|
Công an TP Đà Nẵng cảnh báo chiêu trò lợi dụng kênh đầu tư chứng khoán quốc tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ảnh CATP) |
Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán quốc tế có tiềm năng lớn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) Công an TP. Đà Nẵng, cùng với sự phát triển của công nghệ, đã xuất hiện ngày càng nhiều trang web lừa đảo giả mạo đầu tư chứng khoán quốc tế.
Các đối tượng thường có chiêu trò rủ rê, dụ dỗ người dân không có nhiều hiểu biết về chứng khoán tham gia đầu tư với cam kết lãi suất gấp hàng chục lần mỗi năm. Vì thế, đã có nhiều nạn nhân sập bẫy và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Cũng theo Phòng An ninh mạng Công an TP. Đà Nẵng, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đang điều tra một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại các tỉnh, TP trên cả nước với thủ đoạn như sau: Các đối tượng tạo trang website có tên tiếng Anh, gồm: “zenomarkets.com”, “londonex.com”, “chmarkets.com”, “tradetime”, “lpltrade.com”, “dexinvesting.com” để nạn nhân hiểu nhầm là trang web đầu tư chứng khoán quốc tế.
Các website này thường được thiết kế rất giống với các trang web chính thống của các công ty tài chính uy tín. Tuy nhiên, nhiên điểm khác biệt các đối tượng có thể điều chỉnh được kết quả tăng giảm theo ý chúng. Tiếp đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để cung cấp thông tin sai sự thật nhằm quảng cáo, lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư chứng khoán quốc tế qua các trang web trên.
Ban đầu, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân chơi ít và rút tiền lời ra được. Sau đó, bọn chúng dẫn dụ các nạn nhân vào nhóm kín và đưa các thông tin để hướng dẫn nạn nhân nâng vốn, chốt các mã lời cao.
Các thành viên trong nhóm đều do các đối tượng giả mạo nhằm tương tác, khoe thành tích rút được tiền để truyền cảm hứng cho nạn nhân nạp nhiều tiền hơn. Khi tài khoản của nạn nhân bị “cháy” do thua lỗ, thì các đối tượng hướng dẫn cách để khôi phục tài khoản và lấy lại được số tiền ban đầu, tuy nhiên phải nạp thêm tiền vào. Cứ như vậy cho đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp thêm tiền thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.
Quá trình điều tra, xác định các đối tượng đã sử dụng 6 số tài khoản kết nối với các trang website lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, gồm: số tài khoản 317228 tại Ngân hàng ACB mang tên Công ty TNHH ROWNA; số tài khoản 1029417421 tại Ngân hàng Vietcombank mang tên Công ty TNHH AMBROSE; số tài khoản 1031327764 tại Ngân hàng Vietcombank mang tên Công ty TNHH tư vấn DVA; số tài khoản 1030943887 tại Ngân hàng Vietcombank mang tên Công ty TNHH UNI VN; số tài khoản 1031477119 tại Ngân hàng Vietcombank mang tên Công ty TNHH SYSNET VN; số tài khoản 1020442030 tại Ngân hàng Vietcombank mang tên Công ty CP 9Pay.
Trước diễn biến vụ việc, Phòng An ninh mạng Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân nào bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức, thủ đoạn và chuyển tiền vào một trong các tài khoản ngân hàng trên, thì báo ngay về cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao cảnh giác không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán “ảo” lãi suất cao trên mạng. Nếu đã quyết định đầu tư, cần kiểm tra xem công ty đó có phải là một tổ chức chứng khoán đáng tin cậy và được cấp phép bởi cơ quan quản lý chứng khoán quốc tế hay không để tránh bị mất tiền oan.