Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hiện nay trên thế giới có nhiều người tị nạn hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Có hai nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng này: Thứ nhất là do các cuộc chiến tranh, nội chiến triền miên, nhất là ở châu Phi và khu vực Trung Đông.
Trong lý do này, Mỹ là bên phải chịu trách nhiệm vì đã chủ động gây ra hoặc dính líu vào cuộc chiến liên miên ấy. Thứ hai là sự kiểm soát về kinh tế trên thế giới, chủ yếu đều thuộc về các nước tư bản giàu có, đẩy hàng tỷ người ở các nước đang và kém phát triển vào tình trạng nghèo khó, phải chạy đi lánh nạn để mưu sinh.
Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy cuối năm 2014, gần 60 triệu người đã buộc phải tị nạn và con số này nhiều gấp ba lần so với một thập niên trước đó. Tính trung bình hiện nay trên thế giới, cứ 122 người thì có 1 người phải đi tị nạn, có thể là tản cư ngay tại nước sở tại hoặc đi tị nạn ở nước khác. Điều rất đáng nói là đa số người tị nạn trên thế giới thuộc lớp người dưới 18 tuổi.
Hàng triệu người đã phải bỏ nhà cửa để đi tị nạn trong cảnh nghèo đói do chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, Syria và Libya. Cuộc khủng hoảng mới nhất, lớn nhất là ở Syria, nơi số người phải đi tị nạn tới các nước khác hiện đã lên đến hơn 4 triệu người. Rất đông trong số này đã tìm đến châu Âu bằng cách mạo hiểm vượt qua Địa Trung Hải bằng những tàu bè hết sức thô sơ và vì vậy, hàng nghìn người đã chết trên biển. Cách đây ít ngày, người ta đã phát hiện được 49 xác người di cư trên biển Địa Trung Hải, đưa tổng số người bị chết trong năm nay trên tuyến đường biển này lên hơn 2.300 người.
Theo Frontex, Cơ quan kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu (EU), 107.500 người di cư xuất phát từ Trung Đông và vùng Bắc Phi đã bị phát hiện ở các đường biên giới vào tháng 7-2015, nhiều gấp ba lần so với tháng 7-2014. Từ tháng 1-2015, khoảng 160.000 người tị nạn từ hai khu vực này đã tới các hòn đảo khác nhau của Hy Lạp, trong đó riêng tuần trước đã có hơn 20.000 người đổ về đây.
Ngoài ra, chỉ trong gần 8 tháng đầu năm nay, hơn 100.000 người đã được cứu giúp và đưa đến Italia để từ đó chờ xin tị nạn tại một số quốc gia thuộc EU. Cũng theo Liên hợp quốc, hàng triệu người tị nạn trốn khỏi Syria đang phải sống vất vưởng trong các trại tị nạn ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhìn chung, ở đâu cũng thế, những người tị nạn và người di cư thường bị các Chính phủ và các chính đảng, nơi họ kéo đến, tố cáo là những “tội phạm” hoặc những người gây ra nhiều tệ nạn ở “quê hương thứ hai.” Một quan chức phụ trách đối ngoại của EU nói: “Châu Âu không thể tự bảo vệ mình và bảo vệ mức sống của dân chúng, cũng như cơ sở hạ tầng xã hội của mình nếu phải cáng đáng hàng triệu người di cư từ châu Phi”.
Mới đây, trong một bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng hàng nghìn người tị nạn kéo đến các bờ biển của châu lục khiến người châu Âu hết sức lo ngại. Theo bà, các băng đảng phát xít - được tâm lý bài ngoại cổ súy - đã tăng cường các cuộc tấn công chống người tị nạn, gây bất an cho xã hội. Điều đáng lo ngại nữa là trong số những người tị nạn, những người Hồi giáo bị phân biệt đối xử mạnh nhất, và điều đó tiềm ẩn nhiều bất an cho các xã hội tiếp nhận người tị nạn.
Tuần qua, sau khi phải đồng ý phải tiếp nhận 200 người tị nạn Syria trong khuôn khổ một chương trình tái định cư của EU, Chính phủ Slovakia cho biết họ chỉ tiếp nhận người Cơ Đốc giáo và quyết không để người Hồi giáo nào “lọt lưới”. Điều này đang gây những lo ngại cho dân chúng nước này vì sợ bị trả thù.
Tại hội nghị cấp cao khẩn cấp được tổ chức hồi tháng 6 vừa qua về người tị nạn, các nước EU đã “phủi tay” trước cái chết của hàng nghìn người ở Địa Trung Hải. Sau đó, các nước thành viên của tổ chức này đã đồng ý tiếp nhận 40.000 người tị nạn hiện đã ở Italia và Hy Lạp đến tái định cư.
Do phải gánh chịu những hậu quả khôn lường từ làn sóng người tị nạn, EU hiện đang tập trung tối đa mọi nỗ lực vào việc tăng cường sự kiểm soát các đường biên giới. Đường biên giới phía Nam của Hungary, điểm cuối cùng của khu vực Schengen đã được dựng lên những hàng rào cao vút, luôn được canh phòng rất cẩn mật. Các hàng rào biên giới tương tự cũng đã được dựng lên ở Hy Lạp, Bulgaria, Tây Ban Nha và Anh...
Châu Âu bất lựctrước khủng hoảng
Sau thảm kịch hơn 70 người nhập cư bị chết trong chiếc xe đông lạnh tìm thấy ở Áo mới đây, báo “Le Monde” của Pháp đã đăng bài viết với tựa đề “Nhập cư: Châu Âu đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp”, trong đó nêu bật sự kiện này trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại Vienna (Áo) để bàn về tình hình ở khu vực Balkan. “Le Monde” đã trích phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel, coi thảm kịch này như một lời “cảnh cáo” đối với châu Âu.
Nhiều ý kiến cho rằng châu Âu dường như đang bất lực khi EU không đưa ra được câu trả lời sau khi phát hiện hơn 70 thi thể trong chiếc xe nói trên. Bi kịch hơn 70 người chết ngạt chiếc xe đông lạnh nói trên và hơn 76 thuyền nhân chết chìm ngoài khơi Libya cho thấy châu Âu khó lòng mà chấm dứt được cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất từ trước đến nay.
Theo tường thuật của báo “Le Monde,“ các nhà lãnh đạo châu Âu họp tại Vienna đã nói đến thảm kịch trên và đã dành một phút tưởng niệm những người đã khuất. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu - bà Federica Mogherini - đã phải thốt lên rằng: “Chúng ta không thể tiếp tục với các phút im lặng sau mỗi thảm kịch”, đồng thời khẳng định châu Âu phải có trách nhiệm bảo vệ người xin tị nạn cả về tinh thần và pháp lý. Bà Mogherini nói: “Ai cũng tuyên bố rằng châu Âu phải tìm được một cách tiếp cận chung, nhưng không ai đồng ý về phương thức hành động”.
Theo “Le Monde”, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có hơn 100.000 người vào châu Âu. Trước làn sóng này, nhiều nước châu Âu tỏ thái độ “co cụm”. Dựng tường rào ngăn dòng người nhập cư, phạt tù người vượt biên trái phép và những kẻ dẫn đường, hay thành lập đội đặc nhiệm chống mạng lưới buôn người... là những biện pháp mà chính quyền các nước Hungary, Thụy Sĩ, Đức và Italia đang hướng tới để đối phó với tình trạng người nhập cư ồ ạt.
Có thể nói, giờ đây châu Âu đang “tả xung hữu đột”. Ở phía Đông, ngoài việc sắp hoàn tất các hoạt động dựng tường rào thép gai cao 4 m, dài 175 km dọc theo biên giới Serbia, chính quyền Hungary ngày 28-8 đã trình một dự thảo luật để chống làn sóng nhập cư nghiêm trọng đang đổ vào nước này. Dự thảo luật này bao gồm 13 biện pháp, trong đó dự kiến một hình phạt 3 năm tù giam cho bất kỳ ai bị bắt quả tang đang vượt biên trái pháp vào Hungary từ Serbia.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra những hình phạt nặng nhất nhằm vào những kẻ dẫn đường cũng như thành lập “vùng trung chuyển” ở biên giới để cho những ai đã nộp đơn xin tị nạn có thời gian chờ hồ sơ được xem xét. Dự thảo luật sẽ được đưa ra tranh luận trước quốc hội nước này trong tuần tới.
Bên sườn Tây, biển Địa Trung Hải cũng chưa thể lặng sóng. Nhằm ngăn chặn làn sóng thuyền nhân, 3 quốc gia gồm Thụy Sĩ, Đức và Italia sẽ triển khai một đơn vị đặc nhiệm chung kể từ tháng 9 tới để truy tìm và triệt tiêu các mạng lưới đưa người tị nạn và thuyền nhân vào châu Âu.
Trước tình trạng trên, Liên hợp quốc kêu gọi các nước cần “làm nhiều hơn nữa” để phòng tránh những tổn thất về người. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước có một “phản ứng chính trị mang tính tập thể” nhằm đảo ngược cuộc “khủng hoảng về tinh thần đoàn kết”. Ông kêu gọi các quốc gia liên quan “mở rộng các kênh di dân an toàn và hợp pháp”.
EU hiện vẫn đang lúng túng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư bất hợp pháp khi mà phần lớn người nhập cư là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, bị đói, bị ngược đãi, bị lợi dụng. Tranh cãi cho một giải pháp được cả “lý và tình” có lẽ vẫn sẽ là bài toán khó đối với “lục địa già” vốn tồn tại nhiều bất đồng.
Hồng Phúc theo An ninh Thủ đô