E-magazine Cắt “bầu sữa” ngân sách các hội, đoàn thể: Tại sao không?

Trong khi cả nước đang rốt ráo sắp xếp lại tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần cắt bỏ ngân sách phân bổ cho các hội, đoàn thể bởi lâu nay hoạt động không hiệu quả.

Có thể nói, các tổ chức Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), 5 tổ chức chính trị- xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến binh) và 28 hội có tính chất đặc thù (Theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), gọi chung là các tổ chức quần chúng công có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Tổng bí thư Tô Lâm: "Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”

Các tổ chức này không chỉ thực hiện nhiệm vụ làm “đường dây truyền tải” (lời của V. Lênin) từ Nhà nước đến người dân, mà còn thực hiện một số nhiệm vụ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng như nâng cao đời sống người dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vận động quần chúng thực hiện các phong trào cách mạng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội; giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và phản biện đối với các chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả; tổ chức các phong trào như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, hỗ trợ người nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, và phát triển văn hóa, giáo dục trong cộng đồng.

Tuy nhiên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy hệ thống này bộc lộ nhiều vấn đề đáng chú ý: Các tổ chức này đang rơi vào quá trình “Nhà nước hóa”, “hành chính hóa” khá mạnh như bộ máy biên chế cồng kềnh, tổ chức thiếu linh hoạt (có xã chỉ có duy nhất 1 cựu chiến binh cũng thành lập Hội CCB), chồng chéo trong hoạt động.

Nhiều hội, đoàn thể hoạt động mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Các phong trào, chương trình nhiều khi chỉ mang tính báo cáo hoặc chạy theo thành tích. Một số hội, đoàn thể dựa vào ngân sách Nhà nước mà không phát huy tính tự chủ và sáng tạo trong hoạt động, dẫn đến sự ỷ lại và thiếu hiệu quả.

Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị được sự đồng lòng của toàn Đảng và toàn dân.

Một số tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả phối hợp. Mặc dù có vai trò phản biện xã hội, nhưng nhiều hội, đoàn thể chưa thể hiện được sự phản biện độc lập, mạnh mẽ trong các vấn đề quan trọng.

Cơ chế hoạt động của hệ thống chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, chưa thực tế, khiến việc thực hiện các nhiệm vụ đúng theo chức năng còn khó khăn. Các tổ chức quần chúng công có các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh tế, nhưng việc quản lý các đơn vị này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính.

Ở Việt Nam chúng ta hiện nay có Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), 5 tổ chức chính trị- xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến binh) và 28 hội có tính chất đặc thù (Theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), gọi chung là các tổ chức quần chúng công; trong đó, đa số các tổ chức này đều có 4 cấp (Trung ương, tỉnh (thành phố), huyện (quận) và xã (phường).

Các tổ chức quần chúng công đã tồn tại trong một thời gian dài, thậm chí trước khi đất nước giành được độc lập. Trong quá trình hình thành và phát triển, hệ thống này đã có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.

Tuy vậy, hệ thống này cũng bộc lộ không ít những bất cập. MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội và nhiều hội đặc thù khác được hưởng nhiều ưu đãi từ Nhà nước và xã hội, được phân bổ ngân sách hoạt động, tuy vậy, chi phí kinh tế và hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Theo công trình nghiên cứu “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho Trung ương hội của các tổ chức quần chúng công giai đoạn 2006-2014 tăng từ 781,3 tỷ đồng (năm 2006), lên 1.899,7 tỷ đồng (năm 2014), chiếm khoảng 1,1% dự toán tổng chi ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương trong năm 2014. Trong năm quyết toán 2012, tổng số tiền này là 2.196 tỷ đồng. Còn ước tổng chi ngân sách địa phương cho các tổ chức quần chúng công là 9.529 tỷ đồng (năm 2012).

Như vậy, tổng cộng ước chi ngân sách cho các tổ chức quần chúng công trong năm 2012 đạt 12.638 tỷ đồng. Quy đổi giá trị của con số trên về thời giá năm 2014, có giá trị chi NSNN cho các tổ chức quần chúng công là 14.023 tỷ đồng. Con số này chưa tính đến các khoản chi để nhóm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, một phần bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi trả lương hưu cho CBCC làm việc cho các tổ chức quần chúng công.

Nếu cộng cả các chi phí kinh tế khác của xã hội như hội phí (khoảng hơn 10.704 tỷ đồng), thu nhập từ phí ủy thác từ các ngân hàng chính sách xã hội (năm 2014 khoảng 2.066,1 tỷ đồng), thu từ hợp tác viện trợ (khoảng 712,6 tỷ đồng)… cộng với chi phí cơ hội và chi phí ẩn từ tài sản cố định và nguồn nhân lực thì tổng chi phí cho các tổ chức quần chúng công hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước.

Năm 2024 dự chi (con số làm tròn) cho các tổ chức quần chúng công ở trung ương khoảng 827 tỷ đồng, cụ thể như sau: Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: 87 tỷ đồng; TƯ Đoàn TNCS HCM: 119 tỷ đồng; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: 198 tỷ đồng; Hội Nông dân Việt Nam: 266 tỷ đồng; Hội Cựu Chiến binh Việt Nam: hơn 35 tỷ đồng; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: hơn 193 tỷ đồng. Trong khi đó, chi hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, xã hội, xã hội- nghề nghiệp (tức 28 hội có tính chất đặc thù): 827 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo của trong giai đoạn 2006-2010, các hội đặc thù nhận được hỗ trợ từ NSNN nhiều là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: 80,7 tỷ đồng trong năm 2009. Cũng trong năm 2009 Hội Chữ Thập đỏ: 51,6 tỷ đồng, VUSTA: 46,7 tỷ đồng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: 32,1 tỷ đồng; Hội Nhà văn Việt Nam: 24,3 tỷ đồng, Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam: 20,1 tỷ đồng.

Ngoài ngân sách do Trung ương cấp, các hội quần chúng công này còn nhận được ngân sách từ các địa phương. Có thể nói Hà Nội và TP HCM có lượng ngân sách dành cho các tổ chức quần chúng công lớn nhất. Trong giai đoạn 2006-2012, NSNN quyết toán cho khoản này tăng 182%, từ 124 tỷ đồng lên 335,2 tỷ đồng. Ở Hà Nội, tổ chức nhận được nhiều tiền nhất từ ngân sách là Thành đoàn Hà Nội, chiếm 67% tổng chi thường xuyên và 87% tổng chi ngân sách cho các tổ chức quần chúng công năm 2006. Trong năm quyết toán ngân sách 2012 con số này là 28% và 53%.

Ở Hà Nội, tổ chức nhận được nhiều tiền nhất từ ngân sách là Thành đoàn Hà Nội, chiếm 67% tổng chi thường xuyên và 87% tổng chi ngân sách cho các tổ chức quần chúng công năm 2006.

Còn theo công bố mới nhất, năm 2022 một số hội, đoàn thể ở TP. HCM được chi như sau (con số làm tròn): Hội Liên hiệp phụ nữ: 22 tỷ đồng, Hội Nhà văn: 3,1 tỷ đồng, Hội Nhà báo: 2,6 tỷ đồng, Hội Âm nhạc: 6,6 tỷ đồng, Hội Điện ảnh: 2,2 tỷ đồng, Hội Nghệ sĩ múa: 3,4 tỷ đồng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật: 7,2 tỷ đồng, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị: 7,3 tỷ đồng, Hội Nhiếp ảnh: 2,9 tỷ đồng...

Có thể nói nhiều tổ chức quần chúng công có các doanh nghiệp, đơn vị làm kinh tế. Ví dụ, hiện ngành công đoàn có 89 khách sạn và nhà khách trên toàn quốc (theo VEPR), nằm ở các vị trí thuận lợi về mặt du lịch và nghỉ dưỡng, hoặc các khu vực trung tâm hành chính. Giá trị tài sản của hệ thống nhà nghỉ này ước tính là trên 43 nghìn tỷ đồng bao gồm giá trị đất và giá trị tài sản trên đất. Lấy mức sinh lợi của DNNN trong năm 2014 (15%) làm cơ sở tính toán thì chi phí cơ hội từ bất động sản của khối nhà nghỉ, khách sạn này ước khoảng 6,45 nghìn tỷ đồng/năm.

Nguồn NSNN và có nguồn từ NSNN cấp cho các tổ chức quần chúng công là không hề nhỏ, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nvỞ nhiều quốc gia khác các tổ chức chính trị có thể phải khai thuế và nộp nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách, hoặc phải dựa vào nguồn thu được cung cấp từ khu vực xã hội dân sựguồn ngân sách này đã được sử dụng như thế nào, có hiệu quả không và ai giám sát việc chi tiêu này. Đây là những vấn đề cần làm rõ!

Vì vậy, về vấn đề này, trong các khuyến cáo của mình, nhóm nghiên cứu thuộc VEPR đã đưa ra đề nghị là “cần phải có quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài chính của các tổ chức quần chúng công. Do các tổ chức này có cơ chế tiếp nhận ngân sách tương tự như các cơ quan hành chính, cần yêu cầu công khai, minh bạch chi tiêu trong báo cáo tài chính hàng năm trước ban giám sát và công chúng. Cần phải có cơ chế giám sát, chất vấn hoạt động tài chính của các tổ chức này. Chúng tôi khuyến nghị là MTTQ Việt Nam, với tư cách là liên minh chính trị của các tổ chức trên, nên đảm trách nhiệm vụ này”.

Các tổ chức quần chúng công hưởng lương từ NSNN và có nguồn từ NSNN như ở Việt Nam chúng ta hiện nay có lẽ chỉ còn tồn tại ở Trung Quốc, Lào và CHDCND Triều Tiên. Thế mới có chuyện một lãnh đạo cấp cao của MTTQ Việt Nam than phiền: “Tôi đi nước ngoài không có người đồng cấp tiếp đón”.

Để giảm gánh nặng cho NSNN, đồng thời cũng “trả lại” vai trò thực chất của các tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội như thời kỳ ban đầu lập quốc là “Hội đoàn thể thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động”.

Chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nói: “Từ nhiều năm nay các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã đặt ra những yêu cầu xác đáng là hội, đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, bằng cách gây quỹ từ cộng đồng, tìm tài trợ, hội phí. Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh và xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội đoàn cụ thể.

Ở nhiều quốc gia khác các tổ chức chính trị có thể phải khai thuế và nộp nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách, hoặc phải dựa vào nguồn thu được cung cấp từ khu vực xã hội dân sự. Đã đến lúc chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho được vấn đề này, nhất là trong bối cảnh nợ công đang ngày càng gia tăng, nguồn thu lại eo hẹp, hết sức khó khăn, chi thường xuyên lại ngày một gia tăng”.

Còn ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì kể: “Khi xây dựng chiến lược cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, tôi có chủ trì một công trình về đổi mới MTTQ và các đoàn thể; trong đó đã có những đề nghị cần định vị lại vai trò của MTTQ và các đoàn thể.

Trong điều kiện chưa giành được chính quyền thì MTTQ và các đoàn thể tham gia cùng với Đảng giành chính quyền. Khi có chính quyền rồi thì tập trung xây dựng một Nhà nước pháp quyền mạnh để quản trị đất nước. Còn lại các đoàn thể hãy trở về với nhân dân, như là các tổ chức xã hội dân sự: tự nguyện, tự chủ hoạt động, tự chủ về kinh phí.

Trước Đại hội Đảng IX tôi có viết một bài đăng trên Tạp chí Cộng sản “Các tổ chức đoàn thể hãy trở về với nhân dân”. Tức là không Nhà nước hóa đoàn thể, không ăn lương như hiện nay nữa.

Đây là những tổ chức có chức năng, vai trò mới. Đảng đòi hỏi những người đứng đầu các tổ chức này là “sắm vai” mới trong thời kỳ mới.

Nếu còn cần thì chỉ giữ lại ở cấp trung ương thôi, còn địa phương thì để người dân tự quyết định, tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm. Nhà nước nên lập ra một cái quỹ. Tổ chức nào làm thì đăng ký, Nhà nước sẽ “đặt hàng”".

Trong khi đó Nhóm Nghiên của VEPR đề xuất cụ thể hơn: “Trước hết chúng tôi cho rằng, trước tiên cần xây dựng một bộ luật về các tổ chức quần chúng công, hoặc một phần quan trọng trong luật về hội làm cơ sở để các tổ chức quần chúng công vận hành.

Hai là cần phải có quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài chính của các tổ chức quần chúng công; đồng thời phải có cơ chế giám sát, chất vấn hoạt động tài chính của các tổ chức này.

Ba là nên gộp các tổ chức quần chúng công ở cấp xã vào dưới sự quản lý của MTTQ. Điều này giúp giảm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất ở cấp cơ sở.

Bốn là giảm dần, tiến tới bỏ chế độ bao cấp, cơ chế xin-cho và biên chế, tập trung vào hiệu quả hoạt động của các tổ chức.

Năm là bãi bỏ chính sách cấp ngân sách hoạt động cho các hội đặc thù theo biên chế; chỉ cấp ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Từng bước tiến tới tự chủ trong hoạt động và ngân sách.

Sáu là với nhiệm vụ Nhà nước giao cho các hội đặc thù thực hiện, cần công bố công khai theo các hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ công…”.

Danh sách 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước

(Theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg)

- Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

- Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

- Hội Nhà văn Việt Nam

- Hội Nhà báo Việt Nam

- Hội Luật gia Việt Nam

- Liên minh hợp tác xã Việt Nam

- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

- Hội Sinh viên Việt Nam

- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

- Hội Nhạc sĩ Việt Nam

- Hội Điện ảnh Việt Nam

- Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam

- Hội Kiến trúc sư Việt Nam

- Hội Mỹ thuật Việt Nam

- Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

- Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

- Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam

- Hội Người cao tuổi Việt Nam

- Hội Người mù Việt Nam

- Hội Đông y Việt Nam

- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

- Tổng hội Y học Việt Nam

- Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam

- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam

- Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam

- Hội Khuyến học Việt Nam