Là diễn giả tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số với chủ đề “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau dịch Covid-19” diễn ra sáng nay (9/6), TS Nguyễn Đình Cung nói rằng ông không thích cụm từ “giải cứu doanh nghiệp”.
“Mà phải là “làm gì để tự doanh nghiệp vượt qua thách thức, khó khăn sau dịch Covid-19”, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) góp ý.
Trên thực tế, các bộ ngành và Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp để giải cứu doanh nghiệp nhưng ông Cung cho rằng các chính sách này chưa thực sự có hiệu quả.
“Các chính sách của Chính phủ như giảm lãi suất, gia hạn thêm 5 tháng thuế nhưng doanh nghiệp phải có doanh thu thì mới có lợi ích, không có doanh thu thì cũng không được hưởng lợi nhiều từ các chính sách này”, ông Cung nói.
Vị chuyên gia lấy ví dụ về việc doanh nghiệp không có doanh thu vẫn phải trả tiền thuê đất, “mà chi phí này thì không hề nhỏ”.
TS Nguyễn Đình Cung đánh giá, về định hướng, các chính sách đưa ra là phù hợp, tuy nhiên, đại bộ phận đang nằm ở “chỉ đạo làm chính sách”.
Ông Cung cho rằng chỉ có 1 nghị định và 2 thông tư hỗ trợ doanh nghiệp, còn lại chỉ là đang “đốc thúc”.
TS Nguyễn Đình Cung tại buổi sinh hoạt (Ảnh: HB)
|
Cần miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp
Về các gói hỗ trợ của chính phủ, ông Cung cho rằng dùng từ “gói” là không chính xác, bởi sau khi nhận hỗ trợ thì doanh nghiệp vẫn phải trả các gói đó.
Trong khi đó, việc miễn giảm thuế, phí gần như là chưa có, đây mới là thứ mà doanh nghiệp đang thật sự cần.
Một số điều kiện hỗ trợ ví dụ như giảm, hoàn thuế nhưng số người mất việc của doanh nghiệp đó phải trên 50%. Các doanh nghiệp hiện giờ phải giữ công nhân ở lại, nhưng điều kiện hỗ trợ này lại làm cho doanh nghiệp phải sa thải nhân viên mới được hưởng hỗ trợ.
“Đây là điều không hợp lý, tạo ra khuyến khích ngược đối với hành vi của doanh nghiệp”.
Tập hợp và bãi bỏ cho doanh nghiệp một vài loại phí, có những thứ thuộc thẩm quyền từ cấp địa phương đến trung ương. Việc này cần phải triển khai ngay nhưng đến nay vẫn chưa có. Lấy ví dụ như phí kiểm định, bảo trì đường bộ, ông Cung cho rằng nhiều xe nằm “đắp chiếu” trong những tháng dịch Covid-19 nhưng đến hạn đăng kiểm vẫn phải đi nộp phí.
"Tại sao trong thời gian ngừng hoạt động lại không bỏ các loại phí này?" - vị chuyên gia đặt vấn đề.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong môi trường hoạch định kinh tế, ông Cung khẳng định hàng loạt chỉ đạo chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện được. Doanh nghiệp kì vọng nhất là tháo bỏ rào cản, thủ tục hành chính hơn là các hỗ trợ.
Ông hi vọng nhận định của mình là sai, nhưng nhiều tháng qua tình hình vẫn chưa thay đổi được gì.
Nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá doanh nghiệp tại Việt Nam đa số là những doanh nghiệp nhỏ do thủ tục hành chính ràng buộc, tiếp cận nguồn vốn khó khăn.
TS Cung khuyến nghị nên phân định lại, hỗ trợ tập trung vào các ngành chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 như hàng không, du lịch và hỗ trợ “ra tấm, ra món” để các ngành đó đủ sức phục hồi.
“Việc phân rải hỗ trợ nhiều ngành nghề sẽ không tạo ra được hiểu quả”.
Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam hậu Covid-19?
Theo TS Nguyễn Đình Cung, sức chống chịu của doanh nghiệp thể hiện từ sự thay đổi, phân bổ lại sau chuỗi giá trị toàn cầu, từ lợi ích ngắn hạn sang lợi ích dài hạn hơn; sẽ có nền kinh tế “không hợp đồng”, từ toàn cầu hóa sang khu vực hóa, đối tác hóa.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trưởng thấp hơn, thu nhập thấp hơn nhưng an toàn hơn.
Ông Cung cho rằng, kịch bản tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ đi ngang hoặc cùng lắm là nhích lên một chút.
Vị chuyên gia dự đoán đây sẽ là kịch bản cho năm 2020 và nhiệm kỳ tiếp theo, có thể là sang đến năm 2022. Nền kinh tế có khả năng quay lại thời kỳ năm 2011, thời điểm đó hệ thống ngân hàng yếu hơn nhiều so với hiện nay.
Cuối cùng, ông Cung khẳng định, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, bây giờ Chính phủ và Quốc hội phải trình một kịch bản khác, giải quyết được mức độ nào đó các phát sinh và cần phải triển khai ngay lập tức.
Các chỉ số kỳ vọng như tăng trưởng tín dụng đều tụt giảm xuống mức rất thấp, Chính phủ cần kích hoạt mạnh để khởi động lại nền kinh tế./.