|
Trung Quốc đưa máy bay quân sự bố trí trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: southfront.org). |
Thứ nhất, gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc: ngày 17/4, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm số CML/42/2020 cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, phản hồi các Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3 Công hàm số 24/HC-2020 ngày 10/4 và số 25/HC-2020 ngày 10/4 của Việt Nam. Theo đó, họ nhắc lại luận điệu cũ rích, vô căn cứ như: “Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - TT) và các vùng biển liền kề; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan và vùng đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở Nam Hải (tức Biển Đông). Chủ quyền của Trung Quốc đối với Nam Hải Chư đảo và các quyền, lợi ích Biển Đông hình thành lâu đời trong lịch sử”, “Trung Quốc phản đối Việt Nam xâm phạm và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, vi phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”; ngang nhiên nêu yêu sách “Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút nhân sự và thiết bị ra khỏi các đảo”.
Có tài khoản Weibo Trung Quốc “lưu ý”: đây là lần thứ 2 Trung Quốc công khai đòi Việt Nam “rút người và thiết bị khỏi các đảo”. Lần trước là khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí Haiyang Shiyou - 981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Nam Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa vào tháng 4/2014.
|
Trung Quốc ngang nhiên đặt tên trái phép cho các bãi ngầm trong khu vực đảo chìm Đá Tây ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Weibo)
|
Thứ hai, ngang nhiên thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”. Truyền thông Trung Quốc ngày 18/4 đưa tin Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" trực thuộc “thành phố Tam Sa” tỉnh Hải Nam. Cái gọi là “quận Tây Sa”, trụ sở đặt ở đảo Phú Lâm, quản lý quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield cùng các vùng biển xung quanh. Cái gọi là “quận Nam Sa”, trụ sở đặt ở Đá Chữ Thập, quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ ba, đặt tên Trung Quốc cho một số đảo, bãi ở Hoàng Sa, Trường Sa và các thực thể địa lý dưới đáy biển nằm trong cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn trên Nam Hải”. Ngày 19/4, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Dân chính (Bộ Nội vụ) Trung Quốc đã ra thông cáo công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi ngầm và 55 “thực thể địa lý dưới đáy biển”. Đây là một bước đi nhằm hợp thức hóa về mặt hành chính nhằm chuẩn bị cho những hành động phiêu lưu mới.
Trong số 25 đảo, bãi ngầm mới được đặt tên, có 12 thuộc quần đảo Hoàng Sa và 13 thuộc quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý, cả 13 bãi chìm được đặt tên tại quần đảo Trường Sa đều thuộc Đá Tây (mà Trung Quốc tự đặt tên là 西礁 Tây Tiêu). Một số tài khoản Weibo, Wechat và trang mạng Trung Quốc ngày 20/4 đã đăng bài viết về đảo Đá Tây, giới thiệu chi tiết tình hình Đá Tây hiện nay và xuyên tạc, gọi Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây của ta hỗ trợ bà con ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển xa bờ ở đây là “căn cứ tiền tiêu của Việt Nam để cướp đoạt tài nguyên nghề cá của Trung Quốc ở Nam Sa” (!?).
|
Trung Quốc đặt tên cho một số thực thể địa lý dưới đáy biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Ảnh: Dang Duan)
|
Đáng chú ý, trong số 55 thực thể địa lý dưới đáy biển được họ tự đặt tên, có nhiều nơi nằm trên cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn trên biển” phi pháp, không hề có cơ sở pháp lý mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông; nằm sâu trong thềm lục địa và thuộc vùng đặc quyền kinh tế rất gần bờ biển Việt Nam. Ví dụ, Nhàn Đàm Hải Đài (Xiantan Haitai) ở vị trí có tọa độ 11độ 28'.7 vĩ Bắc/110độ 14' kinh Đông, chỉ cách Cam Ranh khoảng 60 hải lý; Vạn An Hải Để Hạp Cốc Quần (Wan'an Haidixiaguqun) ở vị trí 10 dộ 30' vĩ Bắc/109 50' kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 50 hải lý; Tiêu Tương Hải Khâu (Xiaoxiang Haiqiu) ở vị trí 9 độ32'01 vĩ Bắc/109 độ 44'01 kinh Đông cách Hòn Hải khoảng 45 hải lý...
Thứ tư, đưa máy bay quân sự ra sân bay xây dựng tại các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp phi pháp ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Công ty ảnh vệ tinh Israel ISI ngày 20/4 đã công bố một số bức ảnh chụp Đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay tuần tra biển KQ-200 (Y-8Q) tại sân bay trên đảo nhân tạo này. ISI viết: “Căng thẳng an ninh trên Biển Đông đang gia tăng, Trung Quốc dường như đang gia tăng số lượng các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực. Báo cáo tình báo của ISI cho thấy một chiếc máy bay đặc nhiệm KQ-200 ASW đậu trên đường băng ở Đá Chữ Thập trong một cuộc huấn luyện”.
|
Hai máy bay tuần tra biển được Trung Quốc bố trí tại đá Chữ Thập (Ảnh: southfront.org).
|
Trong bức ảnh được chụp ngày 10/4, có một máy bay được xác định là KQ-200 và một máy bay nằm trong hangar chỉ thò một phần đầu ra ngoài nên không thể xác định chính xác nhưng nhiều khả năng là cùng loại. Việc triển khai loại máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200 đến khu vực Trường Sa là bước tiến mới khiến Trung Quốc có thể mở rộng khả năng kiểm soát khu vực nam Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai bố trí máy bay quân sự tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Diễn biến mới này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong việc đẩy mạnh triển khai lực lượng đến khu vực Trường Sa để chuẩn bị cho những bước đi phiêu lưu mới.
Những động thái trên đây cho thấy Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh âm mưu hiện thực hóa cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn trên biển” (hay còn gọi “Đường lưỡi bò”) phi pháp trên Biển Đông và không loại trừ việc họ có những hành đông phiêu lưu nguy hiểm mới nhân lúc các quốc gia trên khắp thế giới đang tập trung vào việc chống đại dịch Viêm phổi cấp do virus Corona mới gây ra (hay COVID-19).
|
Tàu thuyền của ngư dân ta neo đậu trong hồ tránh sóng ở Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây (Ảnh: Weibo)
|
Việt Nam kiên quyết phản đối những bước đi, hành động trên đây của phía Trung Quốc. Ngày 19/4, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Tối ngày 19/4, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng cũng ra Thông cáo về việc Trung Quốc thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa.
Thông cáo nêu rõ: Là chính quyền địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa.
|
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông (Ảnh: Đa Chiều)
|
Thông cáo nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thông cáo khẳng định: hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước. UBND huyện Hoàng Sa kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo Deutsche Welle ngày 20/4, ông Carl Thayer, một học giả chính trị khu vực và giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Australia nói, ông cho rằng Bắc Kinh định cố gắng thắt chặt quyền khống chế khu vực: “Trong 6 năm qua, Trung Quốc đã luôn xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở có thể sử dụng cho mục đích quân sự; có ý đồ mở rộng sự kiểm soát đối với Biển Đông”.