|
Người dân cần cảnh giác chiêu trò giả danh Công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (giả mạo) nhằm lừa đảo. |
Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh Công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tài sản, nhưng nhiều người dân vẫn "sập bẫy" thủ đoạn này.
Đơn cử trường hợp của một người dân sống tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin dẫn vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thủ đoạn như trên xảy ra tại TP Hà Nội. Cụ thể, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của anh T (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc anh có nhận được điện thoại của một đối tượng giả danh cán bộ công an, yêu cầu anh cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Sau khi cài đặt xong, anh T phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 10 tỷ đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân của họ bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc. Với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ, đối tượng sẽ thúc ép để người dân phải khẩn trương tải phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”, do đối tượng cung cấp. Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) liên tục đưa ra khuyến cáo cho người dân, đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
"Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội", Cục An toàn thông tin nêu rõ.
Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử người dân nên đến trực tiếp Công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.
Mất hơn 260 triệu đồng vì tham gia hội nhóm trên mạng xã hội
Cũng theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, nhiều nạn nhân bị sập bẫy, tiền bị lừa đảo, không những không lấy lại được mà còn tiếp tục bị lừa thêm nhiều lần.
Cục An toàn thông tin nêu đơn cử, Công an huyện Thanh Bình tiếp nhận thông tin từ anh L.S.N. (SN 1990) ngụ ấp Hạ, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình đến trình báo về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 260 triệu đồng thông qua hình thức tham gia thành viên “hệ thống phân phối gum”. Theo đó, khoảng tháng 2/2024, thông qua mạng xã hội Facebook, anh có làm quen với người tên Mai Thị Thu Hương (nickname Thu Hương (Sweet)) tư vấn anh tham gia vào thành viên hệ thống phân phối gum trên trang website: www.gumru.online, khi tham gia hoàn thành 60 đơn hàng sẽ có tiền lời cao.
Nghe theo hướng dẫn, anh tham gia vào trang website này, ngày 12/3/2024, hệ thống yêu cầu anh nạp tối thiểu 500 USD (tương đương 13 triệu đồng) vào tài khoản để làm vốn phân phối hàng hóa, liên tục trong các ngày tiếp theo anh nộp thêm 57 triệu đồng theo yêu cầu để hoàn thành giao dịch phân phối đơn hàng, vừa hoàn thành xong đơn hàng, hệ thống tiếp tục yêu cầu nạp cho đến đơn cuối cùng.
Phát hiện bất thường, anh dừng thực hiện giao dịch, lúc này hệ thống yêu cầu nạp thêm 5 triệu đồng để tránh việc hệ thống trừ tiền trên tài khoản ngân hàng, vì sợ mất tiền anh tiếp tục nộp theo yêu cầu. Tổng số tiền các lần anh nạp vào hệ thống là hơn 264 triệu đồng.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, Fanpage, tài khoản mạng xã hội trên không gian mạng; cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội. Không tin tưởng những lời chào mời, hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị đánh cắp phục vụ cho mục đích phạm pháp. Không chuyển tiền cho bất cứ ai hay vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận được danh tính đối tượng.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.