Các nhà lập pháp Mỹ liên tiếp đề xuất các đạo luật giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ trong ba ngày đã hai lần đưa ra các dự luật "Đạo luật vũ trang Đài Loan", "Đạo luật răn đe Đài Loan", tài trợ quân sự để giúp Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ.
Theo dự luật mới được các Thượng nghị sỹ Cộng hòa đưa ra hôm 4/11, mỗi năm Mỹ sẽ cung cấp 2 tỉ USD và các khoản viện trợ khác để giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ (Ảnh: LTN).
Theo dự luật mới được các Thượng nghị sỹ Cộng hòa đưa ra hôm 4/11, mỗi năm Mỹ sẽ cung cấp 2 tỉ USD và các khoản viện trợ khác để giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ (Ảnh: LTN).

Vào lúc tình hình ở eo biển Đài Loan nóng lên, giới chính trị cấp cao của Mỹ đã liên tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan và thực sự thúc đẩy các đạo luật tăng cường quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Đài Loan.

Hôm thứ Năm (4/11), các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã cùng nhau đề xuất một dự luật mới nhằm cung cấp 2 tỉ USD và các khoản viện trợ khác mỗi năm để giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan và giúp họ chống được áp lực từ Trung Quốc. Đây là đề xuất dự luật thứ hai của các thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trong vòng ba ngày.

Theo hãng Reuters đưa tin, "Đạo luật răn đe Đài Loan" (Taiwan Deterrence Act) sẽ cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp cho Đài Loan 2 tỉ USD khoản "Tài trợ quân sự nước ngoài" (Foreign Military Financing) hàng năm trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2023 đến 2032.

Nguồn “Tài trợ quân sự nước ngoài” này cung cấp cho Mỹ các khoản trợ cấp hoặc cho các đồng minh vay để họ có thể sử dụng vào việc mua vũ khí và thiết bị quốc phòng do Mỹ sản xuất.

Thượng nghị sỹ Jim Risch, người đề xuất "Đạo luật răn đe Đài Loan" (Taiwan Deterrence Act. Ảnh: Deutsche Welle.

Thượng nghị sỹ Jim Risch, người đề xuất "Đạo luật răn đe Đài Loan" (Taiwan Deterrence Act. Ảnh: Deutsche Welle.

Ngoài ra, dự luật này cũng yêu cầu sửa đổi “Đạo luật Quản chế Xuất khẩu vũ khí” (AECA) để giúp việc chuyển nhượng vũ khí cho Đài Loan dễ dàng hơn; và trong vòng 180 ngày kể từ ngày dự luật có hiệu lực, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng phải gửi báo cáo năm cho các các ủy ban quốc hội có liên quan để đánh giá sự tiến bộ của Đài Loan trong việc thúc đẩy khả năng tự vệ.

Dự luật này cũng sẽ cải thiện việc trao đổi quân sự giữa Mỹ và Đài Loan và tăng thêm cơ hội cho các binh sĩ Đài Loan được đào tạo và huấn luyện kỹ thuật quân sự chuyên nghiệp tại Mỹ.

Người bảo trợ chính của "Đạo luật Răn đe Đài Loan" là Thượng nghị sĩ Jim Risch, người là thành viên chính của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Đồng bảo trợ còn có các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Crapo, John Cornyn, Bill Hagerty, Mitt Romney và Marco Rubio.

Vào ngày 4/11, Thượng nghị sỹ Jim Risch cho biết thông qua một thông cáo báo chí của Ủy ban Đối ngoại: “Việc bảo vệ Đài Loan là quan trọng đối với hòa bình và an ninh trong tương lai của toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Ông cũng nhấn mạnh rằng dự luật này “không phải là một tấm séc trống” và nguồn tài chính này được cung cấp phụ thuộc vào việc Đài Loan có thể giữ lời hứa thiết lập các biện pháp phòng thủ đáng tin cậy hay không.

Mặc dù dự luật chỉ do Đảng Cộng hòa, một đảng thiểu số tại Thượng viện đề xuất, nhưng nó đã làm tăng áp lực của Quốc hội đối với Tổng thống người Đảng Dân chủ Joe Biden, tiếp tục yêu cầu chính phủ Mỹ thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường quan hệ với Đài Loan đang bị cô lập về mặt ngoại giao.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 2/11 tuyên bố tại Diễn đàn An ninh Aspen: Mỹ hoàn toàn có khả năng bảo vệ Đài Loan (Ảnh: Aspen Institute).

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 2/11 tuyên bố tại Diễn đàn An ninh Aspen: Mỹ hoàn toàn có khả năng bảo vệ Đài Loan (Ảnh: Aspen Institute).

Hiện vẫn chưa rõ quan điểm của các Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ về dự luật này, nhưng ủng hộ Đài Loan là một trong số ít chủ đề mà hai đảng vốn có nhiều điểm bất đồng nhưng có thể nhất trí với nhau tại Thượng viện.

Trước khi các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đề xuất "Đạo luật răn đe Đài Loan", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley của Ủy ban Quân lực Thượng viện ngày 2/11 cũng đã đề xuất một dự luật khác tương tự mang tên "Đạo luật vũ trang (cho) Đài Loan" (Arm Taiwan Act of 2021).

“Đạo luật Vũ trang Đài Loan” chủ yếu là trong các năm tài chính từ 2023 đến 2027 mỗi năm phân bổ ngân sách 3 tỉ USD mỗi năm cho Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Đài Loan (Taiwan Security Assistance Initiative) do Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch và lập ra nhằm đẩy nhanh việc triển khai các khả năng phòng thủ phi đối xứng theo yêu cầu của Đài Loan.

Với việc Trung Quốc gần đây đã gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, sau khi điều gần 150 máy bay chiến đấu vào Vùng Nhận dạng Phòng không Đài Loan trong mấy ngày đầu tháng 10, các giới chính trị hàng đầu ở Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề an ninh của Đài Loan.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Mark Milley, cho biết tại Diễn đàn an ninh Aspen hôm 2/11 rằng ông không nghĩ Trung Quốc sẽ có hành động tấn công Đài Loan trong thời gian ngắn sắp tới, nhưng khi ông được hỏi liệu Mỹ có đủ khả năng bảo vệ Đài Loan hay không; Milley đã nói "đó là điều không thể nghi ngờ".

Cũng tại diễn đàn này, Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Hạ viện, cũng tuyên bố: "Tôi cho rằng chúng ta cần thể hiện rõ ràng hơn nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan. Tôi cũng cho rằng chúng ta cần cung cấp cho Đài Loan những tài nguyên cần thiết để họ có thể tự phòng vệ”.