E-magazine Các nền tảng số làm thay đổi diện mạo, kinh tế vùng nông thôn Trung Quốc như thế nào?

Nền tảng số phát triển mang đến làn gió mới cho làng quê Trung Quốc, khiến nhiều người thích thú bởi sự hùng vĩ, bình dị, cũng là bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế nơi đây.
Làng quê Trung Quốc qua ống kính trở nên bình dị, thu hút nhiều người. (Ảnh: Instagram)

Điền Tây Tiểu Ca (Dianxi Xiaoge, 32 tuổi) là vlogger đến từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cô thu hút người xem bởi những video nấu ăn theo phong cách bình dân, khám phá phong cảnh địa phương được đăng tải trên mạng xã hội.

Hình ảnh miền thôn quê do cô ghi lại được khen đẹp đến nao lòng, khiến người xem cảm giác như được quay về tuổi thơ. Với đôi tay khéo léo của Điền Tây Tiểu Ca, nhà bếp làng quê như biến thành một sân khấu biểu diễn với bạn diễn là bếp lò đốt củi hay dao chặt, đồ thái gọt.

Vlogger 32 tuổi khéo léo, uyển chuyển trong từng khung hình. (Ảnh: Instagram)

Công nghệ phát triển, truyền thống trên mạng xã hội lên ngôi đã thay đổi định kiến của nhiều người về làng quê Trung Quốc từ nghèo đói, trì trệ trở thành một câu chuyện hấp dẫn hơn bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào, khiến nhiều người ao ước được tận hưởng một lần trong đời.

Vào đầu năm 2020, Điền Tây Tiểu Ca được chọn làm đại sứ du lịch cho Bảo Sơn, đại diện cho thế hệ vlogger mới, tiếp tục quảng bá và giới thiệu các vùng nông thôn của đất nước. Có thể thấy, đây chính là chiến lược của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh các chiến lược quảng bá hình ảnh nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Quá trình phát triển nông thôn còn nhiều khó khăn

Trong nhiều thập kỷ qua, vùng nông thôn Trung Quốc luôn phải đối mặt với khó khăn và lạc hậu.

Chiến dịch Đại nhảy vọt được phát động trong giai đoạn 1958 -1961 bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm huy động quần chúng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách nhanh chóng. Tuy nhiên kế hoạch này không thành công, dẫn tới một trong những nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử.

Từ tác động của Đại nhảy vọt, các ngành công nghiệp Trung Quốc rơi vào tình trạng bất ổn. Nông dân sản xuất quá nhiều thép nhưng chất lượng thấp, trong khi các ngành khác bị bỏ rơi. Phần lớn lượng thép sản xuất ra chỉ nhằm mục đích đạt chỉ tiêu do các quan chức địa phương đặt ra – từ áp lực của Đại nhảy vọt. Tồi tệ hơn, để tránh bị phạt, chính quyền các địa phương đã thường xuyên phóng đại các con số và che giấu sự thật khiến cho vấn đề càng thêm trầm trọng.

Kỷ nguyên cải cách bắt đầu từ năm 1978 mang đến những thách thức mới, khi các thành phố của Trung Quốc bùng nổ, vùng nông thôn bị tụt lại phía sau.

Hàng triệu người dân ở các vùng nông thôn Trung Quốc đã rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở các thành phố. Nông thôn lúc bấy giờ chỉ còn người già và đất đai khô cằn, bỏ hoang. Nếu như vào năm 1980, chỉ có 19% dân số Trung Quốc sinh sống ở khu vực đô thị, thì đến năm 2023, con số này đã tăng vọt lên 66%.

Trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển nông thôn. Một cột mốc quan trọng là vào năm 2006, thuế nông nghiệp đã được bãi bỏ, đánh dấu cam kết của chính quyền đối với việc thúc đẩy sự thịnh vượng của các vùng quê.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Gần đây, chiến dịch Hồi sinh nông thôn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tập trung vào phát triển nông thôn, đưa nó trở thành một ưu tiên hàng đầu trong các chính sách quốc gia. Những sáng kiến như Internet Plus Agriculture và đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử như Taobao Villages giúp người dân nông thôn đến gần hơn với thị trường đô thị, mở ra nhiều cơ hội mới.

Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn vẫn còn lớn. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của các hộ gia đình nông thôn chỉ đạt 21.691 NDT (khoảng 3.100 USD), chỉ bằng 40% so với thu nhập của các hộ gia đình thành thị.

Giới trẻ thổi làn gió mới vào nông thôn Trung Quốc

Nhắc đến nông thôn Trung Quốc ngoài Điền Tây Tiểu Ca, không thể bỏ qua cái tên Lý Tử Thất (Li Ziqi).

Lý Tử Thất (1990) là một hình mẫu thành công trong lĩnh vực sáng tạo nội dung tại Trung Quốc. Cô được mệnh danh là "tiên nữ đồng quê", "đệ nhất hot girl mạng Trung Quốc", "người có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội", mỗi video cô đăng tải có lượt xem trên 10 triệu.

Lý Tử Thất (1990) mang đến bức tranh yên bình, hoà mình vào với thiên nhiên nơi làng quê Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Các video của Lý Tử Thất, ta thấy ngay được những điểm đặc trưng vô cùng nổi bật của Trung Quốc như các món ăn địa phương của vùng Tứ Xuyên, phong cảnh, các hoạt động trồng trọt cũng mang màu sắc của vùng núi non sơn cước. Những cảnh vật trong nhà, trong vườn, góc bếp nhỏ được cắm hoa...tất cả những thứ xuất hiện trong các clip của Lý Tử Thất một cách liên tục, ăn sâu vào suy nghĩ của khán giả, khiến người xem khao khát một lần đặt chân đến đây.

Các nền tảng mạng xã hội như Douyin và Weibo trở thành bàn đạp giúp nhiều nông dân mới, các bạn trẻ và người nổi tiếng gia nhập đội ngũ phát triển nông thôn, ghi lại dấu ấn và thương mại hóa lối sống của họ.

Họ mang đến những trải nghiệm về đồng quê, câu chuyện văn hóa nông nghiệp truyền thống Trung Quốc, vẽ lên bức tranh làng quê vừa bình dị, thanh tịnh nhưng cũng đầy sự thịnh vượng, phát triển.

Nếu như các video của Lý Tử Thất nhẹ nhàng, uyển chuyển thể hiện vẻ đẹp bình dị của nông thôn, chủ kênh "Sister Yu" lại mang làn gió mới cho nông thôn Trung Quốc với cách thể hiện bỗ bã, không rườm rà.

Các video lao động và nấu ăn của chị Yu thu hút sự người xem bởi phong cách mạnh mẽ, chân thực (Ảnh: Sixthtone)

Người phụ nữ 45 tuổi sống ở vùng tự trị Mãn Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, đã sản xuất hàng trăm video về đời sống thường nhật, giới thiệu các phương pháp nấu ăn và trồng trọt truyền thống, thu hút trăm triệu lượt thích.

Người xem tỏ ra thích thú với những hành động "như đàn ông" của chị, ví dụ như bổ củi, thái cây mù tạt với tốc độ phi thường hay đá bung một cánh cửa gỗ và đập mạnh chiếc bát nhôm lên mặt bàn bếp để báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Hay Peng Chuanming, một nông dân ở Phúc Kiến có các video về cách chế biến các loại trà truyền thống và khôi phục ngôi nhà của mình đã thu hút hàng triệu người xem.

Giữa những KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng) làm về thời trang, mỹ phẩm, xe sang đắt tiền, sang trọng thì những video bình dị, chân chất nơi núi rừng như thổi một làn gió mới, khiến nhiều người thích thú.

Nền tảng số cứu nguy các khu vực nông thôn

Từ năm 2016, các nền tảng thương mại điện tử đã giúp cuộc sống nông thôn Trung Quốc bước vào thời kỳ kỹ thuật số. Ban đầu chỉ là những clip đơn sơ, nhưng chúng nhanh chóng trở thành hiện tượng thu hút đông đảo khán giả, nhờ vào sự hoài niệm và nhu cầu kinh tế.

Sau suy thoái hậu COVID-19, với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tăng cao và cơ hội ở đô thị dần cạn kiệt, nhiều người đã chọn quay về nông thôn tìm sinh kế, tận dụng các nền tảng số để kết nối với thị trường và tạo ra cơ hội kinh doanh ngay tại quê nhà.

Tại các siêu đô thị của Trung Quốc, nơi không khí ô nhiễm và có tính cạnh tranh cao, người ta bắt đầu khao khát những gì thực sự truyền thống, yên bình. So với những người sáng tạo nội dung ở thành thị, các KOL nông thôn tạo nên dấu ấn riêng biệt trong bối cảnh truyền thông xã hội, nơi họ tôn vinh cuộc sống giản dị, chân thật, mang lại cảm giác hoài niệm và kết nối mà nhiều người ở đô thị không còn thấy.

Nhờ có vậy, du lịch tại những làng quê Trung Quốc đang bùng nổ, thị trường hàng thủ công truyền thống đang dần tìm được tương lai. Chỉ riêng trong năm 2020, Taobao Villages đã báo cáo doanh thu đáng kinh ngạc với khoảng 1,2 nghìn tỷ NDT (khoảng 169,36 tỷ USD).

Nắm bắt cơ hội, chính phủ Trung Quốc tích cực đẩy mạnh truyền thông trên nhiều nền tảng nhằm quảng bá hình ảnh nông thôn đến bạn bè quốc tế, cũng như khôi phục kinh tế tại các khu vực này, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng tạo ra sự nghi ngờ về tính chân thực của mỗi video mà người nổi tiếng đưa lên. Liệu họ có đang dàn dựng, đánh bóng hình ảnh hay thương mại hoá?

Xu hướng này không chỉ thách thức câu chuyện phát triển đô thị đã thống trị Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ, mà còn khơi gợi suy nghĩ về việc liệu văn minh nhân loại có phải luôn gắn liền với nhà cao tầng, những con đường cao tốc nối dài, hay cốt lõi vẫn là những giá trị văn hoá truyền thống.

Theo The Conversation