Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2009, năm 2010, PVN đã có văn bản yêu cầu các Tổng công ty, các công ty con, các tổ chức có liên quan tới Tập đoàn thực hiện giao dịch thông qua tài khoản tại Ocean Bank (OJB), trong đó có việc gửi tiền.
“Vậy tôi xin hỏi ông, cơ sở nào để PVN làm văn bản như vậy như vậy?”, một luật sư đặt câu hỏi cho vị đại diện PVN tham dự phiên tòa.
Vị đại diện PVN đáp: “Thưa HĐXX, thực hiện hoạt động giữa OJB và PVN, khi PVN trở thành cổ đông chiến lược của OJB, một trong những nghĩa vụ của cổ đông chiến lược là hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của OJB”.
“Tôi với tư cách là người đại diện của PVN, chúng tôi khẳng định rằng không có văn bản nào mang tính ép buộc các đơn vị thành viên sử dụng dịch của OJB. Mà chỉ có khuyến nghị, mang tính đề nghị. Và việc này hoàn toàn mang tính tự nguyện, không có mang tính ép buộc. Và căn cứ của chúng tôi là thỏa thuận hợp tác giữa hai bên”, vị này dõng dạc.
Trước tuyên bố trên, luật sư đã giơ lên một văn bản đang cầm - “trong tay tôi có một văn bản ngày 22/6/2009 của Tổng Giám đốc PVN”.
Vị luật sư nói rằng, theo sự hiểu của ông, thì văn bản có tính hành chính này như là một yêu cầu bắt buộc. “Việc yêu cầu bắt buộc tập trung mọi giao dịch, mọi nguồn lực, vào một tổ chức tín dụng như vậy có cản trở tính tự chủ của các doanh nghiệp của PVN hay không và có tiềm ẩn rủi ro gì không?”, ông hỏi.
Vị đại diện PVN lại tái khẳng định: “Thưa HĐXX, chúng tôi khẳng định rằng hoàn toàn không có văn bản nào có tính hành chính, bắt buộc các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ OJB. Nên chúng tôi khẳng định, tính bắt buộc là không có.
Thứ hai nữa, vì mang tính khuyến nghị các đơn vị thành viên nên quyền tự chủ hoàn toàn thuộc về các đơn vị thành viên. Họ sử dụng hay không sử dụng, là quyền tự quyết của các đơn vị thành viên. Còn việc sau đó họ sử dụng như thế nào, đó là quan hệ giữa đơn vị thành viên với ngân hàng.”
Tuy nhiên, theo luật sư, bản thân văn bản mà ông đang cầm đã thể hiện tính lệ thuộc, phụ thuộc của các đơn vị thành viên vào PVN. “Các ông yêu cầu là các đơn vị phải thực hiện và phải báo cáo kết quả mở tài khoản trước cái thời điểm mà các ông ấn định là 15/10/2010. Vậy thì được hiểu như thế nào? Được Trước khi đại diện PVN ngồi xuống, thẩm phán Trương Việt Toàn đã đề nghị vị này nán lại để giải thích rõ hơn. Theo đó: Công văn mà PVN đề nghị các đơn vị thành viên tập trung gửi tiền vào OJB, thì đó là một cái công văn. Mà công văn thì theo pháp lệnh ban hành văn bản, nó chỉ tính hướng dẫn.
“Công văn ấy có chữ đề nghị, tất nhiên là đề nghị này không thuộc nội dung vụ án mà HĐXX đang xét xử đối với OJB mà thuộc về nội bộ PVN. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý với ông, để ông truyền đạt lại với lãnh đạo PVN, về một nguyên tắc: “trứng không bao giờ bỏ cùng 1 giỏ”.”
Trước nhắn nhủ này của thẩm phán Toàn, vị đại diện PVN xin ít phút trình bày thêm – dù đã được đề nghị ngồi xuống.
Vị đại diện này nói: “Thưa HĐXX xin được trình bày thêm, trong công văn này chúng tôi có nói đề nghị nhưng theo trong công văn này có 1 văn bản quan trọng là “theo quy chế quản lý vốn và theo quy định của pháp luật”, đó là cái mà chúng tôi khuyến nghị trong công văn này.
Theo quy chế quản lý vốn thì 1 đơn vị thành viên phải sử dụng ít nhất 5 ngân hàng, theo đánh giá hàng năm. Chứ không bao giờ đổ toàn bộ vốn nhàn rỗi vào OJB cả. Chúng tôi thông tin cho mọi người hiểu”.
“Nếu như ông đã nói vậy thì giải thích thêm cho ông, một công văn đề nghị gửi tiền vào một địa điểm như vậy. Ở đây, HĐXX nhấn mạnh lại là không phải xem xét hành vi gửi vốn, góp vốn, đối tác chiến lược – HĐXX không xem xét vấn đề đó. Tuy nhiên, nếu xem xét dưới dạng pháp luật, thì cũng cần đối chiếu với Luật Cạnh tranh để xem xét công văn đó, xem nó có vi phạm Luật Cạnh tranh. Nhớ!”, Trương Việt Toàn giải thích thêm, rồi mời đại diện PVN ngồi xuống./.