Cấm quân đội làm kinh tế, bước cải tổ mạnh tay của TQ

Phương tiện truyền thông ngày 27-3 cho biết Quân giải phóng nhân dân (PLA) và cảnh sát vũ trang Trung Quốc được lệnh ngưng các hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ dân sự (trong đó có các dự án chăm sóc sức khỏe và xây dựng) có thu tiền, thực hiện trong vòng 3 năm.

Theo thông báo của Quân ủy trung ương Trung Quốc, quân đội không được phép ký thêm bất kỳ hợp đồng thương mại nào và phải thanh lý các hợp đồng còn thời hạn. "Quyết định này là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà tất cả thành viên của lực lượng vũ trang phải thực hiện đầy đủ" - theo thông báo.

Thông báo trên được đăng trên trang nhất báo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Báo này khẳng định quân đội cần tập trung vào việc bảo vệ đất nước, thay vì làm kinh tế. "Việc làm lệch đi nhiệm vụ cốt lõi sẽ chỉ mang lại những mối hiểm họa" - bài báo viết.

Quyết định trên là một trong những cải cách được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào tháng 11-2015 để quân đội tập trung hơn vào chiến đấu và ngăn chặn tham nhũng. Trong thời kỳ của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, những năm 1980, quân đội Trung Quốc được phép tham gia các hoạt động kinh tế, trong đó có dịch vụ phục vụ dân sinh nhằm đối phó việc cắt giảm ngân sách quốc phòng thời kỳ đó. Đến năm 1998, khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân lãnh đạo, hoạt động kinh tế của quân đội bị cấm nhưng dịch vụ có thu tiền vẫn được phép nhằm tạo nguồn thu cho các chi tiêu của quân đội và công tác đào tạo, huấn luyện binh lính, kỹ thuật viên.

Báo South China Morning Post nhận định quyết định trên là động thái quyết liệt sau khi phát hiện quá nhiều sai phạm và tham nhũng thuộc quân đội Trung Quốc. South China Morning Post dẫn lời nhà bình luận quân sự Vũ Ca tại Bắc Kinh cho biết quyết định kết thúc các hoạt động kinh tế nhiều thập niên qua của quân đội đánh dấu việc hiện đại hóa hơn nữa của PLA và theo chân các nước phát triển nhất trong việc cấm các lực lượng vũ trang phát triển lợi ích thương mại.

Cải tổ mạnh quân đội, cạnh tranh với Mỹ

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các chương trình cải cách quân đội. Tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc chưa bao giờ diễn ra nhanh như hiện nay. Trung Quốc đang gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẽ cạnh canh với Mỹ trên tư cách cường quốc, theo DW.

Ngày 5-3, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng năm 2016 sẽ tăng 7,6% so với năm 2015 - thấp hơn nhiều so với mức tăng các năm trước và dự báo của các nhà quan sát là tăng 20% so với năm 2015.

Trước đó vào tháng 9-2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch cải cách quân đội theo mô hình phương Tây nhằm biến PLA thành đội quân hiện đại "linh hoạt, giàu sức chiến đấu". Theo kế hoạch, PLA sẽ giảm 300.000 quân, quy hoạch 7 đại quân khu thành 5 vùng chiến lược. Đồng thời, quân đội Trung Quộc phải học tập mô hình và quan niệm quân sự của phương Tây, cũng như đối phó với sức ép gia tăng từ Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ. Nhà phân tích Mandip Singh thuộc Viện nghiên cứu và phân tích Quốc phòng (IDSA) trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) cho rằng kế hoạch này có 3 điểm quan trọng: đầu tiên là thiết lập uy quyền tuyệt đối của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với PLA; hai là định hình cấu trúc hoạt động của quân đội Trung Quốc trong tương lai; ba là đảm bảo trách nhiệm, lòng trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Một trong những động thái thay đổi quan trọng trong quá trình lột xác của quân đội Trung Quốc là kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, châu Phi. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, mục đích của căn cứ Djibouti là “cung cấp hậu cần tốt hơn, bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc tại khu vực vịnh Aden, ngoài khơi Somalia và các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo khác của Liên hiệp quốc, trong đó có việc chống hải tặc”. CNNnhận định cơ sở hậu cần của Trung Quốc có vị trí gần căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại châu Phi, cũng thuộc Djibouti, vị trí chiến lược có khả năng bảo vệ con đường vận chuyển dầu thô ra vào bán đảo Ả-rập.

Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi doanh số bán vũ khí, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu vũ khí không chỉ mang lại nguồn thu mà còn là dấu hiệu của ảnh hưởng quân sự, khả năng dẫn đầu thế giới cũng như củng cố các liên minh chính trị.

Tăng cường chống tham nhũng trong quân đội

Ngày 15-2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này đã mở một đường dây nóng để người dân có thể tố giác các hành vi tham nhũng và vi phạm kỷ luật trong quân đội.

Kể từ khi nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi", tập trung vào các quan chức trong chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và quân đội.

Hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng đã bị điều tra, truy tố về hành vi tham nhũng. Ông Từ đã qua đời vì ung thư cuối năm 2015 trước khi phải ra tòa, trong khi ông Quách đang chờ bị xét xử về tội danh tham nhũng và nhận hối lộ.

Ngày 10-8-2015, Thiếu tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần quân đội Trung Quốc, vừa bị tuyên án tử hình được hoãn thi hành 2 năm, tước mọi quyền lợi chính trị suốt đời, tước quân hàm thiếu tướng và tịch thu toàn bộ tài sản vì bị kết tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, sử dụng ngân sách nhà nước sai mục đích và lạm dụng quyền lực.

Việc bắt giữ ông Cốc năm 2012 được xem là phát súng mở màn cho chiến dịch bài trừ tham nhũng trong quân đội Trung Quốc.

Thiếu tướng Cốc Tuấn Sơn bị tuyên án tử hình được hoãn thi hành 2 năm. Ảnh: THX

Hồ sơ Cốc Tuấn Sơn: vụ tham nhũng lớn nhất trong quân đội Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc đăng tải những chi tiết gây ngỡ ngàng về mức độ giàu có của Thiếu tướng họ Cốc. Tài sản của ông Cốc, được cất giấu tại nhà tổ ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), chất đầy 4 xe tải và phải cần  đến 20 nhân viên bán quân sự làm việc suốt 2 đêm mới tịch thu xong. Trong số những vật giá trị có tượng Chủ tịch Mao Trạch Đông bằng vàng ròng, 1 bồn rửa tay bằng vàng và 1 mô hình thuyền buồm bằng vàng, theo báo Caixin.

Ngoài ra, ông Cốc còn sở hữu nhiều bất động sản đắt giá cùng hàng chục căn hộ chung cư với mỗi cơ ngơi có diện tích gần 200 mét vuông tại khu đường vành đai 2 của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Ông Cốc từng bỏ túi 6% trong số 2 tỉ nhân dân tệ (321,6 triệu đô la Mỹ) từ vụ bán đất quân đội tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

Là một trong những thuộc hạ thân cận nhất của ông Từ Tài Hậu, ông Cốc từng chia chác với cấp trên những món tiền phi pháp. Trong đám cưới con gái ông Từ, ông Cốc đã tặng một thẻ ngân hàng có sẵn 20 triệu nhân dân tệ (3,2 triệu đô la Mỹ) làm quà cưới.

Không chỉ vậy, ông Cốc còn thuê người viết bài hoàn toàn bịa đặt về những chiến công cách mạng của cha ông nhằm nâng cao danh tiếng và trục lợi. Thậm chí, ông còn xây riêng một “nghĩa trang cách mạng” cho cha ông.

Theo KTSG online