|
Em bé tị nạn được người tình nguyện nhiệt tình tiếp đón tại nhà ga Hamburg, Đức |
Tổng thống Pháp FrançoisHollande ngày 7-9 tiết lộ rằng nước ông đã sẵn sàng để đón 24.000 người tị nạn theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu sẽ được công bố vào ngày 9-9 tới. Đứng đầu kế hoạch này phải nói đến nước Đức, với dự kiến tiếp nhận tới 800.000 người nhập cư trong năm nay.
Nêu gương giúp đỡ người tị nạn đang đổ xô đến châu Âu, ngày 5-9, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila tuyên bố sẽ mở cửa một ngôi nhà của mình ở thị trấn Kempele (miền bắc Phần Lan) cho người tị nạn ở nhờ. Chính phủ Phần Lan ước tính số người xin tị nạn tại nước này sẽ tăng lên tới 30.000 người, trong khi năm 2014 con số này mới chỉ là 3.600 người. Ông Sipila đề xuất Liên minh châu Âu (EU) nên phân phối 120.000 người di cư đang đổ về Hy Lạp, Italy và Hungary đến các quốc gia thành viên trong EU trên tinh thần tự nguyện.
Trong khi đó, ngày 6-9, Giáo hoàng Francis kêu gọi tất cả nhà thờ và giáo xứ ở châu Âu tiếp nhận ít nhất một gia đình người tị nạn để chia sẻ gánh nặng với chính quyền. Là một quốc gia phát triển tại châu Âu, Anh cũng tuyên bố có thể đón 15.000 người tị nạn Syria, và sẽ sử dụng một phần ngân sách viện trợ nước ngoài (tương đương 0,7% GDP nước này) để giúp chi trả chi phí trong việc tiếp nhận người di cư.
Không bàng quan trước cuộc khủng hoảng này, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã kêu gọi EU tăng số người tị nạn có thể tiếp nhận. Theo hãng Reuters, khoảng 81.000 người đã xin tị nạn ở Thụy Điển vào năm ngoái, con số này đứng thứ hai tại châu Âu chỉ sau Đức, với nhóm người tị nạn đông đảo nhất là Syria.
Nước Đức sẽ thay đổi đáng tự hào
Theo CNN, khoảng 20.000 người di cư đã nhập cảnh vào nước Đức trong 2 ngày cuối tuần, riêng ngày thứ hai, con số này cũng gần 11.000 người. Chính phủ Đức đã cảm ơn những tình nguyện viên đã giúp đỡ và chào đón người di cư, thể hiện sự đoàn kết của người Đức và cho biết kinh tế của nước này đủ mạnh để có thể đáp ứng các thách thức trước mắt.
Trước sự nhiệt tình tiếp nhận người tị nạn của Đức, một bài viết trên báo Independent trực tuyến cho rằng, Đức là quốc gia hiểu về nỗi khổ của những người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, do những biến động lịch sử của Chiến tranh Thế giới thứ hai hay thời điểm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Hơn nữa, Thủ tướng Angela Merkel, vốn người Đông Đức, là người luôn đề cao sự tự do, tôn trọng và quyền con người. Nếu không có sự ủng hộ giúp đỡ cho những người tị nạn Đông Đức hồi năm 1989 thì có thể bà Angela Merkel không bao giờ đạt được cương vị như ngày nay.
Một lý giải khác cho việc Đức chào đón lượng lớn người tị nạn là bởi nước này có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và với tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức luôn cần người lao động nhập cư. Theo RT, Đức đang thiếu 140.000 kỹ sư, lập trình viên và kỹ thuật viên, các lĩnh vực chăm sóc y tế và giải trí cũng thiếu nhân viên lành nghề.
Ước tính, Đức sẽ có tới 3,9 triệu vị trí việc làm phải lấp đầy vào năm 2040. “Những gì chúng ta đang trải qua bây giờ sẽ thay đổi đất nước của chúng ta những năm tới. Những người di cư sẽ vẽ ra một hình ảnh nước Đức làm cho chúng ta có thể tự hào”, Thủ tướngAngela Merkel nhấn mạnh.
Đỗ Mai theo An ninh Thủ đô