vì thế, việc phân biệt bia nhập khẩu chính ngạch và bia nhập lậu rất khó. Rượu nhập khẩu dán tem lên từng chai, còn bia thì không. Muốn phân biệt rõ chỉ còn cách phải căn cứ vào hồ sơ, chứng từ.

Chính vì vậy, lợi dụng điều này, một số đối tượng đã sử dụng chứng từ quay vòng để hợp thức hóa các lô hàng được mua bán qua hình thức nhập lậu. Đã từ lâu, nhiều chuyên gia hiến kế, cần nhắc tới việc tiến hành dán tem trực tiếp cho từng sản phẩm chai hoặc lon bia, như dán tem với rượu để đối phó với tình trạng bia lậu tràn lan hiện nay.

Triệt tận gốc bia lậu bằng “tem”?

Trong đề án đang xây dựng về "Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ngành bia", bộ Công Thương quy định các sản phẩm bia phải được dán tem. Theo Bộ này, việc dán tem cho sản phẩm bia nhằm mục đích quản lý thống nhất từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ.

Từ đó sẽ ngăn chặn được các hành vi gian lận thương mại như khai gian sản lượng, buôn lậu, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính. Dán tem bia cũng giúp làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước bằng việc hạn chế gian lận về thuế.

Nói về đề án này, đại diện Bô Công Thương cho biết, Bộ đã tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị định về quản lý, kinh doanh bia. Bộ Công Thương sẽ lùi thời hạn trình dự thảo lên Thủ tướng để chờ Quốc hội thông qua luật Đầu tư (sửa đổi). Vì theo luật sửa đổi này, đồ uống có cồn là ngành kinh doanh có điều kiện, còn hiện nay ngành bia chưa phải là ngành kinh doanh có điều kiện cho nên cần tiếp tục lấy ý kiến đóng góp.

Trả lời báo chí, Phó Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), ông Bùi Trường Thắng cho rằng, đề án Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia bằng giải pháp dán tem quản lý, đang được Bộ hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.

Về chi phí dán tem, Hiệp hội Bia rượu Việt Nam tính toán, một năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, tương đương 10 tỷ sản phẩm phải dán tem. 3.000 tỷ đồng là số tiền ước tính để thực hiện việc dán tem lên sản phẩm bia, bao gồm 2.000 tỷ đồng là chi phí mua tem, 1.000 tỷ đồng cho chi phí in tem, khấu hao và các chi phí khác.

Trao đổi về đề án này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc dán tem lên một sản phẩm nào đó với mục tiêu quản lý người sản xuất, người tiêu dùng và chống hàng giả tốt hơn là biện pháp cần thiết và có thể áp dụng trong điều kiện thị trường đang phát triển ở nước ta.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần lựa chọn sản phẩm hàng hóa nào để dán tem và liệu việc dán tem lên sản phẩm đó có thực sự tạo điều kiện quản lý hiệu quả hơn hay không. Cũng theo chuyên gia này, đối với người tiêu dùng, việc thêm 150-200 đồng/con tem/sản phẩm bia không phải là lớn, tuy nhiên, cần quan tâm nhiều hơn đến tính hiệu quả.

Doanh nghiệp giảm thị phần, Nhà nước thất thu

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm, bia nhập lậu tràn lan đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với bia sản xuất trong nước và bia nhập khẩu chính ngạch. Đến nay, thị trường bia Việt Nam đã hội gần đủ các công ty sản xuất bia lớn trên thế giới, với sản lượng khoảng 3 tỷ lít/năm.

Tình trạng bia nhập lậu đang làm cho các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước lo ngại bị giảm thị phần do cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, ngân sách Nhà nước bị thất thu một khoản tiền thuế không nhỏ (ước tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm). Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp bỏ ra số tiền hàng ngàn tỷ đồng để tự bảo vệ mình, khiến bia lậu, giả mất đất sống cũng là điều nên thực hiện trong thời điểm hiện tại.

Chắc chắn khi dán tem trên bia, chi phí bị đội lên, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu cũng sẽ nộp vào ngân sách tiền thuế ít hơn những năm trước. Tuy nhiên, con số đó không thấm vào đâu so với số tiền thất thu thuế do bia rượu lậu, giả, nhái tràn lan trên thị trường hiện nay.

Theo Người đưa tin