Canh bạc lớn của Iran với tên lửa đạn đạo đang gặp thử thách chưa từng có

Khác với Israel, Iran không lựa chọn phát triển các hệ thống tên lửa phòng không mà thay vào đó chú trọng vào các loại tên lửa tấn công.
Các cuộc tấn công của Israel đã làm mù một số hệ thống phòng không hàng đầu của Iran. Trong ảnh là hệ thống S-300 do Nga sản xuất trong cuộc duyệt binh ở Tehran năm 2019 (Ảnh: AFP)

Trong những năm gần đây, Iran đã đầu tư phát triển một số hệ thống phòng không hiện đại, song song với việc ưu tiên xây dựng kho tên lửa đạn đạo nhằm tạo sức răn đe và sẵn sàng đáp trả các đối thủ. Giờ đây, canh bạc của Tehran với loại vũ khí này đang đối mặt với thử thách lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày 26/10, Israel đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích và tấn công tên lửa vào các hệ thống phòng không của Iran. Động thái này khiến Iran rơi vào thế dễ bị tổn thương, đặc biệt nếu nước này tiếp tục thực hiện thêm các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Israel.

Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Amos Hochstein, nhận định: "Iran gần như không còn bất kỳ lớp phòng thủ nào". Một quan chức Israel cũng cho biết chiến dịch đã “đánh trúng mục tiêu” vào các hệ thống phòng không của Iran, đẩy Tehran vào tình thế “bất lợi lớn”.

Một số báo cáo còn cho rằng toàn bộ kho tên lửa phòng không S-300 của Iran đã chịu tổn thất nghiêm trọng.

"Các hệ thống phòng không do Iran tự phát triển hoạt động tương đối tốt, nhưng chúng không thể thay thế được S-300, chưa nói đến S-400 – loại vũ khí mà Iran đang rất cần nhưng vẫn chưa có", Arash Azizi, học giả khách mời tại Trung tâm Frederick S. Pardee thuộc Đại học Boston, nhận định.

Iran đã tự phát triển một số hệ thống phòng không như Bavar 373 và 3rd Khordad (Sevom Khordad), những hệ thống mà nước này khẳng định có thể sánh ngang với S-300. Tuy nhiên, khả năng thực chiến của các hệ thống này vẫn còn là dấu hỏi lớn sau đợt tấn công vừa qua.

James Devine, phó giáo sư khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Mount Allison, giải thích rằng hệ thống S-300 của Nga bao gồm nhiều thành phần. Nếu một số bộ phận còn nguyên vẹn, Iran có thể “lắp ghép” lại để tạo thành một bệ phóng tạm thời. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng vẫn chưa có đủ thông tin để xác thực điều này.

Hệ thống phòng không S-300 của Iran trong cuộc duyệt binh ngay bên ngoài Tehran ngày 21/9 (Ảnh: AP)

Trong nhiều thập kỷ, Tehran đã đầu tư đáng kể vào kho tên lửa đạn đạo, không ngừng cải tiến về độ chính xác và tầm bắn. Khác với Israel – quốc gia sở hữu một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới – Iran lại chủ yếu tập trung vào các tên lửa tấn công. Dù cố gắng mua hệ thống phòng không từ Nga, Iran chỉ nhận được hỗ trợ một cách nhỏ giọt. Các hệ thống phòng không hiện tại của Iran là sự pha trộn của nhiều hệ thống khác nhau: từ hệ thống của Nga, các hệ thống nội địa cho đến các hệ thống đã lạc hậu từ trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Farzin Nadimi, nhà phân tích quốc phòng và an ninh, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nhận định rằng Iran bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo từ thời chiến tranh với Iraq những năm 1980, phục vụ cho các mục tiêu “ý thức hệ” và chống lại Israel.

“Dù các tên lửa này có thể phục vụ mục đích phòng thủ, nhưng nếu xét riêng về tầm bắn, tôi không nghĩ rằng chúng chỉ để bảo vệ lãnh thổ Iran”, ông Nadimi nhận định.

Dưới thời Shah – khi Iran còn là đồng minh của Mỹ – nước này đã mua các máy bay chiến đấu F-14A Tomcat, trang bị tên lửa tầm xa AIM-54 Phoenix, và tên lửa phòng không MIM-23 Hawk. Sau cuộc cách mạng, Iran mua thêm S-200 và tiêm kích MiG-29A Fulcrum từ Liên Xô, đồng thời đặt hàng S-300 vào năm 2007 nhưng đến năm 2016 mới nhận được.

Azizi nhận định rằng một trong những hạn chế lớn nhất của Iran là không phát triển được lực lượng không quân đủ mạnh, do vẫn phụ thuộc nhiều vào các máy bay Mỹ từ thời Shah.

Gần đây, Iran đã tìm cách mua các máy bay chiến đấu Su-35 Flanker và hệ thống S-400 từ Nga nhưng vẫn chưa nhận được. Trong khi đó, Nga hiện ưu tiên cho cuộc chiến tại Ukraine, khiến việc cung cấp vũ khí cho Iran càng trở nên khó khăn hơn.

Một máy bay chiến đấu của Không quân Israel chuẩn bị khởi hành để thực hiện các cuộc tấn công ở Iran (Ảnh: IDF)

“Moscow luôn giữ thế thận trọng trong quan hệ quân sự với Iran dù hai bên có hợp tác chặt chẽ. Cần lưu ý rằng, Nga vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Israel và không muốn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ này bằng cách hỗ trợ quá mức cho Iran”, ông Azizi nhận định.

Ông Devine cho rằng Iran đã tận dụng mọi cơ hội để phát triển năng lực quốc phòng, thông qua cải tiến, sao chép và nâng cấp các hệ thống từ nước ngoài. Ví dụ, hệ thống Mershad của Iran được phát triển từ tên lửa Hawk của Mỹ, loại vũ khí Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 1959.

“Iran đã cải tiến đáng kể các hệ thống S-200 do Nga cung cấp trước khi có S-300 và hiện nước này sở hữu mạng lưới phòng không nhiều lớp với số lượng lớn tên lửa”, ông Devine cho biết. “Không rõ liệu có sự ưu tiên nào giữa các hệ thống phòng thủ hay không, nhưng chắc chắn Iran sẽ không bỏ qua bất kỳ hệ thống nào”.

Ông Devine cũng giải thích rằng Iran không phát triển mạnh về phòng không do hạn chế về nguồn lực và lựa chọn.

Sau cuộc cách mạng, dưới sức ép từ các lệnh cấm vận, Iran phải tìm kiếm nguồn vũ khí từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời phát triển vũ khí nội địa để giảm phụ thuộc vào các nguồn cung cấp bên ngoài.

“Không có sức mạnh quân sự truyền thống, Tehran dựa vào chiến lược phi đối xứng để tạo thế răn đe và duy trì ảnh hưởng”, ông Devine nhận định. “Hạn chế của chiến lược này ngày càng lộ rõ, nhưng Tehran không có nhiều lựa chọn khác”.

“Nếu chiến lược hiện tại tiếp tục thất bại, bước đi tiếp theo của Iran có thể sẽ là phát triển vũ khí hạt nhân”, ông nói thêm.