Cái bẫy của giá dầu thấp

Khi giá dầu hồi phục, rủi ro của nền kinh tế Việt Nam sẽ là bị mắc kẹt trong cái bẫy của thời giá dầu thấp.
Cái bẫy của giá dầu thấp

Giá dầu thế giới hiện đã xuống đến mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Ngày 19-2-2016, giá dầu WTI trên thị trường Nymex tiếp tục giảm xuống còn chưa đến 30 đô la Mỹ/thùng. Tương tự, giá dầu Brent trên thị trường London cũng hiếm khi qua được mức giá 35 đô la Mỹ/thùng trong một tháng trở lại đây. Những nước xuất khẩu dầu lửa là những nước chịu thiệt hại lớn nhất từ sự giảm sâu của giá dầu này.

Việt Nam cũng là một nước xuất khẩu dầu lửa dù không phải là nước xuất khẩu dầu hàng đầu nhưng cũng chịu thiệt hại từ mức giá thấp này. Điều này được thể hiện rõ ở sự sụt giảm nguồn thu ngân sách từ dầu.

Trước đây nguồn thu từ xuất khẩu dầu thường đóng góp đến 20% tổng thu ngân sách nhà nước nhưng hiện nay đã giảm xuống còn chưa tới 10% ngay cả khi Việt Nam đã nỗ lực gia tăng sản lượng khai thác (một nghịch lý so với nguyên lý kinh tế là phải cắt giảm bớt sản lượng) nhằm bù vào sự sụt giảm giá dầu thô.

Năm 2015 đóng góp từ dầu thô chỉ đạt 6% tổng thu ngân sách và dự kiến còn tiếp tục giảm trong năm 2016 này. Tuy nhiên việc giá dầu giảm chưa hẳn là lời nguyền mà ngược lại có thể xem là lời ban phước lành để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này nhằm tiến hành cải cách lại cơ cấu thu ngân sách trên cơ sở giảm phụ thuộc vào dầu như trước đây.

Cái lợi khi giá dầu giảm

Đứng ở phương diện kinh tế, việc giá dầu giảm cũng mang lại nhiều lợi ích to lớn. Trước hết, giá dầu giảm làm tăng thặng dư tiêu dùng của người dân, tạo ra hiệu ứng thu nhập lẫn hiệu ứng thay thế. Tức là khi giá dầu giảm, ngân sách dành cho chi tiêu xăng dầu giảm đi nhưng vẫn duy trì được lượng xăng dầu cần chi tiêu như trước. Hơn nữa, người dân có thêm phần thặng dư thu nhập để có thể tăng chi tiêu cho các hàng hóa khác. Điều này sẽ có tác dụng kích thích làm tăng sức cầu của nền kinh tế trong ngắn hạn.

Ngoài ra, giá dầu cũng chiếm một tỷ phần hết sức quan trọng trong cơ cấu chi phí sản xuất của các nền kinh tế. Việc giá dầu giảm đã mang lại lợi ích trong việc làm giảm chi phí cho nền kinh tế, nhờ đó giúp kích thích sản xuất của doanh nghiệp.

Những nước có truyền thống lạm phát cao cũng nhờ đó mà hạ nhiệt được phần nào sức ép lên mặt bằng giá cả, tạo không gian cho các chính sách mở rộng phía cầu. So với những nước phát triển, những nước đang phát triển thường phát triển dựa trên công nghệ thâm dụng tài nguyên và nhiên liệu nhiều hơn, trong đó đặc biệt là xăng dầu. Những nước phát triển mặc dù có mức sử dụng nhiên liệu lớn hơn nhưng mức độ thâm dụng nhiên liệu lại thấp hơn so với những nước đang phát triển (xem hình 1).

Hơn nữa, do những tiêu chuẩn rất cao về môi trường nên trình độ công nghệ của những nước phát triển luôn được chú trọng nghiên cứu và phát triển liên tục theo hướng tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường, trong khi nhiều nước đang phát triển lại không đủ khả năng để áp dụng những chuẩn mực này nên nói chung trình độ công nghệ của các nước đang phát triển thường có sự tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, trong đó có xăng dầu. Cũng chính vì vậy nên khi giá dầu giảm thì mức độ tác động lên chi phí của các nền kinh tế đang phát triển sẽ lớn hơn. Hay nói khác đi, lợi ích biên nhờ giá dầu giảm đối với các nền kinh tế đang phát triển là lớn hơn so với các nước phát triển.

Nhưng coi chừng kẹt bẫy

Tuy nhiên, tình trạng giá dầu giảm thấp cũng có nguy cơ tạo ra cái bẫy cho những nước đang phát triển. Do giá xăng dầu không còn cao như trước đây và kéo dài khiến cho những nước đang phát triển có thiên hướng sử dụng các công nghệ thâm dụng nhiên liệu hơn hoặc nếu không thì cũng không có nhiều nỗ lực như trước trong việc kiểm soát và tìm cách tiết giảm tối đa chi phí nhiên liệu.

Xu hướng suy giảm của giá dầu kéo dài sẽ cuốn các nước đang phát triển lún sâu vào một ngành công nghiệp thâm dụng nhiên liệu. Đây chính là cái bẫy của những nước đang phát triển trước bối cảnh giá dầu giảm thấp.

Mặc dù chúng ta đang được lợi và tiếp tục tìm cách hưởng lợi từ giá dầu giảm nhưng có một câu hỏi không thể không đặt ra ngay lúc này là điều gì sẽ xảy ra nếu một khi giá dầu phục hồi? Hiển nhiên là khi giá dầu hồi phục, những nước đang phát triển sẽ đối mặt với sức ép gia tăng chi phí và lạm phát. Các chính sách mở rộng phía cầu trong thời kỳ giá dầu thấp có thể là con dao hai lưỡi bởi một khi giá dầu phục hồi, nó như đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát vốn vẫn còn âm ỉ do các yếu kém cố hữu về mặt cơ cấu của các nền kinh tế đó.

Chi phí tăng cũng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của những nước này trong khi lạm phát sẽ tạo ra những bất ổn vĩ mô lên nền kinh tế. Đối với những nước đang phát triển, chiến lược cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá, trong đó chi phí nhiên liệu và xăng dầu chiếm một tỷ phần tương đối lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm sản xuất. Khi giá xăng dầu giảm, các nước này hưởng lợi không nhỏ nhờ vào vị thế cạnh tranh tốt hơn so với trước đây. Các nỗ lực cắt giảm tiêu hao nhiên liệu cũng như chi phí xăng dầu sẽ giảm đi do nhiều doanh nghiệp “ngủ quên trên chiến thắng”.

Thế nhưng một khi giá xăng dầu hồi phục, các doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với khó khăn trước tiên. Những nỗ lực cải cách và cắt giảm chi phí sau đó thường không đủ để giúp doanh nghiệp lấy lại sức cạnh tranh như trước so với các đối thủ. Các áp lực lên lạm phát và tiếp theo là tỷ giá cũng gây ra những thách thức mới bất ổn vĩ mô kéo theo.

Việt Nam là một nước đang phát triển và trên bình diện tổng thể nền kinh tế cũng đang hưởng lợi từ việc giá dầu giảm thấp. Tuy nhiên lợi ích này không phải chia đều cho tất cả các thành phần trong nền kinh tế. Điều này là do tính không hoàn hảo của các thị trường, điển hình nhất là sự cứng ngắc của giá cước vận tải, taxi, hàng không. Trong khi người dân được hưởng lợi không ít thì ngân sách, dù được bù đắp một phần nhờ hiệu ứng thu nhập như đã nói, lại bị thất thu một phần quan trọng.

Lạm phát thấp giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng như giảm dần sức ép lên tỷ giá vốn đã tích tụ trong thời kỳ lạm phát cao trước đây, nhờ đó cũng làm tăng dư địa cho các chính sách phía cầu chẳng hạn như nới lỏng tiền tệ và cả mở rộng tài khóa (dựa vào vay nợ).

Đây cũng là thời điểm hết sức thuận lợi xét trên cả phương diện chính trị lẫn kinh tế để Việt Nam tiến hành các cải cách vốn đã khá chậm trễ mấy năm qua.

Thứ nhất là những bất cập về mặt cơ cấu kinh tế như đã được chỉ ra trong các phân tích trước đây vẫn còn nguyên.

Thứ hai là những nút thắt về mặt xây dựng thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa được tháo gỡ, bao gồm vấn đề bảo hộ quyền sở hữu tư nhân, tôn trọng tuyệt đối quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và quyền tự do lựa chọn của cá nhân, thúc đẩy tính cạnh tranh, phát triển các thị trường và tự do hóa giá cả và việc giới hạn vai trò của Nhà nước.

Theo TBKTSG