Cầu Hàm Rồng bị đánh sập như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mùng 3, 4 - 4 - 1965 - vậy là đã 57 năm sự kiện trận đầu quân dân Hàm Rồng Thanh Hóa đánh thắng cuộc tập kích ồ ạt của không quân Mỹ...
Cầu đường sắt Hàm Rồng bắc qua sông Mã nhìn từ triền núi bờ Nam.
Cầu đường sắt Hàm Rồng bắc qua sông Mã nhìn từ triền núi bờ Nam.

Trong 2 ngày, 3, 4 tháng 4-1965 đã bắn rơi 47 máy bay phản lực Hoa Kỳ.

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến đầu năm 1946, ta đã chủ động phá hủy cầu này. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.

Hai cuộc chiến tranh phá hoại (1965-1966 và 1971-1972) không quân Mỹ đã dội xuống khu vực cầu Hàm Rồng tới 71.500 tấn bom đạn, trong đó có 425 quả bom nổ chậm, hơn 500 quả tên lửa và hàng trăm quả bom bi mẹ; quân dân Hàm Rồng cũng đã bắn hạ 117 máy bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ.

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa.

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa.

Kẻ địch hiểm ác đã dùng trăm phương ngàn kể phá cầu. Trong đó đã dùng đến cả loại bom - thủy lôi đặc biệt gọi là bom nổi (ta đã vô hiệu loại bom này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bộ Tư lệnh Công binh) nhưng cũng bó tay.

Nhưng đến tháng 10 năm 1972 thì sao?

Năm mươi bảy năm đã qua. Bài viết này như một thứ giải mật một trong những tráng ca bi hùng của Hàm Rồng.

Trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng từ những ngày đầu ác liệt có hai người lính xứ Thanh. Họ trong đội hình Đại đội 4, Trung đoàn 66 Phòng không đơn vị Anh hùng LLVT. Đó là chính trị viên Lê Xuân Giang và pháo thủ Lê Văn Tĩnh. Lê Văn Tĩnh đã từng nắn nót kẻ trên mâm pháo dòng chữ sơn trắng: Thà gục trên mâm pháo quyết không rời trận địa.

Hai người lính ấy sau này đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Lê Văn Tĩnh với bút danh Từ Nguyên Tĩnh và Lê Xuân Giang từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Xứ Thanh.

Lê Xuân Giang từng bộc bạch chỉ riêng hàm Rồng Nam Ngạn viết cả đời cũng không hết. Quả thực Lê Xuân Giang và từ Nguyên Tĩnh đã có những tác phẩm (Ký, tiểu thuyết, thơ) về Hàm Rồng từng đoạt Giải thưởng của Hội nhà văn và Bộ Quốc phòng.

Có người tiếc: "Giá chiếc cầu trong chiến tranh còn đến hôm nay, có thể coi đó là một di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng".

Có người tiếc: "Giá chiếc cầu trong chiến tranh còn đến hôm nay, có thể coi đó là một di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng".

Được hai anh cho phép, tôi xin trích hồi ức của hai nhà văn viết chung về những ngày Hàm Rồng ác liệt. Trong đó có cái thời khắc bi thương về cây cầu Hàm Rồng.

… Chiều ngày 6 tháng Mười năm 1972, địch đánh sập cầu Hàm Rồng.

Sau này nhiều người lấy làm tiếc rằng, đã giữ cầu được bảy năm rưỡi, chỉ còn ba tháng mười ngày nữa là hết chiến tranh mà không cố giữ cho bằng được. Có người tiếc rẻ: "Giá chiếc cầu trong chiến tranh còn đến hôm nay, có thể coi đó là một di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng rồi đó".

Đúng là như vậy. Cầu Hàm Rồng đổ vào một thời điểm thật đáng tiếc. Hôm ấy vừa ngớt tiếng bom, anh Trần Đức đại đội phó cử trinh sát viên Hồ Ngọc Đễ chạy xuống cầu. Lát sau quay trở về Đễ nói mếu máo:

- Cầu đổ rồi. Địch đánh trúng trụ giữa hất cả hai đầu nhịp cầu gác trên mố rơi xuống.

Mặt anh Trần Đức thần ra. Anh gọi Lê Xuân Thanh đến thay mình chỉ huy đơn vị làm công tác chuẩn bị chiến đấu, rồi bảo:

- Tôi với anh xuống cầu đi. Phải xem cụ thể ra sao chứ. Mẹ kiếp, thằng giặc đểu cáng thật.

Kẻ địch hiểm ác dùng trăm phương ngàn kế để phá cầu với đủ các loại bom, có cả thủy lôi để phá cầu Hàm Rồng.

Kẻ địch hiểm ác dùng trăm phương ngàn kế để phá cầu với đủ các loại bom, có cả thủy lôi để phá cầu Hàm Rồng.

Chúng tôi trườn qua sườn đồi còn nồng nặc mùi khét của các loại bom giặc Mỹ vừa quẳng xuống, băng qua con đường nhựa đến cầu. Trước mắt chúng tôi bày ra một cảnh tượng thật đau lòng. Toàn bộ chiếc cầu đồ sộ với những thanh dầm bằng sắt khổng lồ như bị ai đó nhấc bổng đầu nhịp gác lên trụ giữa, lẳng nhẹ xuống sông! Hai nhịp cầu ở bờ Bắc và bờ Nam vẫn còn bíu chặt vào mố chưa chịu buông ra.

Tôi lần theo những thanh sắt rầm cầu để quan sát thật kỹ trụ cầu ở giữa sông. Phần lộ ra trên mặt nước của trụ giữa vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cả thân cầu hình như cũng không bị bom chặt đứt một chỗ nào. Quả bom nào rơi vào trụ giữa? Và quả bom ấy là loại bom gì mà kỳ lạ như vậy? Những câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi.

Trong lá thư gửi cán bộ chiến sỹ các đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng của Đảng ủy Trung đoàn, có đoạn viết: "... Cán bộ và chiến sỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng đã không tiếc xương máu, chiến đấu cực kỳ dũng cảm quyết tâm bảo vệ cầu đến ngày toàn thắng. Nhưng kẻ địch tàn bạo, xảo quyệt có tiềm lực kinh tế và kỹ thuật mạnh, trong những thời điểm nhất định, có thể gây cho chúng ta những tổn thất. Song không vì việc cầu Hàm Rồng đổ mà chúng ta nao núng tinh thần. Quân và dân đã giữ được cầu gần 8 năm trời, bắn rơi 115 máy bay giặc Mỹ. Đó là niềm tự hào của người Hàm Rồng được lịch sử ghi nhận như một kỳ tích...".

Trận địch đánh sập cầu Hàm Rồng vẫn là một nỗi day dứt những người lính đã nhiều năm gắn bó với nhịp cầu.

Trận địch đánh sập cầu Hàm Rồng vẫn là một nỗi day dứt những người lính đã nhiều năm gắn bó với nhịp cầu.

Đảng ủy trung đoàn Hàm Rồng nhận ra việc cầu Hàm Rồng sập không chỉ là một tổn thất có ý nghĩa đơn thuần về mặt giao thông mà chạm đến tình cảm của những người gắn bó cả cuộc đời chiến đấu của mình với cây cầu. Bức thư đã giải thích một cách khái quát về việc địch đánh đổ cầu và coi đó là điều đáng tiếc, khó tránh khỏi trong toàn bộ bối cảnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bác Hồ đã dạy: "... Dù Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ..."

Trận địch đánh sập cầu Hàm Rồng vẫn là một nỗi day dứt những người lính đã nhiều năm gắn bó với nhịp cầu. Anh Đức luôn mồm chửi "thằng Mỹ đểu cáng". Cái đểu ấy là thế này. Ngày 5- 10, chúng tập trung đánh đồi 57 để dọn hỏa lực ta hướng Nam Ngạn và thị xã. Trưa ngày 6 tháng Mười chúng tập trung đánh vào trận địa đại đội 4 và chiều chúng quần đảo, ném bom dọc từ Đò Lèn, Nghĩa Trang về Cầu Tào để thu hút hỏa lực của ta. Hai chiếc F4 từ hướng thị xã lẻn vào ném bom vô tuyến truyền hình (đúng hơn là bom Laze - XB) xuống cầu.

Tại hầm chỉ huy đại đội 4 có anh Đức đại đội phó, Hạ Quốc Vũ và Lê Văn Hòa trắc thủ đo xa. Nguyễn Văn Tiến trinh sát viên.

Anh Đức cử Tiến quan sát phía sau đề phòng bọn F4 đánh tập hậu. Tôi đứng trong hầm trinh sát với Tiến nên ống kính lia đến đâu là tôi dõi mắt theo đến đó. Hai chiếc F4 xuất hiện bất ngờ. Tiến mới kịp hô: "F4 cường kích", tôi đã nhìn thấy rõ hai quả bom tròn vỏ sáng loáng rơi từ bụng 2 chiếc F4 ra rồi bay lướt mất hút vào khoảng không.

Quay về phía cầu, tôi thấy hai cột khói xám trắng dựng đứng.

Cột khói xám dựng đứng từ cầu Hàm Rồng

Cột khói xám dựng đứng từ cầu Hàm Rồng

Anh Đoàn Xê (sau này là Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường Sắt- XB) ngày ấy là đội phó phụ trách kỹ thuật đội cầu 19/5 Hàm Rồng. Năm 1972 anh đang làm luận án phó tiến sĩ cầu đường ở Đức, khi nhận được tin cầu Hàm Rồng đổ, anh buồn thiu mấy ngày liền.

Anh hiểu chiếc cầu đến từng thang sắt, từng mối hàn. Anh Đoàn Xê từng nói: "Nếu giặc Mỹ dùng bom thông thường không thể đánh gục chiếc cầu này được Hôm gặp tôi ở phòng riêng của anh trong ngôi nhà số 8 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, anh Đoàn Xê tâm sự:

- Mình viết thư về nhà hỏi tỉ mỉ về vụ cầu đổ. Đúng như mình suy đoán. Thằng giặc có chặt ngang được thân cầu đâu. Chúng ném bom vào mố giữa, sức nổ của bom hất hai đầu nhịp cầu gác trên mố này xuống sông.

Gần đây, tôi được anh Đinh Khôi Sỹ công tác ở phòng lịch sử quân sự thuộc quân chủng Phòng không cho xem một tài liệu của địch nói về trận đánh ngày 6 tháng Mười năm 1972 ở Hàm Rồng. Bọn địch thú nhận rằng chúng mất nhiều công phu nghiên cứu cách nhằm đánh sập cầu Hàm Rồng. Chúng biết không thể dùng bom thông thường được mà phải dùng loại bom "tinh khôn" được cải tiến sao cho toàn bộ sức mạnh của bom tạo thành một lực cực lớn hất cầu xuống sông. Việc tổ chức trận đánh hôm đó cũng rất công phu.

Địch ném bom vào mố giữa, sức nổ của bom hất hai đầu nhịp cầu gác trên mố này xuống sông.

Địch ném bom vào mố giữa, sức nổ của bom hất hai đầu nhịp cầu gác trên mố này xuống sông.

Từ trưa ngày 5 tháng Mười đến hết ngày 6 tháng Mười năm 1972 địch tổ chức năm trận đánh ở khu vực Hàm Rồng và phụ cận. Bốn trận đánh trước chỉ để thu hút lực lượng và mở hướng cho hai chiếc F4 mang bom vô tuyến có đường bay an toàn khi tiếp cận mục tiêu. Trận đánh thứ năm chiều ngày mùng 6 tháng Mười, chúng coi là trận đánh "dứt điểm". Trận này chúng sử dụng 38 chiếc máy bay mang bom thường và 2 chiếc F4 mang bom vô tuyến để dứt điểm cầu. Để đề phòng bất trắc, chúng còn cho hai chiếc F4 nữa mang bom vô tuyến, bay ở ngoài biển. Nếu vì lý do nào hai chiếc F4 vào trước không thực hiện việc ném bom hoặc ném bom chệch ra ngoài thì hai chiếc F4 dự phòng này sẽ nhào vào thay thế.

*

* *

Sau khi cầu Hàm Rồng bị đổ, những trận đánh phá của địch ở khu vực Hàm Rồng, ga Thanh Hóa và một số mục tiêu lân cận vẫn không hề giảm đi.

Quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo việc chi viện cho chiến trường, để thay thế cầu Hàm Rồng, trên đoạn sông từ làng Giàng về đến Nam Ngạn mọc lên ba chiếc cầu phao, đủ cho xe ô tô đi lại. Ngành đường sắt mở thêm một trạm chuyển tải ở bến phà cách cầu Hàm Rồng hơn 300m. Những toa tầu đầy ắp hàng từ bên bờ Bắc được đẩy xuống một chiếc tàu lớn có đường ray với lên tận bờ. Tàu rời bờ bắc cõng trên mình mỗi chuyến hai toa tàu chạy sang bờ Nam. Ở đây có một đầu tầu hỏa trực sẵn kéo toa hàng dưới tàu lên bờ. Phải gần chục lần đi lại như vậy mới đưa được một đoàn tàu từ bờ Bắc sang bờ Nam. Vất vả gấp nhiều lần, nguy hiểm rất nhiều lần ngày còn cầu Hàm Rồng. Nhưng không một khó khăn nào khuất phục được ý chí đánh thắng giặc Mỹ của dân tộc ta.

Cầu Hàm Rồng bị bom lase đánh sập nhưng thời điểm ấy, cây cầu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Và sau đó là Hiệp định Paris.

Cuối năm 1973, cầu được khôi phục lại.

Tháng 6-2000, cầu Hoàng Long cách cầu Hàm Rồng cũ mấy trăm mét về hạ lưu đã được xây dựng. Cầu Hàm Rồng chỉ còn chức năng dành cho tàu hỏa.

Và bây giờ, cầu Nguyệt Viên - được gọi là cầu Hàm Rồng mới vắt ngang sông Mã (cách cầu Hàm Rồng 3km về hạ lưu) đã được khánh thành.

Hai cây cầu mới đều đàng hoàng hơn, to đẹp hơn cầu Hàm Rồng cũ!