|
Do chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang, các doanh nghiệp nước ngoài đẩy nhanh rút khỏi thị trường Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Tờ Đại kỷ nguyên tiếng Hoa ngày 25/8 cho rằng cùng với chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không ngừng leo thang, Mỹ có kế hoạch tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, điều này tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Ngày 23/8, cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Trung - Mỹ diễn ra trong 2 ngày đã không đạt được hiệu quả, cho thấy vòng đàm phán thương mại Trung - Mỹ thứ tư đã thất bại.
Cùng ngày, hai bên Trung - Mỹ đồng thời tăng thuế quan 25% lên hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của đối phương. Đầu tháng trước, Trung Quốc và Mỹ cũng tăng thuế quan 25% lên hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của nhau.
Ngày 21/8, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã triển khai trưng cầu ý kiến công khai đối với việc tăng thuế quan 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, việc đánh thuế quan có thể bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2018.
Điều gây chú ý nhất cho thị trường hiện nay là nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục giằng co về vấn đề thương mại, chiến tranh thương mại trong giai đoạn tiếp theo rất có thể gây thiệt hại trực tiếp cho ngành chế tạo Trung Quốc.
Bài viết dẫn lời một thương nhân Hồng Kông có nhà máy ở khu vực tam giác sông Chu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho rằng 2 đợt đánh thuế quan trước gây ảnh hưởng tương đối lớn đối với nhà máy của các doanh nghiệp Trung Quốc, đợt đánh thuế quan tiếp theo sẽ gây ảnh hưởng thực chất đối với các nhà đầu tư Đài Loan và Hồng Kông. Tất cả các sản phẩm tiêu dùng xuất khẩu sang Mỹ đều nằm trong đó. Chẳng hạn các đồ ăn, sản phẩm nhựa như đồ chơi, quần áo, xe đạp...
Theo nhà đầu tư này, nếu chiến tranh thương mại Trung - Mỹ tiếp diễn, đến khi đó sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn lựa chọn rút đi. Theo tính toán một cách bảo thủ, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc có ít nhất một nửa nhà máy sẽ đóng cửa.
Cùng với sự leo thang của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc chuẩn bị rút khỏi Trung Quốc hoặc giảm đầu tư ở Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg gần đây cho hay, rất nhiều nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử như Compal Electronics, Inventec Corporation của Đài Loan hiện đang chuẩn bị di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chuyển sang các khu vực như Đông Âu, Mexico và Đông Nam Á.
Tại cuộc họp báo vào đầu tháng 8/2018, lãnh đạo các doanh nghiệp như Pegatron Corporation, Inventec Corporation tuyên bố đã tìm được phương pháp giảm sự tác động từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa nhằm vào sản phẩm điện tử mang tính tiêu dùng, nhưng có người lo ngại các sản phẩm này sẽ được đưa vào danh sách các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc bị đánh thuế quan trị giá 200 tỷ USD trong thời gian tới.
|
Nhà máy Samsung ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
|
Liêu Tứ Chính, giám đốc điều hành công ty Pegatron Corporation cho biết: "Chúng tôi đã khởi động cơ chế ứng phó, hy vọng giảm rủi ro của tranh chấp thương mại".
Hơn nữa, Lâm Thu Thán, trưởng tài vụ của công ty Pegatron Corporation cho biết trong ngắn hạn, công ty này dự định tăng năng lực sản xuất của các nhà máy tại Czech, Mexico và Đài Loan. Về lâu dài, có thể xây dựng nhà máy ở Ấn Độ, Đông Nam Á.
Hãng tin Reuters Anh ngày 19/8 cho rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc cho biết nếu việc đánh thuế quan trị giá 200 tỷ USD được áp dụng thì sẽ cân nhắc rút khỏi thị trường Trung Quốc hoặc giảm đầu tư ở Trung Quốc.
Larry Sloven, Chủ tịch Capstone International HK Ltd, công ty con của nhà chế tạo sản phẩm điện tử tiêu dùng Capstone Companies có trụ sở chính ở bang Florida, Mỹ cho hay công ty này đang khẩn trương giảm đầu tư ở Trung Quốc, chuyển vốn đến khu vực trung tâm phát triển ngành chế tạo đa dạng hóa khác như Thái Lan.
Charles M. Hubbs, Giám đốc châu Âu của Premier Guard, một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm y tế cho biết: "Trước khi leo thang thuế quan, chúng tôi hy vọng chuyển khoảng 30% sản phẩm (sản xuất) từ Trung Quốc tới Mỹ", bởi vì tiền lương ở Trung Quốc tăng lên, chi phí lao động và đất đai đều đang tăng mạnh.
"Cùng với đợt đánh thuế quan mới nhất, nếu những thuế quan này có hiệu lực, chúng tôi có thể sẽ chuyển khoảng 60% ngành chế tạo Trung Quốc tới Mỹ" - Charles M. Hubbs nói.
Những nhà sản xuất nội thất như At Home Group Inc và RH cho biết họ sẽ cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đã rời khỏi nước này.
Chẳng hạn, nhà máy Tô Châu của công ty TNHH Omron Nhật Bản ngày 16/7 đã chấm dứt sản xuất vĩnh viễn; tháng 6/2018 cơ sở của Samsung Hàn Quốc tại Thâm Quyến, Trung Quốc đóng cửa toàn bộ; cuối tháng 5/2018, công ty Philips Lighting Hà Lan đóng cửa nhà máy ở Thâm Quyến; tháng 5/2018, nhà máy của tập đoàn Olympus ở Thâm Quyến dừng sản xuất.
Đầu năm 2018, hai ông trùm lớn nằm trong Top 500 thế giới của Nhật Bản là công ty Nitto và công ty Nikon lần lượt rút khỏi Tô Châu, Trung Quốc. Trước đó, các công ty, tập đoàn như Panasonic, SHARP, Toshiba, Philips, Sony, Honeywell Security, Seagate, Apple đều đã gia tăng mức độ rút khỏi Trung Quốc.
Hiện nay, các công ty như tập đoàn Bảo Thành của Đài Loan, các tập đoàn Samsung Electronics, LG của Hàn Quốc, Nikon và Sony của Nhật Bản đã hoặc chuẩn bị rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, chuyển sang các khu vực có chi phí lao động thấp hơn như Đông Nam Á, Ấn Độ, Brazil, hoặc trực tiếp xây dựng nhà máy sản xuất tại các thị trường chủ yếu như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).
Đồng thời, các doanh nghiệp quốc tế mà Trung Quốc mua sắm hàng hóa cũng lần lượt chuyển nhà máy và địa điểm mua sắm ra khỏi Trung Quốc.
Theo Bloomberg ngày 17/8, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, công ty Wal-Mart Mỹ ngày 7/8 đã đưa ra một yêu cầu với các nhà cung ứng mỹ phẩm của họ, đó là xem xét mua sắm hàng hóa ở các nước không phải Trung Quốc. Bởi vì, lượng lớn loại mỹ phẩm sản xuất ở Trung Quốc đã được đưa vào danh sách đánh thuế của Mỹ.
Nhà sản xuất mỹ phẩm đến từ Bắc Mỹ là Maroon Group cho biết họ sẽ "rút khỏi thị trường (Trung Quốc)". Bởi vì công ty này sử dụng linh kiện do Trung Quốc chế tạo, lắp ráp điều hòa tại Houston, Mỹ.