Một nghiên cứu do tổ chức môi trường Transport & Environment (T&E) đã tiết lộ rằng năm quốc gia lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đang chi khoảng 42 tỷ euro mỗi năm để trợ cấp cho các loại xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, nghiên cứu kêu gọi tăng cường hỗ trợ xe điện nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Nghiên cứu do công ty tư vấn Environmental Resources Management (ERM) thực hiện cho thấy, Italy đứng đầu danh sách với 16 tỷ euro trợ cấp cho xe công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiếp theo là Đức với 13,7 tỷ euro. Pháp và Ba Lan cũng chi lần lượt 6,4 tỷ và 6,1 tỷ euro mỗi năm. Các khoản trợ cấp này thường đi kèm với các chính sách bù trừ thuế tiêu dùng và trợ cấp sử dụng nhiên liệu.
Stef Cornelis, giám đốc đội xe của T&E, nhấn mạnh: "Việc tiếp tục đổ hàng tỉ euro tiền thuế của người dân vào việc trợ cấp cho công nghệ nhiên liệu hóa thạch là hoàn toàn trái ngược với chương trình chuyển đổi xanh của Ủy ban châu Âu". Cornelis chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ xe chạy nhiên liệu hóa thạch, trong khi cần tập trung vào việc thúc đẩy các phương tiện thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh doanh số bán xe điện tại châu Âu giảm mạnh. Một phần nguyên nhân là do giá xe điện cao hơn so với các dòng xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, làm cho chúng khó tiếp cận với nhiều người tiêu dùng. Theo dữ liệu của ngành, doanh số bán xe điện tại EU đã giảm 43,9% vào tháng 8, với Đức và Pháp – hai thị trường lớn nhất khu vực – ghi nhận mức giảm lần lượt là 68,8% và 33,1%.
Mặc dù các quốc gia trong EU chưa có chính sách ưu đãi mạnh mẽ cho xe điện, Vương quốc Anh, cựu thành viên EU, là quốc gia duy nhất cung cấp các ưu đãi tài chính đáng kể cho tài xế xe công ty chuyển sang xe điện.
Trong bối cảnh này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu ưu tiên đề xuất cách loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước đi quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực giao thông.
Theo Reuters