|
Một đơn vị của lực lượng Liên Hợp Quốc đang tuần tra sau khi IDF thực hiện các cuộc tấn công ở miền nam Lebanon vào ngày 21/6 (Ảnh: Getty) |
Một số quốc gia thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ, đã đưa ra cảnh báo du lịch tới Lebanon, kêu gọi công dân của họ ngay lập tức rời khỏi đất nước này trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah thân Palestine.
Căng thẳng nhanh chóng leo thang vào hôm 27/7 khi một cuộc tấn công bằng tên lửa giết chết 12 trẻ em ở thành phố Majdan Shams tập trung cộng đồng người Druze, thuộc Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết vật thể này là tên lửa Falaq-1 do Iran sản xuất được Hezbollah bắn từ miền nam Lebanon. Tuy nhiên, nhóm phiến quân phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công.
Đại sứ quán Mỹ đã đưa ra một thông báo du lịch, kêu gọi công dân nước họ “xem xét lại nghiêm túc việc đi đến Lebanon”. Đại sứ quán cho biết: “Môi trường an ninh vẫn phức tạp và có thể thay đổi nhanh chóng”.
Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo “không nên đến Lebanon do những rủi ro liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra” giữa Israel và Hezbollah. Những cảnh báo tương tự cũng được đưa ra bởi Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch cũng như các quốc gia không thuộc NATO như Ireland và Australia.
IDF và Hezbollah đã giao tranh kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra vào tháng 10. Nhóm vũ trang này đã liên tục phóng tên lửa và đạn súng cối vào các vị trí của Israel để thể hiện tình đoàn kết với Hamas và người Palestine ở Gaza, khiến IDF phải trả đũa bằng hỏa lực pháo binh và không kích.
Để đáp trả cuộc tấn công hôm thứ Bảy tuần trước ở Cao nguyên Golan, Israel đã đe dọa Hezbollah bằng “chiến tranh tổng lực”, trong khi Ngoại trưởng Israel Katz cho biết nhóm này đã “vượt qua mọi lằn ranh đỏ và đòn trả đũa sẽ phản ánh điều đó”.
Nội các an ninh Israel đã họp vào tối Chủ nhật tuần trước và trao cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant quyền quyết định thời gian và phạm vi của các hành động quân sự tiếp theo.