CDC Hà Nội: Gia hạn cách ly y tế là cần thiết đối với những khu vực dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

VietTimes – Trao đổi với VietTimes về quyết định của UBND quận Đống Đa liên quan việc gia hạn cách ly y tế đối với nhiều khu vực, trong đó có phường Thổ Quan, lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết việc làm này là cần thiết.
UBND quận Đống Đa (Hà Nội) – quyết định gia hạn cách ly y tế đến 19h ngày 27/8/2021 đối với nhiều khu vực dân cư.

Liên quan việc người dân ngõ Trung Tả, phường Thổ Quan (Đống Đa - Hà Nội) phản ánh việc chính quyền quận gia hạn cách ly y tế đối với nhiều khu dân cư tại đây trong bối cảnh nơi này không còn F0, không có F1, F2, đã xét nghiệm 2 lần âm tính và cách ly 2 tuần, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, hiện nay, quận Đống Đa đang là một trong những khu vực nóng nhất về diễn biến dịch COVID-19 của Hà Nội, khi liên tục ghi nhận những ca cộng đồng tại các khu dân cư thuộc địa bàn này.

“Số F0 tại khu vực Văn Chương, Văn Miếu – nơi rất gần với địa bàn ngõ Trung Tả, phường Thổ Quan, được phát hiện qua xét nghiệm người ho, sốt và trường hợp liên quan gia tăng nhanh. Nhiều ca bệnh trong cộng đồng không có nguồn gốc, không có yếu tố dịch tễ, chỉ có thể phát hiện thông qua xét nghiệm” – lãnh đạo CDC Hà Nội thông tin.

Về nguyên tắc, cần thực hiện phong toả đối với khu vực có ca bệnh, nhưng với tình hình diễn biến dịch rất phức tạp, nhiều nguy cơ như thực tế đang diễn ra tại địa bàn quận Đống Đa hiện nay thì cần phải thực hiện phong toả diện rộng, thay vì chỉ phong toả diện hẹp như trước đây.

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, địa bàn Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa), Thọ Am, khu vực Hai Bà Trung giáp Hoàng Mai được đánh giá là một trong những nơi trọng điểm, có nhiều ổ dịch nhỏ, nhiều bệnh nhân và có nguy cơ bùng thêm các ổ dịch khác nữa.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ bài viết Không còn F0, không F1, F2, xét nghiệm âm tính, phong toả đủ thời gian: Vẫn cần tiếp tục cách ly? đại diện UBND quận Đống Đa cho biết đã về khu vực ngõ Trung Tả để nắm bắt tình hình và có ý kiến chỉ đạo để các ban ngành đoàn thể, phường vào cuộc hỗ trợ người dân về việc cung cấp nhu yếu phẩm.

Người dân có thể trực tiếp phản ánh thông tin, đóng góp, "hiến kế" cho chính quyền quận qua kênh Zalo “UBND Quận Đống Đa” hoặc đường dây nóng của quận. Các kênh này đều có cán bộ trực 24/7 để tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin tới nhân dân.

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch, Hà Nội đang tăng cường các điểm chốt chặn, để hạn chế tối đa sự đi lại của người dân, tránh nguy cơ mang mầm bệnh phát tán khắp nơi. Cùng với đó, lực lượng chức năng đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm trên toàn địa bàn thành phố ở những khu vực có nguy cơ cao, đối tượng có nguy cơ cao.

Theo kế hoạch, đối tượng lấy mẫu bao gồm: Người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao, nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó có nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh: Người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp…

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cùng với các quận, huyện đánh giá nguy cơ ở các địa bàn chia theo 3 khu vực: khu vực đỏ (nguy cơ cao nhất trong vùng phong tỏa), khu vực vàng (nguy cơ cao) và khu vực khác (có nguy cơ).

Dự kiến số lượng mẫu khu vực nguy cơ là 186.000, số lượng người nguy cơ là 114.000, tổng số lượng mẫu là 300.000.