Các thành viên NATO đưa ra tuyên bố bảo vệ Phần Lan và Thụy Điển

VietTimes – Có thêm 3 nước châu Âu tuyên bố sẽ bảo vệ những nước muốn tham gia NATO, trong quá trình họ đang gia nhập.
Trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ (Ảnh: RT)

Đan Mạch, Iceland và Na Uy đã tham gia cùng một số những quốc gia khác đưa ra cam kết bảo vệ an ninh đối với Thụy Điển và Phần Lan, hai nước mới đây chính thức công bố ý định gia nhập NATO.

Nêu lên “quyền được lựa chọn các thỏa thuận an ninh riêng” của Helsinki và Stockholm với tư cách các quốc gia có chủ quyền, 3 nước châu Âu tuyên bố trong hôm đầu tuần rằng họ sẽ bảo vệ Thụy Điển và Phần Lan trong trường hợp hai nước này bị tấn công giữa lúc đang trong tiến trình gia nhập NATO.

“An ninh của Phần Lan và Thụy Điển là vấn đề quan tâm chung với tất cả chúng ta. Nếu Phần Lan hay Thụy Điển trở thành nạn nhân của sự hung bạo trước khi gia nhập NATO, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ bằng mọi biện pháp có thể”, các nước này nói trong một tuyên bố chung, thêm rằng họ sẽ “lập tức khởi động quá trình chuẩn bị để thực thi những đảm bảo an ninh này.”

Tuyên bố đảm bảo an ninh mới được đưa ra trong ngày mà Thụy Điển chính thức tuyên bố rằng họ sẽ xin gia nhập NATO, một ngày sau khi Phần Lan có động thái tương tự. Lãnh đạo ở cả hai nước này đều nêu nhiều quan ngại sau khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, cho rằng điều này đã thay đổi về cơ bản môi trường an ninh trong khu vực.

Nga từ lâu đã cảnh báo về sự mở rộng của NATO về phía Đông, cho rằng khối quân sự này là một “công cụ dẫn tới xung đột.” Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov mới đây nói rằng tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển chắc chắn sẽ làm tăng “căng thẳng quân sự” ở Đông Âu, trong khi Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đề cập tới khả năng triển khai các vũ khí hạt nhân tới biên giới phía Tây của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra phản ứng trong hôm đầu tuần này, nói rằng Moscow “không có vấn đề” với việc Stockholm hay Helsinki, và việc họ muốn gia nhập NATO “không gây ra mối đe dọa trực tiếp tới Nga.”

Tuy nhiên, ông Putin thêm rằng, “sự mở rộng của cấu trúc quân sự này sang lãnh thổ (của Thụy Điển hay Phần Lan) chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi,” và rằng phản ứng của Nga “sẽ dựa trên những mối đe dọa được tạo ra.”

Trong khi một số nước đã đề xuất bảo đảm an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan – trong đó có Mỹ, Anh và bản thân NATO – tư cách thành viên của hai nước này còn tùy thuộc vào sự ủng hộ đồng lòng của 30 nước thành viên. Tính đến hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên duy nhất công khai phản đối.

Hôm đầu tuần, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng hai nước Bắc Âu “mang những kẻ khủng bố vào nói chuyện trong quốc hội của họ” và “không có một quan điểm rõ ràng đối với các tổ chức khủng bố”, nhắc tới đảng Lao động người Kurd (PKK) và Mặt trận Cách mạng Giải phóng Nhân dân (DHKP/C), mà Ankara cho là phi pháp.

Theo RT