|
Triển khai dự án “Phản ứng nhanh hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam và khu vực” do một nhóm nhà khoa học thực hiện |
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai - rắn cắn là nguyên nhân ngộ độc hàng đầu ở Trung tâm này. Có tháng, ngày nào cũng có người bị rắn cắn nhập viện. Rất nhiều người dù đã đến được bệnh viện song vẫn tử vong, do bác sĩ không xác định được loại rắn nào cắn để điều trị.
Việc xác định chính xác loại rắn cắn để cứu chữa là cực kỳ quan trọng, nhưng các thầy thuốc không thể làm được, nên phải nhờ các chuyên gia. Tuy nhiên, số người nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn là người nghèo; trong khi, để xác định chính xác độc tố, phải làm rất nhiều xét nghiệm và điện não đồ, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Chi phí mua huyết thanh kháng độc cũng 20-30 triệu đồng, mà nếu truyền không đúng huyết thanh loài rắn cắn, vẫn có thể tử vong.
Hơn 10 năm qua, PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo - chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam, hiện là Trưởng phòng Quản lý tổng hợp của Viện nghiên cứu hệ gen Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam - đã hỗ trợ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai để cứu chữa bệnh nhân.
Khi có người bị rắn cắn, PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo sẽ đến tận nơi xem xét và tư vấn, hoặc Trung tâm gửi mẫu vật, chụp vết rắn cắn cho anh xem. Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia đặc biệt này mà đã rất nhiều bệnh nhân đã thoát chết.
Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân bị rắn cắn vẫn gia tăng, nhiều người tử vong do không được sơ cấp cứu đúng cách. Trước tình hình này, nhóm các nhà khoa học thuộc Quỹ Thành Đông Tươi Sáng đã triển khai dự án “Phản ứng nhanh hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam và khu vực”, nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị rắn độc cắn trên toàn quốc và những khu vực lân cận.
Dự án do PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo phụ trách chuyên môn cùng sự tham gia của Ths. Dược sĩ Vũ Tinh Tế và BS. Nguyễn Thiên Lương.
Trao đổi với VietTimes, PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo cho biết Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, có gần 60 loài rắn độc phân bố khắp cả nước, tai nạn do rắn độc cắn rất nhiều và rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Vào mùa hè, mùa mưa, các loài rắn hoạt động kiếm ăn, tìm bạn tình, sinh sản, do đó, tai nạn do rắn độc cắn càng gia tăng.
Các loại rắn độc ở nước ta chia làm 2 nhóm chính: Rắn hổ và rắn lục. Rắn hổ cắn có thể gây hoại tử tổ chức tại chỗ, suy đa phủ tạng toàn thân, liệt cơ có thể gây tử vong cho nạn nhân từ vài phút đến vài giờ; rắn lục cắn gây rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nạn nhân có thể tử vong nếu không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo, dự án “Phản ứng nhanh hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam và khu vực” sẽ hỗ trợ tư vấn nhận dạng, phân loại, xác định loài rắn độc và không độc từ xa (gửi ảnh, video…) và hỗ trợ xác định mẫu vật là rắn bằng phương pháp hình thái và xác định gen, sinh học phân tử trên toàn quốc và khu vực. Các chuyên gia cũng hỗ trợ tư vấn từ xa để chẩn đoán, xử trí, sơ cấp cứu, vận chuyển an toàn nạn nhân bị rắn cắn trên toàn quốc. Dự án còn hỗ trợ vận chuyển nạn nhân bị rắn cắn bằng xe cứu thương và nhân viên y tế được đào tạo chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, dự án tổ chức truyền thông, giáo dục phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị rắn độc cắn, nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro do rắn độc cắn.
Được biết, Quỹ Thành Đông Tươi Sáng sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho các hoạt động tư vấn từ xa, hỗ trợ chuyên môn mọi mặt cần thiết cho tất cả các nạn nhân bị rắn cắn.
Số điện thoại hotline hỗ trợ 24/24h nạn nhân bị rắn cắn: 0789.215.115
PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo vinh dự được chọn là thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới nhiệm kỳ 2018-2022.
PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo đã được nhận Giải thưởng nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Giải thưởng KHCN thanh niên Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn. Năm 2016 anh được Trường Đại học Kyoto mời là Phó giáo sư thỉnh giảng.
Năm 2019, anh được đặc cách phong Phó giáo sư khi mới 37 tuổi.