Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng, nếu được quản lý tốt, Việt Nam sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khủng hoảng COVID-19.
Thành tích độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19
Đến thời điểm này, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục tàn phá y tế toàn cầu và các nền kinh tế mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến cuối tháng 12/2020, có 82,6 triệu ca nhiễm COV-19 và 1,8 triệu ca tử vong do đại dịch gây ra trên toàn cầu.
Phần lớn các quốc gia phát triển, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
|
GS. David Dapice |
Trong khi đó, Việt Nam đạt được kết quả trái ngược hoàn toàn với những diễn biến y tế và kinh tế ảm đạm nêu trên khi là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới đã thể hiện được năng lực kiểm soát bệnh dịch lây lan, đồng thời duy trì được khả năng chống chịu đáng chú ý của nền kinh tế với cú sốc COVID-19.
Với dân số gần 100 triệu người, tổng số ca nhiễm ở mức 1.454, trong đó chỉ có 35 ca tử vong kể từ đầu đại dịch.
“Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch gần như không một nước nào làm được,” Giáo sư David Dapice (Đại học Harvard) nhận xét. Thế mạnh tiềm tàng của khả năng phối hợp trong chỉ đạo của Chính phủ, sự gắn kết xã hội và ý thức bảo vệ sức khoẻ của người dân đã làm nên kì tích có một không hai này.
|
Việt Nam nằm trong vài nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong năm 2020. |
Ngược với những dự đoán quan ngại của các chuyên gia về nguy cơ suy thoái khi đại dịch mới bùng phát, kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng chống chịu tốt hơn kỳ vọng. Cho dù phải thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng 2,91%.
Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây của Việt Nam nhưng lại là thành công lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới ước tính suy giảm 4,4% trong đó GDP của Mỹ và EU giảm lần lượt là 4,3% và 8,3%.
Tại khu vực Đông Á, chỉ có 2 quốc gia khác là Trung Quốc và Myanmar có tăng trưởng dương trong năm nay.
|
Bên trong một phân xưởng lắp ráp xe hơi của Vinfast. Ảnh: VNE |
Nếu như khu vực kinh tế trong nước đã bật dậy nhanh chóng sau ba tuần cách ly toàn quốc hồi tháng 4 thì khu vực kinh tế đối ngoại – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua – đạt thành tích ngoạn mục trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19.
Không chỉ ghi nhận giá trị xuất siêu hàng hoá cao nhất từ trước đến nay, Việt Nam còn tích luỹ được một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Đây là những diễn biến khó ai có thể ngờ tới ở giai đoạn đầu của khủng hoảng COVID-19.
Tại thời điểm đó, Việt Nam được cho là có nguy cơ bị tổn thương cao trong điều kiện kinh tế toàn cầu bị suy thoái và đóng cửa biên giới.
|
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành |
“Khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh và sử dụng kịp thời, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ đã góp phần tạo nên những thành công vượt hơn mức kỳ vọng này,” chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích.
Việt Nam đã nhanh chóng sử dụng các biện pháp tài khoá mạnh tay, trong đó đẩy mạnh chương trình đầu tư công. Kết quả là tổng giải ngân đầu tư công đạt hơn ba trăm ngàn tỉ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Nền tảng để vượt lên mạnh mẽ sau khủng hoảng
“Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng qua đi. Vấn đề là chúng ta sẽ ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái như thế nào, điêu tàn hay với tâm thế đã có một số nền tảng nhất định để phục hồi nền kinh tế, giống như phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Việt Nam ví von.
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này có thể khẳng định kinh tế Việt Nam đã vượt khủng hoảng thành công với những nền tảng khá vững chắc để phục hồi nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 6,8% trong năm 2021 và ổn định xoay quanh mức 6,5% trong những năm tiếp theo
|
TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam. |
“Việt Nam đang có cơ hội nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khủng hoảng COVID-19”, Tiến sĩ Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Nhờ quản lý đại dịch xuất sắc, Việt Nam có điều kiện mở rộng dấu ấn của mình trong nền kinh tế thế giới thông qua nắm bắt được thị phần lớn hơn trên toàn cầu về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút được 23,5 tỉ USD vốn FDI, tuy thấp hơn 19,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn là thành tựu đáng chú ý khi đặt trong điều kiện tổ chức Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI vào khu vực Đông Á sẽ giảm từ 30 đến 45% trong năm 2020.
Các chuỗi giá trị toàn cầu được phục hồi sẽ đem lại cơ hội đặc thù để Việt Nam tự định vị bản thân, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế và chính phủ các nước đang tìm cách đa dạng hoá nguồn sản xuất của họ, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Động thái trên đã diễn ra trên thực tế khi một số công ty đa quốc gia hiện tại đang dịch chuyển một phần các cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, còn các doanh nghiệp mới cũng đang quan tâm và mong muốn dịch chuyển sang một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới.
Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB Việt Nam, COVID-19 còn tạo ra chất xúc tác mạnh mẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghệ số, chuyển đổi số. Nếu như trước đây, Việt Nam không thực sự hiệu quả trong việc số hoá thì từ khi khủng hoảng COVID-19 xảy ra, 2/3 công ty đã chuyển đổi hoặc chuyển hướng sang sử dụng nền tảng số.
Ngay cả Chính phủ cũng hết sức tích cực để chuyển đổi thông qua chính quyền hay chính phủ điện tử, với số lượng các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp vào Cổng Dịch vụ Quốc gia tăng 11 lần.
“Chuyển đổi số thực sự là nguồn sức mạnh mới của Việt Nam bởi nền kinh tế của ngày mai là nền kinh tế không cần tiếp xúc trực tiếp”, Tiến sĩ Morisset khẳng định.
|
TS. Vũ Thành Tự Anh: "Chuyển đổi số không hình thành nhờ những văn bản hành chính hay khẩu hiệu phong trào, mà là tư duy chuyển đổi số" |
Cải cách: “Tầm nhìn đã có”
Mặc dù Việt Nam đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá để giành cho mình một “miếng bánh lớn” trong thời kì hậu COVID-19 thì theo nhiều chuyên gia, khát vọng trở thành nước có thu nhập cao khó trở thành hiện thực nếu quốc gia không thành công trong các nỗ lực cải cách, chuyển đổi mô hình phát triển.
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, tăng trưởng dài hạn của quốc gia phụ thuộc vào năng suất và khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng suất nhưng Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong đó, lực lượng lao động đang giảm dần, Việt Nam đã vượt qua đỉnh dân số vàng (2012-2014), giai đoạn tới dân số già đi khiến tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động giảm đi.
Nếu năng suất lao động không tăng thêm để bù đắp, Việt Nam sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
“Khu vực doanh nghiệp tư nhân rất nhiều về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Nếu không cải thiện, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới không thể sáng sủa”, Tiến sĩ Tự Anh cảnh báo.
Sau 30 năm Đổi Mới, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI, chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% lao động và 24% ngân sách.
“Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI là không thể chấp nhận được nếu muốn tạo ra nội lực. Việt Nam đã rơi vào bẫy của công nghiệp chế tạo chế biến, gia công với giá trị thấp, kỹ năng thấp”. Bởi vậy, trong chiến lược đón nhận dòng FDI chuyển dịch những năm tới, Việt Nam không thể tiếp tục chấp nhận FDI bằng mọi giá mà cần chọn lựa những dự án tốt, có công nghệ cao, có sức lan toả và liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Cải cách thể chế và quản trị quốc gia, phát triển doanh nghiệp tư nhân, mở cửa và hội nhập một cách thông minh, phát triển đô thị trở thành các đầu tàu tăng trưởng là những hướng đi chiến lược cho Việt Nam để vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, theo khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright.
Việt Nam đã bước đầu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nỗ lực tạo nền móng chuyển đổi số - một hướng đi quan trọng để giúp đất nước bứt phá trong tương lai.
Tuy nhiên, “vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số không phải là đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc mà là tư duy. Chuyển đổi số không hình thành nhờ những văn bản hành chính hay khẩu hiệu phong trào, mà là tư duy chuyển đổi số”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
|
Việt Nam đã đạt mức độ tăng trưởng cao trong suốt một thập kỉ vừa qua, trừ năm Covid-19. |
Trong kì Đại hội Đảng sắp tới, dự kiến tổ chức cuối tháng 1/2021, các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ thông qua chiến lược mới cho giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo từ năm 2021 – 2030, vạch ra những ưu tiên của quốc gia trong những năm tới.
Các cấp có thẩm quyền ở Việt Nam đã nhận thức được rằng mô hình tăng trưởng cần được điều chỉnh do những thay đổi về bối cảnh trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đã có, giờ là lúc cần hành động nhanh chóng và quyết liệt, như bài học thành công trong kiểm soát COVID-19 thời gian qua.
Bởi lẽ, “không còn thời gian để tự bằng lòng với những gì đã đạt được ở Việt Nam”, Tiến sĩ Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhấn mạnh./.