|
Metaverse, tương lai hay trào lưu nhất thời |
Một thống kê của Bloomberg vừa được thực hiện cuối năm 2021 cho thấy, trong tương lai Metaverse có thể hình thành một ngành công nghiệp có quy mô 12.500 tỉ USD.
Với một miếng bánh khổng lồ như vậy thì không một doanh nghiệp nào muốn mình là kẻ chậm chân. Các ông lớn công nghệ thế giới hiện nay đều có bộ phận nghiên cứu phát triển Metaverse.
Facebook – công ty khởi xướng Metaverse đã đầu tư 2 tỉ USD cho bộ phận sản xuất kính thực tế ảo và có khoảng 10.000 nhân viên làm việc trong dự án Metaverse.
Barbados, một quốc đảo nhỏ khu vực Caribbean, đã công bố kế hoạch lập một "đại sứ quán ảo" đầu tiên trên thế giới trên nền tảng đất ảo Decentraland vào năm 2023.
Rõ ràng, Metaverse sẽ là cách thức tương tác mới của người dùng Internet, thay thế cho các hình thức tương tác nhàm chán hiện tại.
Tại Hội nghị Blockchain Toàn cầu vừa diễn ra tại Hà Nội, các diễn giả đã có một phiên thảo luận với chủ đề: “Metaverse là tương lai hay chỉ là mánh khóe nhất thời”. Hầu hết các diễn giả đều cho rằng Metaverse sẽ là công nghệ chủ đạo trong tương lai gần.
Bên lề sự kiện này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông William Do – Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành Hobbit Investment. Ông Do có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương hiệu khởi nghiệp, growth hacking, phát triển dự án, gọi vốn. Ông có 2 năm kinh nghiệm trên thị trường tiền mã hóa.
Ông Do đã làm việc với rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và đã đầu tư vào một số dự án Blockchain có yếu tố Metaverse.
|
Video ông William Do trao đổi với VietTimes |
- PV VietTimes: Metaverse đang phát triển như thế nào trên thế giới, thưa ông?
Ông William Do: Theo hiểu biết của tôi, cột mốc khiến cho Metaverse trở thành một từ khóa khiến nhiều người biết đến như vậy là từ khi Facebook đổi tên thành Meta. Chính những người sử dụng mạng xã hội Facebook biết tới điều này đầu tiên.
Theo tôi đây là một “chiêu” của ông Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook. Ông ta đã sử dụng động thái đổi tên này để chứng thực rằng Metaverse không chỉ là một xu thế, mà nó sẽ trở thành tương lai của ngành công nghệ.
Nếu như ở Facebook, chúng ta sử dụng điện thoại để tương tác với người khác, thì ở Metaverse chúng ta có thể không dùng điện thoại nữa. Chúng ta sẽ tương tác với nhau, nhìn vào nhau qua một thế giới khác – thế giới ảo – một thế giới không phải qua màn hình điện thoại, không phải qua tin nhắn hay video call. Metaverse sẽ dần dần trở thành một thứ bình thường mới của mạng xã hội ngày nay.
- Rõ ràng ông Mark Zuckerberg đã đặt cược rất nhiều vào Metaverse. Tập đoàn Meta cũng đang nghiên cứu các thiết bị và hệ sinh thái để chiếm lĩnh thị trường. Các công ty khác dường như cũng nắm bắt được xu thế này khi họ tạo ra các bất động sản ảo trên Metaverse và bán chúng, hoặc tạo các sự kiện thực tế ảo. Gần đây nhất, khi ra mắt mẫu điện thoại Galaxy S22, Samsung cũng đã tổ chức một sự kiện ảo để mọi người có thể tham gia. Liệu trong 10 năm tới, xu thế này có trở thành thực tiễn không?
Theo tôi, xu thế này sẽ trở thành thực tiễn qua những gì mà chúng ta đang tưởng tượng bây giờ. Bản thân khi Facebook đổi tên thành Meta, họ đã tạo được một làn sóng đón nhận từ phía người dùng. Khi người dùng hiểu Metaverse là gì, họ sẽ có những hành động – dù nhỏ thôi nhưng dần dần theo thời gian kiểu “kiến tha lâu đầy tổ” – sẽ trở thành những hành động lớn hơn. Từ hành động sẽ hình thành những dịch vụ, công nghệ về Metaverse. Chúng ta có thể tạo ra các sự kiện, có thể hoạt động đội nhóm nhưng không gặp mặt trực tiếp mà qua thế giới Metaverse.
|
Để chuyển từ một thứ có tính xu hướng sang một thực tiễn bền vững, Meta đang cố gắng hướng 2 tỉ người dùng đến nền tảng mới của họ. Không chỉ có Meta mà Microsoft cũng đã tạo ra công nghệ và thiết bị để đưa người dùng vào thế giới Metaverse (kính thực tế ảo tăng cường HoloLens - PV).
Hai ông lớn Meta và Microsoft mặc dù không làm việc với nhau trực tiếp nhưng họ đã gián tiếp tạo nên một hệ sinh thái mà người dùng sẽ dần dần thâm nhập và trở thành một phần của nó. Đây là động thái rất rõ ràng của các ông lớn công nghệ.
Không chỉ tự phát triển Metaverse, các ông lớn này còn kêu gọi những người khởi nghiệp trẻ tuổi tham gia vào các dự án hỗ trợ hệ sinh thái Metaverse, tạo ra những sản phẩm dựa trên Trí tuệ nhân tạo, Thực tế ảo, Thực tế tăng cường để biến thế giới Metaverse thành hiện thực.
- Facebook rất quen thuộc với người dùng Việt Nam. Theo một thống kê vào tháng 8 năm 2021 thì Việt Nam có khoảng 90 triệu tài khoản người dùng Facebook, đứng thứ 7 trên toàn thế giới. Theo ông có cơ hội nào để Metaverse thâm nhập vào Việt Nam và có cơ hội nào để các công ty Việt Nam có thể cung cấp các dịch vụ dựa trên Metaverse?
Tôi nghĩ người Việt Nam rất thông minh và nhanh nhạy. Bản thân tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, khi quay lại Việt Nam tôi thấy rất bất ngờ. Các bạn trẻ Việt Nam bây giờ rất cởi mở, họ có thể đón nhận công nghệ rất nhanh.
Chẳng hạn như công nghệ Blockchain, Việt Nam chúng ta là một trong những nước đã nắm bắt, tìm hiểu cũng như ứng dụng công nghệ Blockchain này mạnh mẽ nhất thế giới.
Khi mà Metaverse trở thành một thứ hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta thì tôi tin rằng Việt Nam có những cách riêng để thâm nhập vào thị trường này. Người trẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Họ có thể kết hợp công nghệ Blockchain với Metaverse để tạo ra các dự án có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như cộng đồng người Việt, biến nền kinh tế Việt Nam thành một mảnh đất màu mỡ để thu hút những cơ hội mới.
Cá nhân tôi là một nhà đầu tư vào một vài dự án của Việt Nam sử dụng công nghệ Blockchain cũng như có yếu tố Metaverse. Ở dự án game Fota mà tôi đang đầu tư, tôi cảm nhận được sự đón nhận từ người dùng thế giới rất mạnh mẽ. Sau thành công của “người anh lớn” Axie Infinity, thế giới tỏ ra tin tưởng vào các dự án của người Việt Nam, mặc dù có những dự án có dấu hiệu không làm đúng cam kết. Tuy nhiên, những dự án chất lượng vẫn có, vẫn đang tồn tại.
Cái hay ở dự án game Fota là dựa trên công nghệ Blockchain kết hợp với Metaverse thông qua kính HoloLens của Microsoft, mang trải nghiệm người chơi lên một tầm cao mới, tạo ra một thế giới game vui, lạ. Các game thủ có thể cảm nhận được trải nghiệm mà họ từng thấy trên phim, từng đọc trên truyện mà không ngờ có một ngày họ được trải nghiệm trên thực tế. Đây là cái mà tôi nghĩ người Việt Nam đang làm rất tốt.
|
Game Fota hỗ trợ kính HoloLens mang đến trải nghiệm Metaverse rất thích thú cho người chơi |
- Có những khó khăn nào khi người dùng tiếp cận với Metaverse không thưa ông? Có một vấn đề là những thiết bị dành cho Blockchain hay Metaverse thì khá là đắt tiền.
Đúng là có rất nhiều khó khăn. Mặc dù trong lĩnh vực Blockchain chúng ta là quốc gia phát triển rất mạnh mẽ về việc tìm hiểu và nắm bắt, tuy nhiên nói về bề dày thành tích, kỹ thuật, chuyên môn thì chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước đã phát triển. Để thu hẹp khoảng cách đó, chúng ta cần sự hỗ trợ của nhà nước, của các chuyên gia nước ngoài. Kỹ thuật và công nghệ là hai yếu tố giúp chúng ta có thể vươn mình, xử lý những khó khăn hiện tại.
Vấn đề thứ hai mà tôi muốn trả lời cho câu hỏi của anh là khả năng chi trả cho các thiết bị Metaverse đắt tiền. Chúng ta từng chứng kiến người Việt xếp hàng dài để mua những chiếc iPhone trị giá 30-40 triệu đồng, thì việc chi trả cho một thiết bị mang tới những trải nghiệm mới không phải quá khó. Tôi tin là người Việt không ngại để chi số tiền đó.
-Câu hỏi cuối cùng, ông đánh giá thế nào về những rủi ro trong thế giới Metaverse. Liệu có sự giả mạo danh tính hay rò rỉ dữ liệu cá nhân hay không, bởi chính Facebook – cha đẻ của Metaverse cũng đã có những vụ rò rỉ dữ liệu gây chấn động như vụ Cambridge Analytica với hơn 80 triệu dữ liệu người dùng bị bán cho bên thứ ba?
Theo góc nhìn và quan điểm của tôi thì rủi ro danh tính và rò rỉ thông tin là có thực. Những dự án Metaverse chất lượng phải nhận thức được điều này đầu tiên và họ phải xây dựng được hệ thống về bảo mật để bảo vệ dữ liệu người dùng.
Khi tôi khi đầu tư vào một dự án bất kỳ có áp dụng công nghệ Blockchain cũng như có yếu tố Metaverse, tôi phải thực hiện rất nhiều vòng thẩm định. Đầu tiên là thẩm định con người, xem họ có khả năng bán dữ liệu khách hàng cho bên thứ ba hay không. Nếu con người tham lam, chắc chắn họ sẽ bán dữ liệu. Nếu họ là người đam mê công việc và có đạo đức, thì phần trăm khả năng họ mang bán dữ liệu là rất thấp.
Các nhà đầu tư cần tỉnh táo để đầu tư vào các dự án có chất lượng, có đạo đức, có nhiều vòng thẩm định để có thể bảo vệ họ với số tiền mà họ bỏ ra, cũng như bảo vệ người dùng.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này và chúc cho các dự án đầu tư của Hobbit Investment trong lĩnh vực game, Blockchain và Metaverse thành công!