Chân dung nữ chủ quyền lực của NHTM Mỹ

Ngày 7/1/2014, bà Janet Yellen đã nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ, trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Janet Yellen chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ
Janet Yellen chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ

Với việc kết thúc gói QE vào tháng 10 và giúp nền kinh tế Mỹ trở lại “ngôi vương” trong năm 2014, có thể thấy Janet Yellen không phải người phụ nữ đơn giản.

Janet Louise Yellen sinh năm 1946 tại Brooklyn, Mỹ. Bố của bà là một bác sĩ gia đình làm việc tại một văn phòng còn mẹ là một giáo viên.

Có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng bà Yellen không phải là một người phụ nữ dễ lẫn vào đám đông. Năm nay 68 tuổi và sở hữu một mái tóc ngắn bạc trắng như cước, bà gây ấn tượng với người đối diện bởi ánh mắt cương trực và đôn hậu. Những người đồng nghiệp cũ ở Đại học California miêu tả bà Yellen là “một quý bà nhỏ bé với chỉ số IQ cao”. Trong mắt bạn bè, bà Yellen là một người có suy nghĩ chín chắn và mang một phong cách khiêm tốn dù có học thức và địa vị đáng nể.

Con đường học vấn đáng ghen tị

Thuở nhỏ, Yellen tốt nghiệp Trung học Fort Hamilton với danh hiệu “học bổng của lớp”. Trong những năm cuối cấp, bà được nhận vào một chương trình vinh danh khoa học tại Columbia. Bà cũng là một trong 29 học sinh giành được học bổng của trường Trung học Regents.

Bà từng là tổng biên tập của tờ The Pilot năm 1963 của trung học Fort Hamilton. Do được chọn là đại biểu học sinh lên đọc diễn văn trong ngày tốt nghiệp, bà đã từng tự viết một bài phỏng vấn bản thân cho tờ báo, trong đó miêu tả mình là “một nhân vật nhỏ bé có chút năng khiếu với sách bút.”

Sau khi tốt nghiệp tại đại học Brown, bà tiếp tục theo học và nhận bằng tiến sĩ kinh tế từ đại học Yale danh giá của nước Mỹ. Tại đây, bà được theo học James Tobin, giáo sư từng nhận giải Nobel. Những năm tháng sau này của cuộc đời, Yellen vẫn thường gọi người thầy của mình là một người hùng tri thức. Bà cũng dành 6 năm làm trợ giảng tại đại học Harvard, tuy nhiên đã không vào được biên chế.

Từ năm 1978 đến 1980, bà tiếp tục dạy học tại trường Kinh tế London và sau đó tham gia vào khoa Kinh tế của đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ. Những sinh viên tại đây vẫn còn nhớ đến bà với một sự kiên nhẫn đáng nể trong giảng dạy; bà viết tay tất cả những giáo trình dạy học của mình.

Từ năm 1980, bà Yellen nghiên cứu tại trường Haas, sau đó giảng dạy môn kinh tế vĩ mô và quản trị kinh doanh. Bà trở thành giáo sư danh dự tại trường Đại học California và trường Kinh doanh Haas.

Bắt đầu có một chỗ đứng tại Fed

Vào tháng 4/1994 bà Yellen được chỉ định trở thành một thành viên tại Ban Quản trị của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bà được một người đồng sự tại Berkeley tiến cử vào vị trí đó: nhà cố vấn kinh tế trưởng Laura D’Andrea Tyson.

Với vị trí này, bà Yellen đã đưa ra cơ sở để Fed cam kết giữ mức lạm phát ở 2% với lập luận rằng “triệt tiêu” hoàn toàn mức lạm phát sẽ đem lại hại nhiều hơn là lợi. Alan S.Blinder, phó chủ tịch của Fed lúc đó đã luôn ghi nhớ phương pháp tiếp cận của Yellen tới những khác biệt trong chính sách là “ đầy tính tranh cãi, tuy nhiên theo cách tích cực.”

Từ năm 1997 – 1999, bà Yellen đã gần tiến đến Nhà Trắng với tư cách chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Trong suốt quá trình làm việc, bà Yellen chủ trương xóa bỏ mọi phân biệt giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Bà tự miêu tả bản thân là một “nhà kinh tế thực tế, chính chuyên”. Những quan chức cho rằng mấu chốt trong con đường thăng tiến của Yellen là do tư tưởng và phong cách làm việc của bà hợp với Lawrence H.Summbers, phó tổng thư ký Kho bạc.

Năm 2004, bà trở thành chủ tịch của Ngân hàng Dự dữ Liên bang San Francisco, chịu trách nhiệm của 9 bang phía tây Rockies, bà Yellen đã có công giúp ngân hàng này thoát khỏi khủng hoảng và ở vị trí này trong liên tục 6 năm tiếp theo.

Tiên đoán được cuộc khủng hoảng năm 2008 và hết lòng với gói QE định mệnh

Ben S. Bernake (giữa), cựu chủ tịch Fed - người tiền nhiệm của bà Yellen

Năm 2005, bà Yellen cũng là một trong những nhà hoạch định chính sách đầu tiên tiên liệu được cuộc khủng hoảng bong bóng bất động sản năm 2008 của Mỹ. Phát biểu tại hội nghị chính sách của Fed tháng 9/2006, bà Yellen cho rằng: “tốc độ giảm sút của các hoạt động giao dịch bất động sản và giá nhà ở liên tiếp sẽ còn khiến chúng ta phải ngạc nhiên,”. Tuy nhiên bà cũng cho rằng vấn đề của thị trường bất động sản sẽ không đem đến những hệ lụy quá lớn.

Tháng 9/2007, Yellen và hai giới chức kỳ cựu của Fed cho rằng sự hỗ loạn của thị trường nhà đất và cho vay bất động sản đã đe dọa đến toàn bộ nền kinh tế. Bà dự đoán trong phát biểu của mình rằng giá nhà đất suy giảm sẽ tiếp tục đặt “áp lực lớn” lên chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ bấy giờ. Tại một cuộc họp của Fed cuối tháng, bà cho rằng Fed nên “đi trước đón đầu”, không thể chờ điều này gây ra một cú sốc tài chính, ảnh hưởng đến tăng trưởng  nhất là sau khi thấy được những nguy hại của vấn đề này lên chi tiêu.

Tháng 10/2008 nhiều tuần sau khi ngân hàng lỗi lạc Lehman Brothers rơi vào đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính, bà Yellen là giới chức đầu tiên của Fed cho rằng quốc gia này đã thực sự lâm vào suy thoái.

Bà Yellen cũng chính là người luôn ủng hộ những nỗ lực của Bernanke, chủ tịch Fed lúc bấy giờ nhằm kích thích nền kinh tế. Vào tháng 1/2009, bà cảnh báo nền kinh tế sẽ đối mặt với “ một giai đoạn giảm phát dài” và bổ sung “sự suy thoái hiện tại sẽ còn kéo dài với ảnh hưởng sâu rộng” chứ không phải một cuộc suy thoái “thoáng qua” mà GDP của Mỹ có thể nhanh chóng phục hồi.

Tháng 3/2009, Yellen là người ủng hộ việc mở rộng chương trình kích thích, mua lại trái phiếu của Fed vốn vẫn được biết tới là gói QE. Bà nói: “tôi tin rằng những vấn đề hiện nay của nền kinh tế Mỹ cần phải dùng mọi công cụ có thể để cứu vãn, bao gồm việc mua trái phiếu chính phủ, nợ của các doanh nghiệp, chứng khoán đảm bảo bởi doanh nghiệp được thực hiện cùng với chương trình cho vay – liên kết với Kho Bạc- để tạo ra một thị trường tín dụng tư rộng mở.”

Dưới 1 người, trên triệu người

Tháng 4/2010, bà Yellen được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, chức vụ cao thứ 2 trong hệ thống NHTW Mỹ.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau với vị trí này, bà Yellen công nhận chính sách tiền tệ nới lỏng giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích nền kinh tế mà Fed đã duy trì suốt 2 năm qua có thể “xây dựng một sự tích lũy nhờ đòn bẩy và gây ra những rủi ro khôn lường cho hệ thống tài chính Mỹ.” Tuy nhiên bà không cho rằng những rủi ro đó có thể ngăn Fed tiếp tục chương trình mua lại nợ chính phủ.

Bảo vệ gói QE 2

Năm 2011, kế hoạch mua 600 tỉ USD chứng khoán Kho bạc để kích thích nền kinh tế phục hồi hay còn được biết đến là gói QE 2 đã bị dư luận lên tiếng phản đối vì nghi ngờ tính hiệu quả.

Bà Yellen khi đó với tư cách là phó chủ tịch của Fed đã lên tiếng hết lòng ủng hộ và bảo về để gói kích thích này: “QE không phải là thuốc chữa bách bệnh, tuy nhiên tôi tin vào sự hiệu quả của nó trong việc đẩy mạnh khu vực việc làm và góp phần bình ổn giá.”

Tháng 1/2012 lần đầu tiên Fed công bố thông báo về mục tiêu dài hạn và cam kết sẽ duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức 2%/năm. Fed cũng cam kết hạn chế tối đa tỉ lệ thất nghiệp. Lúc đó, Yellen là người dẫn đầu soạn thảo ra bản thông báo quan trọng này, thể hiện rằng bà và chủ tịch bấy giờ ông Bernanke mong muốn tăng cường sức mạnh của những chính sách Fed áp dụng bằng cách làm rõ về mục tiêu của chúng.

Từng được hỏi rằng lĩnh vực chuyên môn kinh tế hay các vị trí chốt yếu của NHTW Mỹ liệu có ghế dành cho những người phụ nữ, bà Yellen cho rằng “đó là xu hướng mà chúng ta sẽ thấy trong tương lai”.

Nữ chủ đầu tiên của Fed trong lịch sử 100 năm

Tháng 7/2013, sau khi tổng thống Obama tỏ ý rằng Bernanke sẽ không được tái bổ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ, ông Summers Bernanke đã thông báo danh tính những ứng cử viên tiềm năng được Nhà Trắng chú ý. Tuy nhiên danh sách ông đưa ra nhanh chóng tạo ra sự bất đồng trong nội bộ Capitol Hill. 1/3 trong tổng số 54 thành viên Thượng nghị viện Đảng Dân chủ đã gửi một lá thư kín kêu gọi ông Obama chọn bà Yellen vào vị trí đó.

Ông Bernanke sau đó đã rút khỏi vị trí chủ tịch của Fed, để lại Yellen với vị trí là ứng cử viên lý tưởng do vị trí trống.

Ngày 9/10/2013 tổng thống Obama chỉ định Janet L. Yellen là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nắm giữ vị trí chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Ông gọi bà Yellen là “ một trong những nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách lỗi lạc nhất nước Mỹ.”

Ngày 21/11/2013, Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu phê chuẩn bà Janet Yellen làm Chủ tịch FED với 14 phiếu thuận và 8 phiếu chống. Đây là bước đệm quan trọng đưa Phó chủ tịch đương nhiệm Yellen tiến gần hơn tới chiếc ghế lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ.

Ngày 7/1/2014 với tỷ lệ 56 phiếu thuận và 26 phiếu chống, bà Janet Yellen đã nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ, trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Với tư cách chủ tịch, bà Yellen lúc đó phải đối diện với những nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi cuộc khủng hoảng tài chính đang trong hồi gay cấn nhất và những biện pháp của Fed cũng như hiệu quả của gói QE để vực lại nền kinh tế đang bị dư luận nghi ngờ. Lúc đó Fed thông báo kế hoạch cắt giảm mức tiền mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán đảm bảo bởi tài sản cầm cố từ 85 triệu USD xuống còn 75  triệu vào tháng 1/2014.

Janet L.Yellen đã có một lễ nhận chức lặng lẽ tại trung tâm phòng họp của NHTW Mỹ, cùng ngày người tiền nhiệm của bà, ông Ben Summers Bernanke bắt đầu công việc mới với tư cách là nhà nghiên cứu kinh tế tại học viện Brookings.

Năm đầu tiên đương nhiệm - kết thúc gói QE tốt đẹp

Dưới sự lãnh đạo của nữ chủ đầu tiên, Fed đã mở rộng chương trình kích thích bao gồm 3 gói QE từ năm 2008-2014 một cách hiệu quả. Việc hoàn thành gói QE là nhờ sự kiên định của Fed trong việc thực hiện dù có những thời điểm tỉ lệ thất nghiệp không giảm nhanh như mong đợi và nhiều người nghi ngại tính hiệu quả của chương trình này.

Đồng thời, Yellen cũng cho thấy chi phí lãi vay thấp không thể giải quyết được mọi vấn đề khiến người Mỹ không thể tìm được việc và đó là nguyên nhân bà không kiểm nghiệm liệu lạm phát cao hơn có khiến tăng trưởng hồi phục.

Theo cách tiếp cận truyền thống này, bà Yellen đã tiếp tục duy trì con đường người tiền nhiệm Ben S.Bernanke  tuy nhiên giới chức Fed và những chuyên gia bên ngoài đều cho rằng người nữ chủ có khả năng hoạch định con đường một cách quyết đoán hơn.

Khi bà Yellen nắm quyền vào tháng 2, những chính sách của Fed chủ yếu hướng đến tỉ lệ thất nghiệp. Fed đã tuyên bố ý định giữ mức lãi suất cơ bản tiệm cận 0 nếu tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 6,5%.

Khi tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới mức đó sau 2 tháng, Fed đã tiếp tục quyết định giữ mức lãi suất trong một “thời gian khá dài” đến tận khi kết thúc chương trình vào tháng 10/2014. Với mỗi bước thay đổi, bà Yellen đều có thái độ kiên quyết và thị trường chấp nhận lịch trình thực hiện QE không thay đổi.

“Một điểm sáng trong năm thứ nhất của bà Yellen với tư cách chủ tịch của Fed là cách bà khéo léo điều khiển qua việc truyền đạt lại những chỉ dẫn của mình. Tôi nghĩ đó là một công việc không hề dễ dàng” – một đồng sự của bà cho hay.

Bà Yellen luôn tôn trọng sự dân chủ. Bà tham gia rất nhiều cuộc họp lớn với lãnh đạo các phòng ban trước khi mỗi cuộc họp của Hội đồng Thị trường Mở Liên bang diễn ra. Cuộc họp này có mục đích đưa ra các chiến lược tiền tệ, thường là một loạt 8 cuộc họp trải dài suốt năm.

Trong khi cựu chủ tịch Fed, Alan Greenspan thường phát biểu trước để đưa ra khung của cuộc thảo luận; bà Yellen đã theo chân người tiền nhiệm, chọn cách phát biểu sau cùng các đại biểu và tóm tắt lại cuộc họp.

Richard W.Fisher, chủ tịch Fed thành phố Dallas cho rằng cả ông Bernake và bà Yellen đều lắng nghe cẩn thận những ý kiến của các thành viên hệ thống NHTW Mỹ nhưng điều khác biệt là bà Yellen đã đưa ra được những điều chỉnh quyết định bổ sung cho ý kiến của ông.

Một điều khác biệt nữa trong cách lãnh đạo của bà Yellen là việc bà luôn dành thời gian với những người lao động Mỹ và hiểu được vấn đề của họ.

Vào tháng 10 năm ngoái bà đã đến thăm một trung tâm dạy nghề tại Boston, vẫy tay với trẻ con tại đó và chụp ảnh cùng với những người lao động. Ngày tiếp theo, bà đưa ra một phát biểu nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc mất cân bằng trong thu nhập. Tháng trước, bà cũng mời một nhóm nhân công và các nhà hoạt động cộng đồng gặp mặt và nói chuyện trong một phòng họp tại Fed.

Có thể nói bà Yellen luôn tin vào việc khắc phục nạn thất nghiệp phải được chú trọng không kém gì lạm phát.

Kết: có thể nói năm 2014 là năm đầu tiên của bà Yellen với tư cách chủ tịch NHTW Mỹ Fed và cũng là năm kết thúc gói QE định mệnh với nước Mỹ. Tuy nhiên đến giờ phút này có thể nói nước Mỹ cách đây 4 năm khi chính thức lâm vào cuộc khủng hoảng và tới bây giờ đã có một diện mạo hoàn toàn mới.

Những chính sách của bà Janet Yellen, nữ chủ tịch đầu tiên của Fed, vẫn chưa được định hình một cách hoàn toàn rõ ràng nhưng chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn ở người phụ nữ này sau khi chứng kiến những gì bà đã làm cho nền kinh tế Mỹ. Nhất là trong giữa năm 2015, Fed rất có thể sẽ nâng mức lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ. Điều đó không những là một bước đi lớn với Mỹ mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu vậy nên cả thế giới sẽ còn phải dõi theo từng đường đi nước bước của người phụ nữ quyền lực này.

Theo: An ninh tiền tệ