Washington đang bí mật đàm phán cùng Kuala Lumpur về việc cho phép quân đội Mỹ triển khai phi cơ trinh sát P-8 Poseidon và P-3 Orion từ sân bay của Malaysia để giám sát các khu vực ở Biển Đông, nơi Trung Quốc ráo riết bồi đắp đảo nhân tạo trái phép. Tiến trình này vẫn tiếp tục được thúc đẩy nhanh, Bloomberg hôm 3/9 dẫn lời một số quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nói.
Bắt tay
Hai chính phủ chưa đạt được kết quả cuối cùng nhưng quá trình đàm phán trên đã bộc lộ sự chuyển dịch trong nỗ lực bấy lâu của Malaysia để giữ thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, dẫn đầu đoàn đàm phán Washington là các lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương David Shear.
Lầu Năm Góc từng giục Malaysia tăng cường hợp tác quốc phòng nhưng đàm phán lần này có thêm động lực mới sau những biến cố xảy ra hồi đầu năm khi các tàu hải quân Trung Quốc tiến vào khu vực biển cực nam của Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế Malaysia.
Mùa thu năm ngoái, trong một lần nói chuyện với báo chí, Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, cho biết "Malaysia gần đây đề nghị chúng tôi xuất kích các biệt đội máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon từ miền đông" nước này. Báo New York Times nhận định kế hoạch trên có nguy cơ "chọc giận" Trung Quốc. Lầu Năm Góc và chính phủ Malaysia sau đó khẳng định hai bên chưa đạt được thỏa thuận nào.
Các nguồn tin ngoại giao cho hay trọng tâm của đàm phán lần này là đảo Labuan, ngoài khơi bờ biển của bang bán tự trị Sabah, trên đảo Borneo, Malaysia. Đảo Labuan từng là một trung tâm tài chính nhờ hưởng các quy định ưu đãi thuế riêng biệt, đồng thời nằm sát với các công trình quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông hơn bất cứ địa điểm nào trong khu vực mà Mỹ đang sử dụng để triển khai các chuyến bay do thám.
Vị trí đảo Labuan. Ảnh: holidaycity.com |
Theo Bloomberg, dù bắt tay nhưng chính phủ Malaysia vẫn rất thận trọng trong việc tiết lộ thông tin về hợp tác quốc phòng với Mỹ.
"Hợp tác an ninh Mỹ - Malaysia rất sâu sắc nhưng kín tiếng trong một thời gian dài bởi Malaysia lo ngại về các động thái từ Trung Quốc", Ernest Bower, chủ tịch Ban Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nhận định.
Mỹ hiện hợp tác với Malaysia để hỗ trợ quốc gia này nâng cao năng lực kỹ thuật về giám sát và bảo vệ lãnh thổ tại Biển Đông cùng những khu vực xung quanh. Giới phân tích đánh giá có rất ít khả năng Mỹ sẽ xây một căn cứ quân sự ở Malaysia nhưng việc Mỹ sử dụng lãnh thổ Malaysia cho mục đích quân sự là điểm then chốt.
Malaysia mặt khác cũng tăng cường hợp tác với cả Trung Quốc, đối tác thương mại số một của nước này. Quân đội Trung Quốc tuần trước thông báo hai bên sẽ sớm tổ chức các cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay. Đối với chính phủ của ông Najib, đây là động thái nhằm cân bằng mối quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc và Mỹ.
Theo Patrick Cronin, giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Malaysia hiếm khi nêu công khai Trung Quốc là lý do khiến nước này tiến hành các động thái quyết liệt ở Biển Đông nhưng họ vẫn lặng lẽ mở rộng hợp tác với các láng giềng Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc.
"Những chuyến bay tuần tra bằng P-8 Poseidon hay P-3 Orion với Mỹ hoặc với Nhật sẽ có ý nghĩa lớn đối với một Malaysia vốn chẳng hứng thú gì với động thái thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Cronin nói.
Mỹ đang thực hiện các kế hoạch trong chương trình Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á trị giá 425 triệu USD kéo dài 5 năm. Một phần của nguồn tài chính này có thể phục vụ các cuộc tập trận và huấn luyện chung cũng như chia sẻ thông tin quân sự với Malaysia, Cronin cho biết thêm.
Khó khăn
Một thành viên phi hành đoàn của hải quân Mỹ trên máy bay P-8A Poseidon quan sát màn hình vi tính cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Mối hợp tác giữa hai quốc gia có thể sẽ gặp nhiều khó khăn bởi ông Najib hiện đối mặt với nhiều lời chỉ trích và ít nhận được sự ủng hộ từ dân chúng sau các nghi vấn tham nhũng. Wall Street Journal hồi tháng 6 tiết lộ nhà điều tra Malaysia phát hiện số tiền lên tới 700 triệu USD từ một quỹ đầu tư của chính phủ được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Najib.Trước bê bối này, ông Najib, người ủng hộ hợp tác quốc phòng Mỹ - Malaysia trong hơn một thập kỷ qua, phải ra sức chống đỡ với sức ép từ chính những thành phần bên trong đảng của ông và cả các đảng đối lập.
Ông Najib và ông Barack Obama từng khá thân thiết, thậm chí cùng nhau chơi golf trong kỳ nghỉ của Tổng thống Mỹ ở Hawaii năm ngoái. Tuy nhiên, vị thế bấp bênh hiện nay của nhà lãnh đạo Malaysia đặt ông vào thế khó để theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, học giả Michael Auslin ở Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định.
"Ông Najib cực kỳ cẩn trọng trong quan hệ với Obama và đặt Malaysia vào vị thế của cường quốc tầm trung đáng tin cậy. Nhưng, sự ủng hộ dành cho những gì ông đang làm trong nước luôn rất mỏng manh, " Auslin nói.
Giới quan sát cho rằng sẽ rất khó có một bộ máy lãnh đạo nào khác sẵn sàng hợp tác với Mỹ hơn chính quyền ông Najib. Nhưng lúc này, giữa thời điểm khủng hoảng, ông Najib phải quay sang tìm kiếm ủng hộ từ các lãnh đạo chính trị Hồi giáo, những người không muốn hợp tác với Washington.
"Ông ấy đang đấu tranh để bảo tồn sinh mệnh chính trị trong nước. Nếu vượt qua được, có thể ông sẽ chùn lại," Auslin nhận xét, "Vậy ai sẽ là người sau đó ở Malaysia tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ" thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ?
Mỹ từng thận trọng nhưng giờ đây gia tăng hoạt động và tuyên bố phản đối các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Malaysia chính là một phần quan trọng của nỗ lực đó. Song, bằng cách đặt cược tất cả vào Najib, Washington nhiều khả năng sẽ phải bắt đầu lại từ con số không trong kế hoạch tuyển mộ Malaysia trở thành đồng minh vững chắc, theo bình luận viên Josh Rogin từ Bloomberg.
Hồng Vân theo VnExpress