|
Những nạn nhân Ấn Độ do nghèo đã phải bán đi một phần nội tạng của mình cho những kẻ buôn lậu |
14 nước châu Âu đã đi tiên phong trong việc ký kết một hiệp định quốc tế đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực chống buôn lậu nội tạng người tại Hội nghị quốc tế chống buôn bán nội tạng người, bắt đầu ngày 25-3 tại thành phố Santiago de Compostela của Tây Ban Nha. Tham gia ký vào dự luật của Hội đồng châu Âu (The Council of Europe) này gồm các quốc gia: Albania, Áo, Bỉ, Anh, CH Czech, Hy Lạp, Italia, Luxembourg, Na Uy, Moldavia, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dự luật của Hội đồng châu Âu, mọi hành vi lấy nội tạng khỏi cơ thể con người, khi còn sống cũng như khi đã chết mà không có sự cho phép của người đó, đều là bất hợp pháp. Dự luật cũng cấm kinh doanh từ hoạt động cấy ghép nội tạng. Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland cho rằng, dự luật một khi được các nước ký kết thông qua, sẽ bảo vệ được các nạn nhân của nạn buôn lậu nội tạng người, các nạn nhân có quyền đòi đền bù; đồng thời tập trung vào nỗ lực minh bạch hóa ngành ghép tạng, đảm bảo sự tiếp cận công bằng với dịch vụ này cho tất cả mọi người.
Dự luật trên được Hội đồng châu Âu thông qua trong bối cảnh buôn bán nội tạng người để phục vụ cho nhu cầu cấy ghép nội tạng đã trở thành một vấn đề nhức nhối với lục địa giàu có này. Hội đồng châu Âu cho biết mặc dù số lượng và chất lượng các ca ghép tạng đang tăng lên, nhưng vẫn có hơn 60.000 người ở châu Âu phải chờ để được ghép thận trong năm 2012.
Việc mỗi ngày có thêm 12 người ở châu Âu chờ được ghép tạng do thiếu nội tạng đã tạo ra thị trường "béo bở" cho những kẻ buôn lậu và các bác sĩ phẫu thuật bị đồng tiền làm mờ mắt. Các băng nhóm tội phạm cũng lợi dụng tình trạng thiếu nội tạng và sự chênh lệch giàu nghèo để dụ dỗ người nghèo - nhất là ở các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh - bán nội tạng của họ cho những gia đình giàu có nhu cầu ghép tạng.
Hội đồng châu Âu hy vọng dự luật ký ngày 25-3 sẽ tạo hành lang pháp lý để cảnh sát châu Âu truy bắt các băng nhóm mafia xuyên quốc gia tham gia vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp nội tạng người. Hội đồng châu Âu cho biết cũng có thể áp dụng dự luật mới đối với các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) nếu các nước đó sẵn sàng tham gia ký kết.
Dự luật được 14 quốc gia châu Âu được xem là hành động tiên phong song để tạo được chuyển biến đáng kể trong việc ngăn chặn việc buôn bán lậu nội tạng trên toàn cầu còn vô cùng gian nan bởi hoạt động này đang mang lại nguồn lợi kếch xù cho những kẻ phi nhân tính. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1 trái tim có thể được bán với giá khoảng 1,5 triệu USD trên thị trường chợ đen, tuyến tụy hoặc gan có giá gần 750.000 USD, 1 quả thận mua của nạn nhân chỉ với giá hơn 18.500 USD song được bán với giá tới khoảng 125.000 USD trên thị trường chợ đen… Trong khi đó, theo ước tính của WHO, hiện nay mỗi năm có khoảng 10.000 ca ghép tạng được thực hiện trái phép trên toàn thế giới, trong đó có sự tham gia của giới tội phạm quốc tế.
Theo: Công an Thủ đô