Các ngân hàng trung ương âm thầm hành động giữa ồn ào của Bitcoin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vượt ngưỡng 50.000 USD, Bitcoin chiếm nhiều tựa báo, nhưng hành động đắt giá thực sự lại là của nhiều ngân hàng trung ương, với việc ra mắt tiền điện tử quốc gia (CBDC)
Tiền điện tử quốc gia
Tiền điện tử quốc gia

Bất kỳ ai đầu tư vào Bitcoin cách đây một năm ắt hẳn phải cảm thấy hả dạ, và tất nhiên, giàu có. Giá của đồng tiền ảo này lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 nghìn USD vào ngày 16/2, tăng gấp năm lần một năm trước.

Các đại gia trên Phố Wall bao gồm BlackRock, Bank of New York Mellon và Morgan Stanley cân nhắc việc giữ lại một ít Bitcoin cho khách hàng. Hãng sản xuất ô tô điện Tesla cho biết đã đổ 1,5 tỉ USD vào Bitcoin và sẽ chấp nhận khách hàng dùng đồng tiền ảo này để trả tiền xe.

Kế hoạch của các ngân hàng trung ương

Sự quan tâm của nhà đầu tư vào Bitcoin có thể đang trên đà tăng, nhưng sự kém hiệu quả và chi phí giao dịch đi kèm với mỗi lần sử dụng khiến đồng tiền điện tử này có thể không bao giờ trở thành loại tiền tệ thông dụng.

Và rồi, hành động âm thầm mà hiệu quả lại đến từ các nhân vật ngân hàng trung ương.

Khi người tiêu dùng dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, và các công ty tư nhân (chẳng hạn như Facebook) cũng có ý định phát hành đồng tiền mã hóa riêng của mình, nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu lên kế hoạch phát hành phiên bản điện tử của tiền tệ quốc gia.

Vào tháng Một, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) - nhóm các ngân hàng trung ương nhiều quốc gia – dự báo đến năm 2024 có đến 1/5 dân số thế giới được tiếp cận với tiền điện tử của ngân hàng trung ương nước mình (CBDC – central bank digital currency).

Trung Quốc rõ ràng là người dẫn đầu cuộc đua. Ngày 17/2, nước này đã hoàn thành đợt thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử lớn thứ ba, phân phát 1,5 triệu USD tiền điện tử cho 50.000 người mua sắm ở Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã công bố liên doanh với SWIFT để có thể thực hiện thanh toán quốc tế cho phiên bản tiền điện tử. Thụy Điển, nhanh nhẹn không kém, đã mở rộng dự án thử nghiệm tương tự.

Một ngân hàng mới trở nên nghiêm túc với kế hoạch phát hành CBDC là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Lần chưng cầu dân ý hồi tháng Một về đặc tính mong muốn về đồng tiền điện tử của ECB tập hợp được 8.000 phản hồi. Bà Christine Lagarde, chủ tịch ECB cho biết bà có kế hoạch tìm kiếm sự đồng thuận của đồng nghiệp để bắt đầu chuẩn bị phát hành đồng euro điện tử. Quyết định sẽ có vào tháng Tư tới. Bà Lagarde hy vọng rằng đồng euro điện tử sẽ ra mắt trước năm 2025.

Triển vọng đồng euro điện tử

Cũng khá giống với các ngân hàng trung ương khác, ECB muốn đem đến cho khách hàng lựa chọn tiền điện tử an toàn như tiền mặt. Không như khoản tiền gửi ngân hàng, sử dụng CBDC không có rủi ro tín dụng. Giao dịch tiền kỹ thuật số có thể được quyết toán ngay lập tức vào sổ cái của ngân hàng trung ương, thay vì phải đi vào hệ thống chằng chịt của các nhà phát hành thẻ hay ngân hàng. Điều này đem đến một hệ thống dự phòng trong trường hợp sập nguồn hay tấn cộng mạng khiến các kênh thanh toán cá nhân gặp lỗi.

ECB cũng xem tiền điện tử là một công cụ tiềm năng để thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng euro, đồng tiền hiện chỉ chiếm 20% trong quỹ dự phòng của các ngân hàng trung ương toàn cầu, trái ngược với tỉ lệ dự trữ 60% của đồng đô la Mỹ. Đồng euro điện tử có thể giúp người nước ngoài thanh toán giao dịch xuyên quốc gia trực tiếp, nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn mạng lưới của các ngân hàng “đại lý” tại nước ngoài (correspondent bank). Điều này có thể khiến đồng euro điện tử trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Điểm hấp dẫn chính của đồng euro điện tử là có thể đem lại mức độ bảo mật mà cả Mỹ và Trung Quốc không thể đảm bảo, theo Dave Birch, một chuyên gia lĩnh vực fintech. Nước Mỹ sử dụng hệ thống tài chính để cấm vận, trong khi Trung Quốc theo đuổi quyền kiểm soát. Nhưng để thiết kế một CBDC cho đúng sẽ rất phức tạp: Liên minh châu Âu (EU) vẫn muốn theo dõi được tiền mặt bị rửa hoặc giấu diếm để trốn thuế. Một lựa chọn có thể là để người dùng mở ví điện tử chỉ khi đã được ngân hàng kiểm duyệt, nhưng không theo dõi khi họ sử dụng.

Khó khăn để cho ra đời đồng euro điện tử

Một đồng euro điện tử thành công rộng rãi có thể thổi bay các khoản ký quỹ khỏi ngân hàng và đe dọa khả năng cho vay. Các biện pháp sửa chữa đang được cân nhắc bao gồm quy định mức tối đa lượng tiền điện tử người dùng được phép giữ hoặc áp dụng lãi phạt nếu sử dụng quá ngưỡng, như đề xuất ngày 10/2 của Fabio Panetta, một thành viên của ban giám đốc ECB. Đồng euro điện tử ra đời cũng có thể là một cuộc “cải cách pháp lý to lớn”, theo Huw van Steenis của ngân hàng UBS.

Quy định thanh toán hoàn tất (settlement finality) – quy định khi nào một khoản thanh toán hoàn thành và không thể hoàn tác – cũng khác nhau trong 19 nước EU và cũng sẽ cần bàn bạc thống nhất. Việc cho mắt một đồng tiền điện tử quốc gia sẽ tốn nhiều công hơn việc mã hóa.

Nguồn:

https://www.economist.com/finance-and-economics/2021/02/20/bitcoin-crosses-50000