|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Ý Paolo Gentiloni (giữa) cùng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Martin Kobler dự hội nghị về Libya tại Rome - Ý hôm 13-12. Ảnh: Reuters |
Libya cũng là nơi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động mạnh ngoài địa bàn chính ở Iraq và Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Ý Paolo Gentiloni cùng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Martin Kobler lạc quan rằng đa số đại diện của 2 chính phủ đối lập ở Libya sẽ ký một thỏa thuận thống nhất vào ngày 16-12 tới.
Đại diện từ 17 quốc gia bao gồm Ai Cập, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Trung Quốc đã ký một tuyên bố chung kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đe dọa cắt đứt liên lạc với phe nào không ký thỏa thuận. 15 người Libya đại diện các nhóm khác nhau cũng tham dự cuộc họp.
“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ việc thực hiện các thỏa thuận chính trị và nhấn mạnh cam kết vững chắc của chúng tôi nhằm cung cấp các giải pháp chính trị, kỹ thuật, kinh tế, an ninh và chống khủng bố theo yêu cầu” – tuyên bố cho biết.
Cả hai ông Kerry và Gentiloni – đồng chủ trì cuộc họp - đều bày tỏ sự cần thiết về việc thành lập một chính phủ đoàn kết để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ IS.
Libya chìm sâu vào hỗn loạn sau vụ lật đổ cố lãnh đạo Muammar Gaddafi cách đây 4 năm do phương Tây hậu thuẫn. Thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này hiện tại có 2 chính phủ và 2 quốc hội tồn tại song song, được hậu thuẫn bởi các nhóm vũ trang khác nhau.
Ý là nước quan tâm đến tình hình Libya nhiều nhất sau vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris – Pháp tối 13-11, trong đó IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công. Libya cách đảo Lampedusa của Ý khoảng 300 km.
Với khoảng 3.000 chiến binh, IS đã củng cố vị trí của mình ở Libya bằng cách chiếm TP Sirte, miền Trung Libya, tấn công một khách sạn và một nhà tù ở thủ đô các mỏ dầu và các trạm kiểm soát quân sự, đồng thời công bố một đoạn video quay cảnh chặt đầu 21 tín đồ Ki-tô giáo Ai Cập trên một bãi biển ở Libya.
Thỏa thuận do LHQ làm trung gian sẽ giúp nước này yêu cầu hỗ trợ quân sự quốc tế để chống lại IS.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13-12 bác bỏ yêu cầu trợ giúp thêm về quân sự để chống IS của Mỹ. Đài ZDF dẫn lời bà Merkel cho biết Đức “đã hoàn thành phần việc của mình và không muốn bàn luận về vấn đề do Mỹ đề xuất vào thời điểm này”.
Tạp chí Der Spiegel hôm 12-12 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gửi một lá thư yêu cầu Đức thể hiện vai trò quân sự lớn hơn, 1 tuần sau khi Berlin chấp nhận tham gia chiến dịch ở Syria. Đức triển khai 6 máy bay trinh sát Tornado, 1 tàu khu trục để bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp, tiếp liệu máy bay và 1.200 quân nhưng không trực tiếp tham chiến.
Bô Quốc phòng Đức xác nhận về lá thư và cho biết đang cân nhắc nội dung (không được công bố).
P.Nghĩa - Theo Reuters, NLĐ