CEO Apple Tim Cook toan tính điều gì khi bất ngờ sang Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Rõ ràng, ông Tim Cook sang Việt Nam không phải chỉ để uống cafe trứng, cắn hạt hướng dương và tán gẫu với 2 mẹ con ca sĩ Mỹ Linh, Mỹ Anh.

Ông Tim Cook ăn sáng với ca sĩ Mỹ Linh và Mỹ Anh
Ông Tim Cook ăn sáng với ca sĩ Mỹ Linh và Mỹ Anh

Ông Tim Cook đã bất ngờ bay tới Việt Nam bằng máy bay cá nhân vào sáng 16/4. Ngay sau khi tới Việt Nam, ông đã có một số hoạt động như thưởng thức cà phê trứng, tham quan Hồ Gươm. Trang web của Apple thông tin chuyến thăm của ông sẽ kéo dài 2 ngày, trong đó ông sẽ gặp gỡ một số lập trình viên, sinh viên và nhà sáng tạo nội dung.

Chuyến đi của ông Cook tới Việt Nam diễn ra ngay sau khi có thông tin số lượng iPhone bán ra trong 3 tháng đầu năm 2024 trên toàn cầu giảm 10%, khiến Apple để mất vị trí số 1 vào tay Samsung, với thị phần tương là 17,3% và 20,8%.

Tim Cook đã thể hiện tình yêu với Việt Nam bằng 2 đoạn tweet trên mạng xã hội X. Trong tweet đầu tiên, ông đăng lời chào Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của mẹ con ca sĩ Mỹ Linh, Mỹ Anh qua bữa ăn sáng và tách cafe trứng. Ông nói rằng mình rất thích cafe trứng.

Trong tweet thứ hai, ông khen ngợi vẻ đẹp mang tính biểu tượng của Hồ Gươm và sự thông minh của một nhà sáng tạo nội dung khi sử dụng chế độ Cinematic Mode trên iPhone để quay video. (Người được ông Cook nói đến là một reviewer của Schannel có tên là Duy Thẩm, tên thật là Ngô Đức Duy).

Tim Cook và Duy Tham.jpg
Ông Tim Cook chụp ảnh lưu niệm với reviewer Duy Thẩm

Tweet thứ ba, ông Cook khen ngợi studio Nirvana khi sử dụng kết hợp iPhone, iPad và Macbook để tạo ra những hình ảnh độc đáo.

Nhìn qua thì thấy ông Cook dường như tới Việt Nam chỉ để tán gẫu với một số nhà sáng tạo nội dung và nhà lập trình ứng dụng iOS. Nhưng nếu quả thật như vậy thì quá lãng phí đối với một doanh nhân mà thời gian tính bằng vàng bạc.

Mục đích đằng sau chuyến thăm này, không khó để nhận ra, là để tìm kiếm sự hiện diện ngày một lớn hơn của Apple ở Việt Nam. Apple hiện coi Việt Nam là một điểm đến lý tưởng cho kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như là một thị trường tiềm năng để tiêu thụ các sản phẩm mang logo táo khuyết.

"Việt Nam quan trọng với Apple không chỉ vì số lượng người hâm mộ sản phẩm ngày càng tăng, mà còn vì hãng này đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc để phòng ngừa rủi ro", ông Brian Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng của IDC, cho biết.

Kể từ năm 2020, Apple bắt đầu cảm thấy "khó thở" tại thị trường Trung Quốc khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tìm cách vây hãm các công ty công nghệ Trung Quốc, mở màn cho một cuộc chiến thương mại. Hơn nữa, đại dịch Covid giống như một nhát dao cứa thêm vào nỗi đau của Apple tại Trung Quốc, khi những lệnh phong tỏa liên tiếp đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Tình trạng bất ổn của một số công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone ở Liêu Ninh khiến Apple phải nhìn ngó sang các quốc gia xung quanh.

Hiện nay, các đối tác sản xuất thiết bị cho Apple như Foxconn, Luxshare, Compal và GoerTek đều đang hiện diện hoặc đang mở rộng công xưởng tại Việt Nam. Ước tính các công ty này đang vận hành 32 nhà máy, sử dụng hơn 160.000 lao động Việt Nam.

Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia được Apple lựa chọn để đặt các công xưởng sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ là nơi sản xuất khoảng 1/7 số lượng iPhone của hãng, thì Việt Nam là địa điểm quan trọng để sản xuất Macbook, iPad và Apple Watch. Tháng 12 năm ngoái, hãng Nikkei đưa tin Apple đã chuyển một số nguồn lực kỹ thuật quan trọng sang Việt Nam.

Tim Cook Ho Guom.jpg
CEO Apple dạo bước quanh Hồ Gươm

Tờ JPMorgan ước tính sản lượng iPad được sản xuất tại Việt Nam chiếm 20% sản lượng toàn cầu, Macbook chiếm 5%, Apple Watch chiếm 20% và AirPods chiếm 65%.

Không chỉ có thế, người tiêu dùng Việt Nam cũng rất ưa chuộng sản phẩm của Apple. Thị phần sản phẩm của Apple tại Việt Nam đã âm thầm leo lên vị trí thứ 3 sau Oppo và Samsung.

Tháng 9 năm ngoái, trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Apple đã nói với Thủ tướng rằng "Việt Nam là thị trường và khu vực sản xuất rất quan trọng với Apple".

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tim Cook, phía Apple cũng phát hành một thông cáo báo chí cho biết họ đã chi gần 400.000 tỉ đồng (khoảng 16 tỉ USD) kể từ năm 2019 cho các dự án về giáo dục và nước sạch tại Việt Nam.

“Từ việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương đến việc hỗ trợ các dự án nước sạch và các cơ hội giáo dục, chúng tôi cam kết tiếp tục tăng cường kết nối tại Việt Nam”, ông Cook tuyên bố.

Việc CEO Apple Tim Cook tới Việt Nam là một "chỉ dấu ngầm" cho thấy sự thăng hạng của Việt Nam trong chính sách của Apple. Tháng 5 năm ngoái, Apple đã mở cửa hàng online tại Việt Nam, cho phép người sử dụng mua sản phẩm của Apple dễ dàng hơn. Việt Nam là quốc gia thứ sáu tại Đông Nam Á mà “Táo khuyết” mở Apple Store trực tuyến, sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Tháng 10 năm ngoái, một nguồn tin cho biết Apple cân nhắc nâng cấp thị trường Việt từ số 4 lên số 2. Tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.