Chỉ ngân hàng mạnh mới có thể lập công ty tài chính

Từ ngày 8-2-2016, chỉ những ngân hàng mạnh vốn, như có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng, mới được thành lập hay sở hữu công ty tài chính/công ty cho thuê tài chính.
Chỉ ngân hàng mạnh mới có thể lập công ty tài chính

Theo Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 25-12, ngân hàng thương mại phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe mới có thể thành lập hay sở hữu công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.

Ngân hàng phải mạnh vốn

Ngân hàng thương mại phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng, và tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 2 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập công ty tài chính/công ty cho thuê tài chính.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước khi xin giấy phép.

Ngân hàng cũng phải cam kết hỗ trợ tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp công ty tài chính/công ty cho thuê tài chính khó khăn về vốn hoặc khả năng chi trả, thanh khoản.

Ngân hàng nước ngoài muốn thành lập công ty tài chính/công ty cho thuê tài chính cũng phải đáp ứng một số điều kiện, như có tổng tài sản trên 10 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ xin cấp giấy phép.

Thời hạn hoạt động của công ty tài chính/công ty cho thuê tài chính tối đa không quá 50 năm.Các công ty tài chính muốn phát hành thẻ tín dụng thì hoạt động phát hành thẻ này phải được ghi trong giấy phép hoạt động. Nếu không có mà muốn phát hành thẻ tín dụng, công ty tài chính (thành lập trước Nghị định số 39/2014/NĐ-CP) phải xin bổ sung hoạt động này sau khi đáp ứng một số điều kiện. Trên thực tế, hiện một số công ty tài chính tiêu dùng đang có kế hoạch phát hành thẻ tín dụng.

Nở rộ trào lưu mở công ty tài chính

Trong khoảng thời gian 2-3 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã mua lại các công ty tài chính và đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Hiện một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank,… cũng có kế hoạch thành lập công ty tài chính.

Mới đây, hôm 2-12-2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), và thành lập công ty con trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Trước đó, trong Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 của MB hôm 6-10, đại hội đã thông qua phương án sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào MB và thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng có vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT MB, được trích lời trong thông tin do MB công bố cho biết việc sáp nhập và thành lập công ty tài chính nhằm phục vụ cho mục đích phát triển mảng tín dụng tiêu dùng của MB.

Trước MB, có khá nhiều ngân hàng cũng đã mua các công ty tài chính, nhiều đến mức việc này được xem là một trào lưu của các ngân hàng tập trung vào mảng khách hàng cá nhân.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt May Việt Nam (TFC) và chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty này thành Công ty TNHH một thành viên do Maritime Bank sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo đó, từ ngày 6-7-2015, TFC chính thức được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB-FC).

Vào tháng 6-2014, VPBank cũng thông báo mua lại Công ty TNHH Tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) để làm công ty con của ngân hàng. Sau đó, vào tháng 11-2014, VPBank thông báo chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang công ty tài chính mới có tên là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) với thương hiệu FE Credit. Hôm 6-10-2015, ngân hàng này cũng thông báo về việc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho FE Credit nâng mức vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng.

Vào tháng 10-2013, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) mua Công ty TNHH MTV Tài Chính Việt  Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDFinance). Vào tháng 4-2015, HDBank đã bán 49% cổ phần tại HDFinance cho Tập đoàn tài chính Credit Saison (Nhật Bản) sau đó đổi tên công ty tài chính này thành HD SAISON Finance.

Trong một buổi gặp gỡ báo chí vào cuối tháng 10-2015, ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc công ty tài chính Home Credit Việt Nam, trích dẫn thông tin từ Stoxplus cho biết thị trường tín dụng tiêu dùng của Việt Nam đến cuối năm 2014 đạt 10,4 tỉ đô la Mỹ, chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng Việt Nam. Tính đến tháng 8-2014, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 30-6-2015, tại Việt Nam có tổng cộng 17 công ty tài chính, trong đó có 4 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, gồm Mirae Asset, Home Credit, Prudential, và Toyota Việt Nam. Tất cả 17 công ty tài chính này đều có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên. 

Theo TBKTSG